+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 7/5: Tổng thống Philippines gọi Phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò là “tờ giấy vứt sọt rác”

Trần Anh - 07/05/2021 18:00

Ngày 5/5, Tổ chức Sáng kiến Thăm dò Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc cho biết, Hải quân Mỹ gần đây đã điều động 2 tàu trinh sát biển USNS Victorious và USNS Loyal để giám sát việc huấn luyện các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu USNS Loyal đã vào Biển Đông ngày 5/4, hoạt động do thám cường độ cao ở vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và eo biển Bashi, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để theo dõi tàu Liêu Ninh. Sau khi tàu Liêu Ninh rời khỏi Biển Đông thì 1 tàu trinh sát khác là tàu USNS Victorious đã xuất hiện ở vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 5/5, cùng phối hợp với tàu Loyal để theo dõi tàu Sơn Đông của Trung Quốc khi tàu này rời Hải Nam xuống Biển Đông tập trận.

Tàu USNS Victorious.
Tàu USNS Victorious.

Một ngày sau, ngày 6/5, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi Stephen Townsend cũng cho biết Trung Quốc đang tìm cách xây dựng 1 căn cứ hải quân quy mô lớn ở bờ biển Đại Tây Dương, phía tây châu Phi gần với Mỹ, và nhiều khả năng tiếp cận các nước từ Mauritania tới phía nam Namibia, nhằm phục vụ cho các hoạt động của các tàu ngầm hoặc tàu sân bay, giúp mở rộng sự hiện diện lực lượng hải quân Trung Quốc ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Cùng ngày, Sputnik đưa tin, Hệ thống lái tự động chạy bằng trí tuệ nhân tạo Skyborg của Không quân Mỹ đã lần đầu tiên điều khiển 1 thiết bị bay chiến đấu không người lái (UCAV) UTAP-22 Mako trong 1 thử nghiệm vào ngày 29/4 ở Florida, Mỹ, nhằm kiểm tra khả năng bay cơ bản, phản hồi với các lệnh điều hướng, di chuyển phối hợp, xử lý hàng rào địa lý … của hệ thống. Được biết, hệ thống Skyborg dự kiến sẽ được mở rộng thêm các tính năng để hỗ trợ tác chiến như khai hỏa hoặc phóng tên lửa nhằm vào máy bay có người lái, trinh sát trên không, bay đánh lạc hướng, tự thực hiện không kích theo chỉ dẫn của phi công.

Hình ảnh UTAP-22 Mako được điều khiển bởi Skyborg.
Hình ảnh UTAP-22 Mako được điều khiển bởi Skyborg.

Các hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh cuộc Hội nghị các Ngoại trưởng nhóm G7 tổ auchức tại London Anh. Hội nghị hôm 6/5 đã ra thông báo chung, trong đó cáo buộc Trung Quốc xâm phạm nhân quyền, sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để “bắt nạt” các nước khác, quân sự hóa ở Biển Đông; bày tỏ quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông; nhấn mạnh sẽ thúc đẩy các nỗ lực chung để ngăn chặn “các chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc. Ngoài ra, tuyên bố cũng ủng hộ Đài Loan tham gia các diễn đàn thế giới và khuyến khích giải quyết hòa bình ở eo biển Đài Loan. Phản ứng lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ trích tuyên bố của G7 là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với các nước; nhấn mạnh G7 cần có hành động cụ thể để thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, thay vì tìm cách chia rẽ.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng cảnh báo phương Tây phải “hết sức cẩn trọng” về bản chất của các khoản đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế các nước phương Tây. Khi được hỏi liệu phương Tây có nên từ chối các khoản đầu tư của Trung Quốc hay không, ông Blinken cho rằng, Mỹ không cố gắng kìm hãm hoặc kiềm chế Trung Quốc, mà là phương Tây muốn duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được hình thành sau Thế chiến thứ hai.

