+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 15/7: Trung Quốc gây tranh cãi trong kỷ niệm 5 năm đường lưỡi bò bị bác bỏ

Trần Anh - 15/07/2021 14:53

Ngày 13/7, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Marc Knapper, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích khi tôn trọng luật pháp quốc tế, chống lại các hành vi khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mêkông, vì vậy ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình sẽ là thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai nước, bao gồm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải, phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập; đồng thời bày tỏ hi vọng mối quan hệ này sẽ sớm được nâng cấp thành đối tác chiến lược.

Biển Đông 14/7 - ảnh 1
Ông Marc Knapper cho biết Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích khi tôn trọng luật pháp quốc tế, chống lại các hành vi khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mêkông.

Phát biểu của ông Knapper diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết tàu giám sát đại dương của Hải quân Mỹ đã gia tăng hoạt động nhắm vào tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tất cả 5 tàu giám sát đại dương của Hải quân Mỹ đều tham gia hoạt động do thám ở Biển Đông, gồm 4 tàu lớp Victorious và một tàu lớp Impeccable. Theo SCSPI, Hải quân Mỹ đã triển khai ít nhất một tàu giám sát đến Biển Đông trong ít nhất 161 ngày (trên tổng số 181 ngày của 6 tháng đầu năm 2021) và tập trung ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Trước năm 2021, Hải quân Mỹ hiếm khi triển khai tàu giám sát tới phía tây quần đảo Hoàng Sa, nhưng cả hai tàu USNS Victorious và USNS Impeccable đều tiến hành hoạt động do thám ở khu vực trong năm 2021.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nga Piotr Tsvetov lại nhận định trong tháng 6/2021, Mỹ đã giảm rõ rệt tần suất trinh sát ở Biển Đông, thay vào đó tăng cường các hoạt động ở biển Hoa Đông. Tiến sĩ Tsvetov cũng đưa ra 3 lý do đằng sau động thái trên: Thứ nhất, Trung Quốc gia tăng hoạt động của Hải quân và Không quân ở eo biển Đài Loan. Mỹ có những nghĩa vụ nhất định trong việc bảo vệ Đài Loan, nên rất lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thôn tính hòn đảo này, mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh mong muốn giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp hòa bình. Thứ hai, Mỹ quan tâm đến quần đảo Senkaku, nơi đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Thứ ba, Nga đã điều động tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương đến gần quần đảo Hawaii, cách bờ biển Hawaii chỉ khoảng 23-34 hải lý. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, tàu chiến Nga đến gần lãnh thổ Mỹ như vậy.

Biển Đông 14/7 - ảnh 2
Tiến sĩ Nga Piotr Tsvetov đưa ra 3 lý do Mỹ giảm tần suất trinh sát ở Biển Đông trong tháng 6/2021.

Trong một diễn biến khác, nhân kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông (12/7/2016), Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố “Philippines tự hào đã đóng góp cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, khẳng định phán quyết là nguồn tham khảo có giá trị cho các quốc gia có tranh chấp hàng hải tương tự Philippines. Phán quyết đã giải quyết dứt điểm tình trạng của các quyền lịch sử và các quyền hàng hải ở Biển Đông, khẳng định không có hiệu lực pháp lý đối với những yêu sách vượt quá giới hạn địa lý và giới hạn của các quyền hàng hải theo quy định của UNCLOS.

Biển Đông 14/7 - ảnh 3
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố “Philippines tự hào đã đóng góp cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”

Cũng nhân sự kiện này, Tiến sĩ Gerhard Will – chuyên gia về Biển Đông từng làm việc tại Viện Khoa học và Chính trị Đức – nhấn mạnh phán quyết của PCA đã bác bỏ một cách dứt khoát các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, phán quyết có cơ sở pháp lý vững chắc và có giá trị lớn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo Tiến sĩ Gerhard Will, để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục diễn ra trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế cần mạnh mẽ ủng hộ phán quyết, đồng thời yêu cầu bên vi phạm tuân thủ phán quyết này.

Biển Đông 14/7 - ảnh 4
Tiến sĩ Gerhard Will nhấn mạnh phán quyết của PCA đã bác bỏ một cách dứt khoát các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, phán quyết có cơ sở pháp lý vững chắc và có giá trị lớn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Liên quan đến sự kiện này, Canda vừa qua cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã cảnh báo Canada “ngừng khiêu khích và gây rắc rối trong các vấn đề liên quan đến hàng hải, tôn trọng chủ quyền cũng như quyền và lợi ích của Trung Quốc tại các vùng biển liên quan, và không đi quá xa để tránh gây thiệt hại cho mối quan hệ Trung Quốc – Canada cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ngoài ra, Trung Quốc còn tái khẳng định “các quyền chủ quyền không thể phủ nhận” ở Biển Đông và Hoa Đông, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016.

Biển Đông 14/7 - ảnh 5
Đại sứ Trung Quốc tại Canada, ông Cong Peiwu.

Thời điểm này, Đối thoại ASEAN-Canada lần thứ 18 cũng đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Canada ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, đề cao luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Liên quan thông tin tàu Trung Quốc xả chất thải tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo đang cho xác minh vụ việc. Ông Delfin Lorenzana nhấn mạnh, thông tin trên chưa được xác nhận nhưng nếu là thật thì đó là hành động vô trách nhiệm, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển trong khu vựac. Thông tin Trung Quốc xả thải tại Biển Đông đã gây xôn xao dư luận Philippines và các Nghị sĩ Philippines đã yêu cầu điều tra xem liệu có ảnh hưởng đến vùng biển của Philippines tại Biển Đông hay không.

Biển Đông 14/7 - ảnh 6
Thông tin Trung Quốc xả thải tại Biển Đông đã gây xôn xao dư luận.

Liên quan tình hình eo biển Đài Loan, phản ứng trước việc Nhật Bản lần đầu tiên đề cập vấn đề an ninh ở eo biển Đài Loan trong Sách trắng Quốc phòng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Nhật Bản can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc, hành động “sai lầm và vô trách nhiệm” khi cáo buộc Trung Quốc hoạt động hàng hải bất hợp pháp; nhấn mạnh Trung Quốc không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào vấn đề Đài Loan dưới bất cứ hình thức nào. Trong khi đó, Đại diện cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou đánh giá cao động thái của Nhật Bản, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và các nước cùng chí hướng để bảo vệ các giá trị dân chủ, trật tự quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Các chuyên gia nhận định, việc Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Mỹ để bảo vệ Đài Loan nhằm làm suy yếu kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc, ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang tại eo biển Đài Loan, kéo xuống quần đảo Senkaku, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều