+
Aa
-
like
comment

Biển Đông Hôm Nay: Việt Nam thiết lập chiến lược mới phòng ngừa rủi ro với Trung Quốc

04/06/2021 20:49

Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý thiết lập một đường dây nóng quản lý nguy cơ xung đột trên biển Đông. Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak thì động thái mới nhất này là một phần trong “chiến lược phòng ngừa rủi ro” từ quan hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam vừa muốn nâng cấp khả năng thực thi pháp luật hàng hải, quân sự đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc trên biển Đông, vừa muốn thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự song phương để duy trì quan hệ hoà bình và cùng có lợi với Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên (kể từ năm 2018) đã điều nhóm tiêm kích J-15 tới căn cứ trên đảo Hải Nam để huấn luyện bay trên khu vực phía bắc biển Đông. Có ít nhất 02 tiêm kích J-15 cất cánh từ căn cứ không quân Lăng Thủy thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Nam Trung Quốc, trên đảo Hải Nam để tham gia huấn luyện bay và tiếp nhiên liệu trên không rồi quay về nơi xuất phát. Điều này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực huấn luyện, xây dựng không đoàn trên hạm để phục vụ tham vọng thành lập các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Tiêm kích J-15 của Trung Quốc

Cũng liên quan đến việc Malaysia cáo buộc 16 máy bay Trung Quốc có hoạt động “đáng ngờ” áp sát không phận Malaysia, ngày 02/06, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết đây chỉ là hoạt động huấn luyện thường lệ của Không quân Trung Quốc ở khu vực nam biển Đông và không nhắm vào nước nào; nhấn mạnh Không quân Trung Quốc đã tuân thủ luật pháp quốc tế và không tiến vào không phận của các nước khác. Trong khi đó, Liên minh Hy vọng Malaysia (Pakatan Harapan – PH) khẳng định, “sự cố này là một mối đe dọa đối với an toàn bay, thách thức chủ quyền quốc gia và ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế”, đồng thời kêu gọi Chính phủ Malaysia phải có “kế hoạch hành động rõ ràng”.

Máy bay Trung Quốc trên Không phận của Malyasia

Cùng ngày, Trung tâm Nghiên cứu an ninh Stimson Center (Mỹ), Trung tâm Quản lý và Chính sách tiên tiến Đức (CPG), Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF), Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) đồng tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “ASEAN trước ngã tư đường: Thúc đẩy sức mạnh tập thể để giải quyết các thách thức khu vực” vào ngày 10 và 11/06, gồm 04 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề được quan tâm hiện nay, nhằm cung cấp thông tin cập nhật các diễn biến và đánh giá chiến lược trên thực địa ở biển Đông và Tiểu vùng Mekong; đồng thời thảo luận các khuyến nghị về giải pháp tiếp cận triển vọng để thúc đẩy sự đồng thuận ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực.

Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) có trụ sợ tại Mỹ khẳng định các căn cứ quân sự của Mỹ nằm ở nước ngoài không có khả năng phòng thủ, và Mỹ cần một hệ thống vũ khí mới vì hệ thống phòng thủ hiện nay của Mỹ có thể dễ dàng bị Nga và Trung Quốc xâm nhập. Được biết, Mỹ có khoảng hơn 800 căn cứ quân sự. Các hệ thống phòng không và tên lửa hiện có đều được trang bị từ thời Chiến tranh Lạnh, trong khi các đối thủ của Mỹ “đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa khả năng tấn công”.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol vừa đồng ý bán tài sản và quyền khai thác dầu khí của mình tại Malaysia và Lô 46 CN tại Việt Nam cho Công ty dầu khí Hibiscus niêm yết tại Kuala-Lumpur, Malaysia. Công ty Repsol cho biết, các giao dịch này sẽ giúp hỗ trợ công ty hợp lý hóa danh mục đầu tư toàn cầu của mình, theo đó khoản tiền huy động được từ giao dịch sẽ đóng góp vào mục tiêu chiến lược toàn cầu, tài trợ cho các dự án cốt lõi và các sáng kiến ít ​​carbon mới.

Hạnh Nhân

Bài mới
Đọc nhiều