+
Aa
-
like
comment

‘Biển Đông không thể bị cướp mất chỉ vì một nước láng giềng lớn hơn thèm muốn’

22/11/2020 17:21

“Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên ở Biển Đông không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói với sinh viên Học viện Ngoại giao.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói chuyện tại Học viện Ngoại giao /// Ảnh: ĐSQ Mỹ
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói chuyện tại Học viện Ngoại giao

“Người dân Mỹ rất trân trọng sự hào hiệp của các bạn…”

Ngày 22.11, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã có cuộc nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao, một bài nói chuyện với từ “chúng ta”, “cùng nhau” được nhấn mạnh liên tục.

Ông O’Brien gửi đến sinh viên Học viện Ngoại giao “lời chào từ Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Donald J. Trump” và bày tỏ vui mừng được gặp gỡ những người sẽ trở thành nhà ngoại giao tương lai…, những người sẽ có sự nghiệp rất thú vị, vì gia nhập ngành ngoại giao tại một thời điểm mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trở thành “sân khấu trung tâm” trong các vấn đề thế giới.

Biển Đông không thể bị cướp mất chỉ vì một nước láng giềng lớn hơn thèm muốn - ảnh 1
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gặp quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung

“25 năm trước, hai quốc gia vĩ đại của chúng ta đã gạt lịch sử khó khăn sang một bên, và tạo dựng tình hữu nghị. Qua năm tháng, tình hữu nghị này đã phát triển thành một mối quan hệ đối tác toàn diện và vững mạnh, bắt rễ từ sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau”, ông O’Brien nói, đồng thời nhấn mạnh, đây là tình hữu nghị được xây dựng trên nền tảng quan hệ giữa nhân dân hai nước, bao gồm cả những người đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xung đột trong quá khứ – các cựu chiến binh, thân nhân của những người đã mất…

Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, người Mỹ và người Việt Nam đã giao thương và đầu tư qua lại, tạo ra vô số việc làm cho nhân dân cả hai nước. Cùng nhau, hai bên đã quy tập hài cốt của những quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh; đã rà phá bom mìn, hợp tác trong vấn đề chống phổ biến vũ khí và thúc đẩy an ninh hàng hải.

Ông O’Brien cho rằng, khi giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, hai bên đã tạo ra cơ hội cho thế hệ sau phát triển và đồng thời củng cố quan hệ giữa hai nước.

Hai nước cũng đã cùng nhau giải quyết một loạt các vấn đề khu vực; xây dựng nên một tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong năm qua, hai bên đã sát cánh trong việc chiến đấu chống lại đại dịch do virus Corona gây ra.

Biển Đông không thể bị cướp mất chỉ vì một nước láng giềng lớn hơn thèm muốn - ảnh 2
Sinh viên Học viện Ngoại giao trong buổi giao lưu với ông O’Brien

“Chúng tôi rất cảm kích sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc duy trì hoạt động chuỗi cung ứng và các nhà máy, giúp chúng tôi có thể đảm bảo nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân để bảo vệ tính mạng người dân. Người dân Mỹ rất trân trọng sự hào hiệp của các bạn khi các bạn gửi tặng chúng tôi hàng trăm nghìn khẩu trang vải”, ông O’Brien nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Mỹ rất vui mừng vì đã có thể gửi tặng Việt Nam máy thở.

Trong năm qua, Việt – Mỹ cũng đã ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình Tổ chức Hòa bình, một việc đã được theo đuổi hơn 15 năm qua, với mong muốn làm sâu sắc thêm kết nối giữa nhân dân hai nước trong nhiều thế hệ tiếp theo thông qua tổ chức này.

Năm nay, Học viện Không quân Mỹ cũng đã đón học viên sĩ quan Việt Nam đầu tiên đến học, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã đến thăm Đà Nẵng – đánh dấu lần thứ hai một tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.

“Những chuyến thăm này không chỉ tái khẳng định và tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước, mà còn thúc đẩy hòa bình, ổn định, và dòng chảy thương mại không bị cản trở tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lý giải.

“Xuyên suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ bản sắc và không gian chiến lược của mình”
Trong bài nói chuyện, ông O’Brien cũng cho biết, Mỹ trân trọng quan hệ đối tác với Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, bao gồm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và khu vực Mê Kông; cũng như việc thực thi các nghị quyết liên quan đến Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ông O’Brien tái khẳng định: “Chúng tôi chia sẻ cam kết sâu sắc đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải. Khu vực này không có hứng thú quay trở lại một thời kỳ đế quốc khi mà “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Đó chính là lý do vì sao Mỹ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép, bắt nạt của Trung Quốc tại Biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mê Kông”.

Biển Đông không thể bị cướp mất chỉ vì một nước láng giềng lớn hơn thèm muốn - ảnh 3
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông O’Brien cũng đã có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

“Từ Biển Đông đến lưu vực sông Mê Kông, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn. Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”.

Nhắc lại thành công “vang dội” của Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần thứ 3, nơi các thương vụ trị giá hàng tỉ USD đã được ký kết, bao gồm 2 thoả thuận đối tác về năng lượng mang tính bước ngoặt, sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng của Việt Nam, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh hợp tác kinh tế sẽ quan trọng hơn bao giờ hết khi hai nước hồi phục sau đại dịch.

Ông O’Brien mong Việt Nam mua nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, đón nhiều công ty Mỹ đến hơn.

Về hợp tác đa phương, ông O’Brien đề cao hợp tác của hai nước trong các vấn đề của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, “trân trọng sự lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam” trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay.

“Chúng tôi rất vinh hạnh được làm đối tác của một quốc gian mạnh mẽ và năng động như vậy. Tình hữu nghị của chúng ta được xây dựng trên nền tảng các lợi ích chung và sự tôn trọng sâu sắc đối với sự tự do, độc lập và chủ quyền của nhau”.

“Xuyên suốt chiều dài lịch sử của các bạn, người Việt Nam, giống như người Mỹ, đã đấu tranh chống lại những kẻ muốn xâm phạm chủ quyền của các bạn – người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ bản sắc và không gian chiến lược của mình. Chúng tôi tôn trọng lòng yêu nước, tầm nhìn, quyết tâm của các bạn và tâm huyết các bạn dành cho một quốc gia độc lập và thực sự có chủ quyền, không phụ thuộc vào quốc gia nào khác”, ông O’Brien nói với các sinh viên.

Ông O’Brien đến Học viện Ngoại giao cùng vợ – bà Lo-Mari, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ Kim Reed, và Phó trợ lý Tổng thống/Giám đốc cao cấp phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Allison Hooker.

Bài mới
Đọc nhiều