Trong một diễn biến khác, cuộc họp trực tuyến Đối thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 34 đã được tổ chức vào ngày 6/5. Trong đó, 2 bên đã khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Tại cuộc đối thoại, Mỹ nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Tổng thống Philippines vừa qua tiếp tục có những phát ngôn gây tranh cãi. Ngày 5/5, ông Duterte đã bàn về chiến thắng pháp lý mà Philippines giành được khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague năm 2016 đưa ra phán quyết về vấn đề Biển Đông. Tổng thống Duterte cho rằng phán quyết lịch sử trên chỉ là “1 tờ giấy” chỉ đáng “vứt vào sọt rác”.

Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte đã gọi phán quyết năm của PCA "chỉ là một tờ giấy" chỉ đáng "vứt sọt rạc.
Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte đã gọi phán quyết năm của PCA “chỉ là một tờ giấy” chỉ đáng “vứt sọt rạc.

Theo phán quyết của PCA năm 2016, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) – cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). “Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn”, PCA phán quyết, bác bỏ “đường lưỡi bò” trong bản đồ năm 1947 của Bắc Kinh.

Phát ngôn trên của Tổng thống Duterte trùng hợp với việc cùng ngày, Lực lượng đặc trách quốc gia về biển Tây Philippines (NTF-WPS) tuyên bố phát hiện 7 tàu dân quân biển Trung Quốc tại bãi Sa Bin thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam vào ngày 27/4, và nhóm tàu này đã rời đi sau khi bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) thách thức. Ngày 29/4, PCG quay trở lại bãi Sa Bin và phát hiện 05 tàu Trung Quốc, nhưng sau đó cũng đã rời đi.

Tại Trung Quốc, ngày 6/5, Global Times đưa tin, Hải quân Bộ tư lệnh Chiến khu Miền Nam Trung Quốc vừa tiến hành tập trận tác chiến cường độ cao kéo dài 05 ngày ở vùng biển không được tiết lộ, với sự tham gia của 2 tàu đổ bộ Type 071 Qilianshan và Wuzhishan, tập trung vào xác định mục tiêu, bắn pháo và triển khai hệ thống vũ khí tầm gần…nhằm tăng khả năng hoạt động tác chiến cùng với các tàu đổ bộ Type 075. Được biết, tàu Qilianshan được biên chế vào tháng 11/2020, đã đạt được nhiều khả năng chiến đấu, bao gồm vận chuyển quân đa chiều, phòng không, chống hạm chính xác và tấn công đất liền.

Trước đó, ngày 5/5, Epoch Times cho biết, ngoài các đảo ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang để mắt đến các đảo của Hàn Quốc. Vào tháng 12/2020, Trung Quốc đã điều 1 tàu tuần tra vào vùng đệm cách đảo Baek Ryeong khoảng 40 km, khiến Hải quân Hàn Quốc phản ứng ngay lập tức bằng cách cử 1 tàu chiến tới canh gác đường giới hạn phía Bắc. Tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc cũng đã tiến hành khoảng 20 cuộc tập trận hải quân ở khu vực này vào năm 2020, và khoảng 10 cuộc tập trận chống tàu ngầm. Theo ông Shin Won-sik, thành viên của Ủy ban Quốc phòng Nghị viện Hàn Quốc, Trung Quốc muốn biến nơi đây thành vùng đệm để mở rộng ảnh hưởng hàng hải và đảm bảo con đường cho hạm đội Trung Quốc tiến ra phía Nam.

Trung Quốc được cho là đang dòm ngó hòn đảo Baek Ryeong của Hàn Quốc.
Trung Quốc được cho là đang dòm ngó hòn đảo Baek Ryeong của Hàn Quốc.

Cùng ngày, tại Nhật Bản, tàu tiếp nhiên liệu Mashu của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận tiếp nhiên liệu với tàu hộ vệ Surcouf của Hải quân Pháp tại vùng biển gần Okinawa vào ngày 04/5, nhằm chứng minh mối quan hệ hợp tác quốc phòng Nhật-Pháp và “kiểm tra” phản ứng của Trung Quốc, quốc gia đang tăng cường sự hiện diện trên vùng biển xung quanh Nhật Bản. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, Lục quân Pháp và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng sẽ tiến hành diễn tập tác chiến bảo vệ đảo xa từ ngày 11 đến 17/5 ở khu vực Kyushu.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều