+
Aa
-
like
comment

Biển Đông12/5: Tổng thống Philippines nói cử tri “ngu ngốc” vì tin lời hứa “bảo vệ chủ quyền”

Trần Anh - 12/05/2021 18:00

Ngày 10/5, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bổ sung các cảng hàng không tại các huyện đảo quan trọng của quốc gia gồm Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) và khu vực quần đảo Trường Sa vào “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế biển đảo, vừa khẳng định chủ quyền vùng trời, biển đảo quốc gia.

Ngày 11/5, các binh sĩ Nhật Bản, Mỹ và Pháp đã khai mạc cuộc tập trận chung đầu tiên giữa 03 bên kéo dài 01 tuần tại vùng Kyushu, miền tây nam Nhật Bản, với sự tham gia của 01 tàu ngầm và 06 tàu nổi của Nhật Bản, 02 tàu nổi của Pháp, 01 tàu của Mỹ và 01 tàu của Úc, cùng với 300 binh sĩ từ 03 nước, trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước, nhằm chống lại các hành động của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo chuyên gia Takashi Kawakami tại Đại học Takushoku của Nhật Bản, cuộc tập trận chắc chắn là sự răn đe đối với hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Các binh sĩ trong cuộc tập trận chung đầu tiên giữa 03 bên kéo dài 01 tuần tại vùng Kyushu, miền tây nam Nhật Bản.
Các binh sĩ trong cuộc tập trận chung đầu tiên giữa 03 bên kéo dài 01 tuần tại vùng Kyushu, miền tây nam Nhật Bản.

Trước đó, ngày 8/5, Asia Times cho biết, Palau đã mời Lầu Năm Góc xây dựng các cảng, căn cứ và sân bay trên các đảo của Palau ở Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc gây bất ổn đối với nền kinh tế Palau. Theo Giám đốc Đại học An ninh Thái Bình Dương Úc Meg Keen, Trung Quốc đang muốn đưa càng nhiều quốc gia Thái Bình Dương vào mạng lưới Vành đai và Con đường càng tốt, để Trung Quốc có thể tiếp cận qua Thái Bình Dương tới châu Mỹ và Nam Cực.

Về phía Trung Quốc, ngày 11/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua “đối thoại và thương lượng”, nhắc lại “sự đồng thuận” được cho là với Philippines “để xử lý vấn đề một cách đúng đắn và hòa bình”. Khi được hỏi về kế hoạch xây dựng trung tâm hậu cần của Philippines trên đảo Thị Tứ, bà Hoa Xuân Oánh kêu gọi dừng những gì mà Trung Quốc mô tả là nỗ lực “khuấy động rắc rối” ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh

Tuy nhiên, vào cùng ngày, Lực lượng Không quân và Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Bắc Trung Quốc lại tiến hành tập trận giả định quy mô lớn trên vùng biển Hoàng Hải, mô phỏng cuộc tấn công và phòng thủ giữa các máy bay tác chiến trên tàu sân bay J-15 và 1 đội máy bay chiến đấu liên hợp trên đất liền (bao gồm máy bay cảnh báo sớm KJ-200, máy bay chiến đấu J-10A và máy bay ném bom chiến đấu JH-7A) dưới nhiều môi trường chiến trường khác nhau, bao gồm không đối không, không đối hải và không đối đất. Cuộc tập trận này nhằm tăng cường khả năng chiến đấu phối hợp, đa nhiệm của quân đội cũng như kỹ năng chỉ huy chiến trường của các sĩ quan Trung Quốc.

Máy bay tác chiến trên tàu sân bay J-15
Máy bay tác chiến trên tàu sân bay J-15

Trong một diễn biến liên quan đến khu vực Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp tục có những phát ngôn gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Ngày 10/5, ông Duterte thừa nhận những phát ngôn về “bảo vệ chủ quyền” của ông năm 2016 là “câu đùa đơn thuần khi vận động tranh cử”, đồng thời gọi những người tin vào nó là “ngu ngốc”.

Ông Duterte thừa nhận những phát ngôn về “bảo vệ chủ quyền” của ông năm 2016 là “câu đùa đơn thuần khi vận động tranh cử”, đồng thời gọi những người tin vào nó là “ngu ngốc”
Ông Duterte thừa nhận những phát ngôn về “bảo vệ chủ quyền” của ông năm 2016 là “câu đùa đơn thuần khi vận động tranh cử”, đồng thời gọi những người tin vào nó là “ngu ngốc”

Ngay ngày hôm sau, ngày 11/5, Thượng Nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson phát biểu, “Tôi nghĩ vị trí Tổng thống là 1 việc nghiêm túc. Nếu pha lời đùa cợt vào đó, người dân có thể không phân biệt được đâu là lời nói đùa, đâu là phát ngôn chính thức”. Thượng Nghị sĩ Lacson lưu ý rằng, những tuyên bố của ông Duterte cũng sẽ tác động tới các cơ quan chính phủ khác, đồng thời làm “giảm nhẹ” những thông điệp mạnh mẽ của các quan chức trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Thượng Nghị sĩ Risa Hontiveros khẳng định, vấn đề Biển Đông không phải trò đùa. Thượng Nghị sĩ Leila de Lima cho rằng phát ngôn của ông Duterte chứng minh “ông thực sự không có kế hoạch đòi quyền chủ quyền trên Biển Đông”.

Cùng ngày, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rút lại những tuyên bố liên quan đến Biển Đông và Trung Quốc gần đây, bao gồm phát biểu “ngư dân Trung Quốc có thể đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông” hay Phán quyết của Tòa án quốc tế chỉ là “tờ giấy vứt vào sọt rác”. Theo ông Carpio, những tuyên bố của Tổng thống có thể ràng buộc chính quyền Philippines cả trong hiện tại và tương lai. Ngày 10/5, ông Duterte đã quyết định rút lui khỏi cuộc tranh luận với ông Carpio về vấn đề Biển Đông vì những phát biểu của Tổng thống trong cuộc tranh luận có thể bị hiểu sai về chính sách và “có thể ràng buộc các hành động trong tương lai của chính phủ”. Trước đó, ông Duterte đã thách thức ông Carpio tranh luận về Biển Đông và ông Carpio đã vui vẻ nhận lời.

Cùng ngày, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque tuyên bố Đá Ba Đầu (Trường Sa, Việt Nam) không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và việc cáo buộc hơn 200 tàu Trung Quốc xâm nhập vào EEZ của Philippines là phóng đại sự việc. Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với các thông điệp có ngôn từ mạnh mẽ phản đối Trung Quốc từ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và Bộ Ngoại giao Philippines, theo đó khẳng định Đá Ba Đầu nằm trong EEZ của Philippines.

Trái với Tổng thống Duterte, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thường có các thông điệp có ngôn từ mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.
Trái với Tổng thống Duterte, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thường có các thông điệp có ngôn từ mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

Cũng tại Philppines, chuyên gia phân tích quốc tế Richard Heydarian hôm 12/5 có bài phân tích cảnh báo ASEAN đang dần đánh mất vị trí trung tâm trong khu vực do sự thiếu đoàn kết, sự lãnh đạo thiếu quyết đoán và cơ chế hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt thể hiện rõ qua các vấn đề địa chính trị cấp bách như tranh chấp Biển Đông và cuộc đảo chính tại Myanmar; khuyến nghị ASEAN cần thay đổi cơ chế hoạt động, chuyển từ dựa trên sự đồng thuận sang dựa trên đa số, hợp tác đa phương giữa các nước thành viên cùng chung chí hướng, cụ thể các nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines nên hợp tác để thúc đẩy riêng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều