Biển Đông ngày 19/11: “Vén bức màn về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc”
Biển Đông ngày 19/11 nổi bật một số thông tin sau: Công bố báo cá về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc; “Ý đồ” của Trung Quốc trên biển Đông; Bộ Ngoại giao phản đối các hoạt động trái phép xâm phạm chủ quyền Việt Nam..
“Ý đồ” của Trung Quốc trên biển Đông
Nghị quyết lịch sử thứ ba của ĐCSTQ đã nhấn mạnh hiện đại hóa quân đội để thực hiện các “ý đồ” của Trung Quốc đối với Đài Loan, Tân Cương và trên biển Đông. Cụ thể, Nghị quyết lịch sử thứ ba đã vạch ra các kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm cải tổ quân đội, tăng cường sức mạnh trên biển, xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các nước láng giềng và cuối cùng “thống nhất” Đài Loan với đại lục. Nghị quyết này đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa XIX thông qua.
Phản đối các hoạt động trái phép xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Liên quan việc một tàu ngầm Đài Loan tập trận ở đảo Ba Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 18/11 khẳng định, Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan chấm dứt mọi hoạt động trái phép xâm phạm chủ quyền Việt Nam và không tái diễn trong tương lai. Liên quan việc tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn tàu tiếp tế Philippines đến bãi Cỏ Mây, bà Lê Thị Thu Hằng yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS trong mọi hoạt động trên biển Đông, không làm phức tạp tình hình và góp phần duy trì hòa bình tại khu vực; trong khi đó, phía Trung Quốc chỉ trích tàu Philippines xâm phạm lãnh hải Trung Quốc và tàu Trung Quốc chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải.
Trong một diễn biến khác, lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản ngày 18/11 thông báo, tàu sân bay trực thăng JS Kaga và tàu khu trục JS Murasame của Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận song phương với tàu khu trục USS Milius của Mỹ trên biển Đông, nhằm tăng cường liên minh Nhật- Mỹ để ngăn chặn và đối phó hiệu quả các mối đe dọa.
Công bố báo cá về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 18/11 công bố báo cáo “Vén bức màn về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc”, cho biết Trung Quốc đã mở rộng lực lượng dân quân biển ở biển Đông trong thập kỷ qua một cách có hệ thống và có chủ ý nhằm tăng cường quyền kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp. Hiện tại Trung Quốc có khoảng 300 tàu dân quân biển hoạt động bất kỳ lúc nào tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, chủ yếu từ 10 cảng trên khắp các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông và được chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Trong một diễn biến khác, tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 13 ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định tình hình biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới, khẳng định cần giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Chuyên gia Trung Quốc Carl Zha đã đưa ra cái gọi là “bằng chứng lịch sử” cho rằng Trung Quốc đã hiện diện và tuyên bố chủ quyền ở biển Đông từ nhiều thế kỷ trước, nhưng đã bị các chuyên gia đưa ra bằng chứng bác bỏ. Ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Philippines và Việt Nam đã đồng ý nối lại Dự án Nghiên cứu khoa học biển chung (JOMSRE) trên biển Đông, qua đó thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong các vấn đề cùng quan tâm.
Tùng Anh