+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 28/4: Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản “sửa chữa sai lầm” nếu không muốn đối mặt “những thách thức nghiêm trọng”

Trần Anh - 28/04/2021 18:00

Ngày 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu nhất trí tăng cường giao lưu, đối thoại các cấp, hợp tác trong nhiều lĩnh vực và chống đại dịch COVID-19; đồng thời thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với những căng thẳng leo thang trên biển Hoa Đông với Trung Quốc. Ngày 27/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên tiếng trước việc Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2021 với nội dung chỉ trích hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố của ông Uông Văn Bân chỉ trích Nhật Bản đã thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc, bôi nhọ ác ý, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc; cảnh báo Nhật Bản cần “sửa chữa sai lầm” nếu không sẽ phải đối mặt “những thách thức nghiêm trọng”.

Cùng thời điểm trên, hình ảnh vệ tinh do công ty Mỹ Planet Labs công bố cho thấy nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ngày 27/4 đã tiến vào khu vực biển Hoa Đông, cách phía bắc đảo Miyako, Nhật Bản chỉ 175km. Các hình ảnh cho thấy tàu Liêu Ninh rời khỏi Biển Đông vào ngày 26/4, được hộ tống bởi 1 tàu khu trục hạng nặng Type-055, 2 tàu khu trục phòng không Type-052D, 1 tàu hộ vệ tên lửa Type-054A và 1 tàu hậu cần Type-90.

Được biết, 1 tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ đang bám sát phía sau tàu Liêu Ninh từ khi nhóm tàu này rời khỏi Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: Nhật Bản cần “sửa chữa sai lầm” nếu không sẽ phải đối mặt “những thách thức nghiêm trọng”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: Nhật Bản cần “sửa chữa sai lầm” nếu không sẽ phải đối mặt “những thách thức nghiêm trọng”.

Trong phát biểu hôm 27/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng đã lên tiếng trước việc Philippines tăng cường hiện diện và tuần tra ở khu vực Biển Đông. Theo đó, Bộ Ngoại giao nước này tái khẳng định tuyên bố chủ quyền phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa, bao gồm Đảo Thị Tứ, Bãi Macclesfield, Bãi cạn Scarborough và các vùng biển lân cận, đồng thời thực thi “quyền tài phán” ở các vùng biển liên quan. Phát ngôn viên Trung Quốc yêu cầu Philippines “dừng các hành động làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp.”

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Philippines cũng có các động thái phản đối sự hiện diện của Trung Quốc quanh quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Benar News ngày 27/4 đưa tin, 11 nghị sĩ Philippines đã đưa ra Nghị quyết 708 cáo buộc Trung Quốc bá quyền ở Biển Đông, công khai coi thường Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS), phán quyết Tòa trọng tài năm 2016, mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, gây thiệt hại cho lợi ích và các quyền hàng hải hợp pháp của các quốc gia như Philippines. Ngoài ra, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Franklin Drilon đã kêu gọi Philippines hợp tác cùng các nước láng giềng và đồng minh của Philippines để thành lập mặt trận thống nhất chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

11 nghị sĩ Philippines đã đưa ra Nghị quyết 708 cáo buộc Trung Quốc bá quyền ở Biển Đông, công khai coi thường Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS), phán quyết Tòa trọng tài năm 2016.
11 nghị sĩ Philippines đã đưa ra Nghị quyết 708 cáo buộc Trung Quốc bá quyền ở Biển Đông, công khai coi thường Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS), phán quyết Tòa trọng tài năm 2016.

Tại khu vực đảo Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục có những động thái gây bất ổn. Ngày 27/4, Taiwan News cho biết 1 trinh sát cơ chiến thuật Y-8 của không quân Trung Quốc đã bay vào khu vực tây nam Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, ở độ cao rất thấp, có khi sà xuống cách mặt đất khoảng 30m, được cho là nhằm mục đích thăm dò phản ứng từ radar phòng không của lực lượng phòng vệ Đài Loan cũng như thu thập thông tin tình báo.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ Tom Shugart cảnh báo trong khoảng 5 đến 8 năm tới, Trung Quốc có thể lợi dụng giai đoạn dễ tổn thương của Hải quân Mỹ để cải thiện sức mạnh quân sự, lấp các lỗ hổng và điểm yếu hiện nay như khả năng đổ bộ đủ mạnh để cung cấp và duy trì một lực lượng thiện chiến. Nguyên nhân xuất phát từ việc Hải quân Mỹ chuẩn bị loại biên các tàu ngầm và tàu tuần dương thời Chiến tranh Lạnh để thay thế và nâng cấp loạt vũ khí mới trong thời gian này, sức mạnh răn đe của Mỹ giảm sút.

Hoa Kỳ vừa qua cũng đã công bố kế hoạch phân bổ gần 18 tỷ USD trong gói tài chính mua sắm quốc phòng để phát triển, sản xuất và bảo trì loại máy bay chiến đấu thế hệ mới, có thể đánh chặn tên lửa từ Triều Tiên hoặc Iran, cụ thể là chế tạo 31 máy bay đánh chặn, trong đó có 10 chiếc dùng để thử nghiệm; dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2028.

T.H.

Bài mới
Đọc nhiều