+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 14/5: Trung Quốc kêu gọi Mỹ-Nhật-Pháp “phải tự xem xét lại” sau cuộc tập trận chung

Trần Anh - 14/05/2021 18:00

Ngày 13/5, kỳ họp lần thứ 12 Tham khảo Chính trị Việt Nam và New Zealand theo hình thức trực tuyến đã diễn ra với sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Mark Sinclair. Tại cuộc họp, phía Việt Nam đã đánh giá cao việc New Zealand ủng hộ ASEAN duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại kỳ họp lần thứ 12 Tham khảo Chính trị Việt Nam và New Zealand
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại kỳ họp lần thứ 12 Tham khảo Chính trị Việt Nam và New Zealand

Cùng ngày, Cổng thông tin điện tử Phú Yên cho biết, UBND tỉnh Phú Yên vừa có Văn bản giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các cơ quan truyền thông khẩn trương thông báo cho ngư dân biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị.
Liên quan đến việc Trung Quốc tiếp tục điều thêm tàu đến vùng biển gần quần đảo Trường Sa, ngày 13/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: "Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế."
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Về phía Trung Quốc, khi được hỏi về việc Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin khẳng định Trung Quốc đã điều thêm tàu đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết chưa đọc các báo cáo liên quan, tuy nhiên quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông là rất “rõ ràng, nhất quán và chắc chắn”; khẳng định Trung Quốc và Philippines có “1 kênh thông suốt” và duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề liên quan.

Cũng trong cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh cũng đã có những phát ngôn phản ứng trước cuộc tập trận chung ở tây nam Nhật Bản vừa diễn ra, được cho là nhằm vào Trung Quốc. Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích cuộc tập trận không thể “hù dọa” cũng như sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với Trung Quốc, kêu gọi các nước phải tự xem xét lại, đóng góp cho hòa bình của khu vực và toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh: Cuộc tập trận không thể “hù dọa” cũng như sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với Trung Quốc, kêu gọi các nước phải tự xem xét lại, đóng góp cho hòa bình của khu vực và toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh: Cuộc tập trận không thể “hù dọa” cũng như sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với Trung Quốc, kêu gọi các nước phải tự xem xét lại, đóng góp cho hòa bình của khu vực và toàn cầu.

Trước đó, vào ngày 11/5, Defense Post cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô của Trung Quốc đã công bố dự án phát triển 1 cơ sở chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV) ở tỉnh Tứ Xuyên trị giá 1,55 tỷ USD để sản xuất máy bay không người lái thương mại và quân sự. Cơ sở dự kiến sản xuất khoảng 100 máy bay không người lái mỗi năm và sẽ cung cấp dịch vụ “trên toàn bộ chuỗi công nghiệp UAV” bao gồm thiết kế, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, lắp ráp, sản xuất (bao gồm cả in 3D), vận hành và duy trì.

UAV do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (Trung Quốc) sản xuất.
UAV do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (Trung Quốc) sản xuất.

Liên quan đến hoạt động của Không quân Trung Quốc, ngày 12/5, một trung đoàn Không quân Trung Quốc hoạt động tại một căn cứ huấn luyện không được tiết lộ gần đây đã tổ chức một loạt các cuộc diễn tập bắn đạn thật, với sự tham gia của một số máy bay chiến đấu được trang bị nhiều loại vũ khí bao gồm tên lửa và pháo nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất. Đáng chú ý, trong 1 bức ảnh đính kèm với báo cáo có sự xuất hiện của chiến cơ J-10C, dường như được trang bị động cơ Taihang được phát triển trong nước, thay vì động cơ AL-31 do Nga sản xuất trước đây, cho thấy động cơ nội địa đã ổn định về mặt kỹ thuật và đáng tin cậy.

Chiến đấu cơ J-10C được cho là trang bị động cơ Taihang được phát triển trong nước, thay vì động cơ AL-31 do Nga sản xuất.
Chiến đấu cơ J-10C được cho là trang bị động cơ Taihang được phát triển trong nước, thay vì động cơ AL-31 do Nga sản xuất.

