Biển Đông 26/5: Trung Quốc cảnh báo Mỹ-Hàn “đừng đùa với lửa” ở đảo Đài Loan
Ngày 24/5, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 24/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị 2 nước nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cùng xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển và tiếp tục tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, 2 bên cần tích lũy kinh nghiệm, quản lý bất đồng, tăng cường hợp tác về vấn đề trên biển; khẳng định ủng hộ Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, cùng thời điểm này, Global Times cho biết, một lữ đoàn trực thuộc Lực lượng không quân hải quân, Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Nam Trung Quốc đã triển khai tiêm kích ném bom JH-7 tập trận bắn đạn thật tại một khu vực mục tiêu trên biển thuộc Biển Đông, với trọng tâm là các cuộc tấn công chính xác và tấn công bão hòa, nhằm nâng cao kỹ năng của các phi công trong các cuộc tấn công trên biển và tấn công chính xác. Theo báo cáo, có đến hàng chục chiến cơ JH-7 tham gia diễn tập, lướt trên biển ở độ cao thấp và xuyên thủng các tuyến phòng thủ, bắn rocket và đạn đại bác, đồng thời thả bom từ trên không nhắm vào các mục tiêu trên biển.
Cùng ngày, Trung Quốc đã triển khai các đơn vị vận hành phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9 của nước này vào địa hình khó khăn, phức tạp để thử nghiệm chiến đấu, nhằm mục tiêu đánh giá toàn bộ năng lực của loại vũ khí này, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch phát triển một lực lượng sẵn sàng chiến đấu hiện đại. Trong cuộc diễn tập, một lữ đoàn tên lửa đất đối không của quân đội Trung Quốc được triển khai đến vị trí cách xa 500 km với địa hình xa lạ để thực hiện cuộc đối đầu giả lập giữa quân xanh và quân đỏ, theo đó lữ đoàn này đã hạ gục 4 mục tiêu bằng 4 lần khai hỏa.
Một ngày sau, ngày 25/5, tạp chí Modern Weaponry thuộc Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc (Norinco) của Trung Quốc đã công bố 4 hình ảnh thiết kế trên máy tính của oanh tạc cơ H-20 của Trung Quốc, cho thấy máy bay này có khoang vũ khí, 2 cánh đuôi ngang có thể điều chỉnh, radar ở phía trước và 2 hốc lấy gió 2 bên. Tất cả đều phủ lớp vật liệu màu xám đen hấp thu tín hiệu radar. Chuyên gia Jon Grevatt thuộc công ty tình báo nguồn mở Janes của Anh cho rằng, máy bay H-20 có thể đã được áp dụng thiết kế cánh bay tàng hình, có thể giúp nó tấn công các mục tiêu ở chuỗi đảo thứ hai và xa hơn nữa.
Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình căng thẳng ngày càng leo thang tại eo biển Đài Loàn, ngày 24/5, phản ứng trước tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Hàn Quốc đề cập đến vấn đề Đài Loan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Đài Loan là vấn đề nội bộ và liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc; cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc không nên can thiệp và cần thận trọng “không đùa với lửa”.
Cùng ngày, Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc Moon Seong-hyeok khẳng định, các hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc đang làm gia tăng rủi ro an ninh gần ranh giới hàng hải của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải; cam kết triển khai công nghệ tiên tiến như AI và máy bay không người lái để ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 24/5 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook đã có cuộc hội kiến với Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ James Dickinson để thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực không gian cũng như các lĩnh vực quốc phòng khác.
Trong bối cảnh khác, phản ứng trước thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin 3 lần đề nghị đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng nhưng bị từ chối, ngày 24/5, Global Times dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Quốc đã đề nghị đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng sau khi ông Lloyd Austin được bổ nhiệm vào ngày 22/1 nhưng không nhận được hồi đáp; sau đó, ông Austin lại đề xuất gặp một lãnh đạo khác trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Hành động này cho thấy phía Mỹ mới chính là bên hành động thiếu chuyên nghiệp, không thân thiện, phớt lờ mọi quy tắc ngoại giao.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/5 đã công bố thống kê kho vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, đồng thời cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận khi sở hữu nhiều hơn 11 bệ phóng tên lửa và oanh tạc cơ so với mức quy định. Cụ thể, Nga đang sở hữu 517 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, oanh tạc cơ chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân và 1.456 đầu đạn các loại, 767 bệ phóng trong trạng thái triển khai và niêm cất; trong khi Mỹ sở hữu lần lượt là 651 tên lửa và oanh tạc cơ, 1.357 đầu đạn các loại và 800 bệ phóng.
Cùng ngày, News Week dẫn báo cáo “Trí thông minh nhân tạo và Tự động hóa tại Nga” của Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CNA trụ sở tại Arlington, Virginia, Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ cuộc chạy đua vũ khí hóa trí thông minh nhân tạo khi Nga đang tìm cách phát triển hàng loạt vũ khí tự động áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo dựa trên hợp tác công nghệ cao với Trung Quốc như phương tiện di chuyển trên không, trên bộ và trên biển cùng mìn đặc biệt, robot… trong bối cảnh Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Trần Anh