Biển Đông 26/4: Trung Quốc cáo buộc “dân quân biển Việt Nam thách thức thống trị đường thủy”
Ngày 23/4, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 đã diễn ra tại thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Trung tướng Thiệu Nguyên Minh.
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, do đó các nước liên quan cần tích cực hợp tác, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh cấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên tinh thần nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao 2 nước đã đạt được, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong 4 ngày từ 24 đến 27/4, nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc do Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu đã có chuyên thăm thăm chính thức Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp. Trong đó Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Xung quanh những căng thẳng tại Biển Đông, ngày 25/4, SCMP dẫn thông tin từ tạp chí Naval and Merchant Ships (Trung Quốc) cáo buộc Việt Nam “xây dựng lực lượng dân quân biển của mình ở Biển Đông để thách thức rõ ràng những nỗ lực của Trung Quốc, nhằm thống trị tuyến đường thủy đang tranh chấp.” Tạp chí trên cũng đưa ra luận điệu “lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của họ ở vùng biển gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc.”
Cùng ngày, website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đưa ra thông báo, Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông, gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc, có tọa độ 18° 49,45 vĩ bắc/110° 33,78 kinh đông, bắt đầu từ 8 đến 18 giờ trong các ngày từ 25 đến 30/4. Trong khoảng thời gian này, các tàu thuyền bị cấm đi vào “khu vực tập trận”.
Ngày 24/4, Global Times đưa tin, Trung Quốc vừa tổ chức lễ biên chế 3 chiến hạm lớn tại căn cứ ở thành phố Tam Á (đảo Hải Nam), với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gồm tàu ngầm hạt nhân Type 094 mang tên lửa đạn đạo chiến lược Trường Chinh 18, tàu đổ bộ tấn công Type 075 Hải Nam và khu trục hạm Type 055 Đại Liên với lượng giãn nước 13.000 tấn. Các chuyên gia cho rằng, tàu Type 075 Hải Nam sẽ chủ yếu hoạt động trên Biển Đông, ngoài ra còn thực hiện nhiệm vụ xung quanh Đài Loan và nhiệm vụ liên chiến khu.
Liên quan đến tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) tuyên bố đã tiến hành 1 cuộc tuần tra ở lãnh hải thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 25/44, và sẽ vẫn tiếp tục điều tàu tuần tra xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, sau khi Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh.
Động thái trên diễn ra 2 ngày sau khi France24 đưa tin Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) dự kiến sẽ tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn cùng Mỹ và Pháp từ ngày 11 đến 17/5 nhằm củng cố kỹ năng và chiến thuật bảo vệ vùng hải đảo xa xôi, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng với những nước khác ngoài đồng minh của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bên cạnh Pháp và Hoa Kỳ, các quốc gia phương Tây cũng đã có phản ứng trước các căng thẳng ở Biển Đông. Hôm 24/4, Người phát ngôn của Liên minh châu Âu EU nhấn mạnh các căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có sự hiện diện với số lượng lớn tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu (Việt Nam) gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực. EU cam kết đảm bảo các tuyến đường hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và an toàn theo luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vì lợi ích của tất cả các bên.
Một ngày sau, ngày 25/4, Phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc ở EU đã lên tiếng phản đối những chỉ trích của EU, tuyên bố “Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại đây là “hợp pháp và bình thường” vì các tàu này “chỉ tránh gió bão”.
T.H.