Ngày 14/5, TS Mark J. Valencia , một học giả thân Trung Quốc, tiếp tục có bài viết “Cuộc chạy đua Mỹ-Trung giành ưu thế giám sát ở Biển Đông có nguy cơ xảy ra đụng độ không cần thiết”, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ ấn tượng về số lượng, sự đa dạng và chất lượng của khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) ở Biển Đông, tuy nhiên năng lực ISR của Mỹ vẫn vượt trội hơn. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ và việc Mỹ cố gắng duy trì vị thế tối cao của mình đang thách thức ranh giới của luật pháp quốc tế và làm tăng khả năng xảy ra các sự cố quốc tế. Ông Mark J. Valencia cáo buộc Mỹ sử dụng các máy bay do thám, các tàu do thám bao gồm cả tàu nổi và tàu ngầm không người lái là vi phạm luật và quy định quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Cùng ngày, trang Nghiên cứu Biển Đông cho đăng bài “Lực lượng dân quân biển Trung Quốc nhập nhằng về pháp lý, mơ hồ về chức danh, tinh vi về chiến thuật” cho biết, “núp bóng” dưới tấm bình phong “tàu cá dân sự”, lực lượng dân quân biển Trung Quốc “tha hồ” quấy rối hoặc đe dọa các tàu dân sự, tàu quân sự của nước ngoài; kết hợp với hải quân, cảnh sát biển để hình thành các thế trận “nhiều lớp” nhằm giúp Trung Quốc thực thi yêu sách trái phép của của mình trên Biển Đông. Theo các nghiên cứu của phương Tây, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đóng vai trò chèn ép, cưỡng bức các nước láng giềng để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến tranh, là 1 trong những công cụ quan trọng trong chiến lược bắp cải, trong đó, khi có 1 vụ việc trên biển xảy ra, dân binh biển và ngư dân sẽ được triển khai ở vòng trong cùng và là lớp thứ nhất, cảnh sát biển là lớp thứ hai, hải quân là lớp ngoài cùng.

Tại Hoa Kỳ, ngày 13/5, Không quân Mỹ đã thử nghiệm bay Hệ thống lõi tự hành Skyborg (ACS) trong 2 giờ 10 phút, bay qua Florida và Vịnh Mexico vào ngày 29/4. Công nghệ này là sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm được thiết kế để hoạt động như 1 bộ não của máy bay không người lái, cho phép nó thực hiện các hoạt động mà không có sự can thiệp của con người. Được trang bị trên phương tiện không người lái chiến thuật UAV Kratos UTAP-22, ACS đã thể hiện các khả năng hàng không cơ bản và phản ứng với các lệnh điều hướng, đồng thời phản ứng với hàng rào địa lý, tuân theo đường bay và thể hiện khả năng điều động phối hợp

Hệ thống lõi tự hành Skyborg (ACS).
Hệ thống lõi tự hành Skyborg (ACS).

Cùng thời điểm này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Úc Marise Payne tại Mỹ. Ông Blinken khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng Úc trước những hành động chèn ép kinh tế của Trung Quốc, chỉ trích những hành động chèn ép của Trung Quốc đối với các đồng minh của Mỹ sẽ cản trở việc cải thiện quan hệ Mỹ – Trung. Ngoài ra, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng tái khẳng định, Úc muốn có mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc nhưng sẽ không thoả hiệp trong vấn đề an ninh quốc gia hoặc chủ quyền.

Tại khu vực eo biển Đài Loan, ngày 13/5, Taiwan News đưa tin, tiêm kích F-16 Đài Loan lần đầu diễn tập phóng tên lửa không đối không AIM-120 sau khi được Mỹ cho phép thử nghiệm, trong bối cảnh máy bay quân sự Trung Quốc liên tục áp sát Đài Loan. Cụ thể, 4 tiêm kích F-16V ngày 11/5 xuất phát từ căn cứ Gia Nghĩa tham gia cuộc diễn tập bắn đạn thật, mỗi chiếc mang theo 2 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) hay AIM-120 cùng 2 tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Tất cả tên lửa đều bắn trúng mục tiêu một cách chính xác. Được biết, Không quân Đài Loan dự kiến sẽ tiến hành các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu hàng tuần có sự tham gia của vũ khí trên không, trên biển và mặt đất.

Tiêm kích F-16 Đài Loan lần đầu diễn tập phóng tên lửa không đối không AIM-120.
Tiêm kích F-16 Đài Loan lần đầu diễn tập phóng tên lửa không đối không AIM-120.

Cùng ngày, tại Nhật Bản, NHK đưa tin, bản dự thảo Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021 nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng cạnh tranh chính trị, kinh tế và quân sự, cũng như tìm cách hạn chế ảnh hưởng của nhau. Mỹ công khai ủng hộ khả năng phòng thủ của Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự quanh hòn đảo. Ngoài ra, bản dự thảo cũng chỉ rõ những thay đổi về cán cân sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động đến hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vì vậy Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ, Úc, Ấn Độ để duy trì 1 khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Sách Trắng Quốc phòng sẽ được trình lên chính phủ và công bố vào khoảng tháng 7/2021.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều