Biển Đông 11/5: Tổng biên tập báo Trung Quốc kêu gọi “bắn phá Úc nếu dám đem quân đến Đài Loan”
Ngày 11/5, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã bắt đầu chuyến khảo sát thứ 7, kéo dài 1 tháng tại khu vực Biển Đông Việt Nam bằng tàu Viện sĩ Oparin để tìm hiểu tài nguyên sinh vật biển. Được biết, tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm Khoa học Nga dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ.
Trong khu vực Đông Nam Á, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Cirilito Sobejana hôm 10/5 cho biết, quân đội nước này sẽ đề nghị chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte chi tiền xây thêm cơ sở hậu cần trên đảo Thị Tứ, lắp đặt camera độ phân giải cao, có khả năng ghi hình vào ban đêm để quan sát hoạt động trong khu vực. Ngoài ra, ông Cirilito Sobejana cũng cho biết, các tàu Trung Quốc vẫn đang ở biển Tây Philippines, bao gồm tàu dân quân biển, lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân và ngư dân Trung Quốc, tuy nhiên không công bố số lượng tàu chính xác.
Cùng ngày, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo cho biết, Philippines đang lên kế hoạch ưu tiên mua thêm 5 hoặc 10 tàu tuần tra hạng nhẹ lớp Cyclone của Hải quân Mỹ để thay thế các tàu từ thời Thế chiến II đã ngừng hoạt động, nhằm hiện đại hóa hải quân. Được biết, tàu tuần tra Cyclone dài 54,5 m, nặng khoảng 328,5 tấn, vận tốc tối đa 35 hải lý/giờ, tầm hoạt động từ 2.000 đến 2.500 hải lý, được trang bị 2 khẩu pháo tự động 25 mm và một số súng máy công suất lớn.
Trong một diễn biến khác liên quan đến các vấn đề tại eo biển Đài Loan, Financial Review (Úc) ngày 10/5 đưa tin, kể từ đầu năm 2021 đến nay, các tàu chiến của Úc đã có 4 chuyến đi qua Biển Đông để tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực và tăng cường khả năng tương tác. Ông Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định, việc nhiều tàu hải quân Úc đi qua Biển Đông cho thấy tàu chiến của Úc “hoạt động khá tích cực và qua đó thể hiện là Úc không bỏ trống khu vực này”.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng dường như sắp đạt đến đỉnh điểm tại khu vực đảo Đài Loan. Ngày 9/5, News.com.au cho biết, Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến kêu gọi quân đội Trung Quốc “dùng tên lửa tầm xa để bắn phá Úc nếu Úc gởi quân tới eo biển Đài Loan”. News.com.au nhận định, mặc dù bài xã luận của Global Times không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trung Quốc, nhưng những bài như vậy sẽ khó được xuất bản nếu không được giới lãnh đạo Trung Quốc “bật đèn xanh”. Trung Quốc có các tên lửa đạn đạo tầm xa đủ sức vươn tới lãnh thổ của Úc và Mỹ. Trong trường hợp chiến sự bùng nổ, Trung Quốc có thể sử dụng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong để tấn công một số căn cứ chung của Mỹ và Úc trên đất Úc như trạm dò âm thanh tại Pine Gap, căn cứ radar ở Queensland và căn cứ hải quân Stirling ở phía nam Perth.
Ngày 11/5, chỉ 2 ngày sau lời kêu gọi “bắn phá Úc” của Tổng biên tập, tờ Global Times lại dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cáo buộc Mỹ thuê tàu dân sự Grand Canyon II của Na Uy để do thám Trung Quốc gần các “điểm nóng” như đảo Đài Loan và trên Biển Đông bằng cách thu thập tín hiệu vô tuyến, đặt thiết bị do thám dưới biển để khảo sát thuỷ văn hoặc sử dụng thiết bị định vị siêu âm để theo dõi hoạt động tàu ngầm. Ngoài ra, Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc nhấn mạnh, tàu Grand Canyon II đang thực hiện nhiều hoạt động bí ẩn trong nhiều tháng qua. Cụ thể, tàu đã xuất hiện tại Đài Trung, Cao Hùng của Đài Loan rồi ở Nagasaki và Yokosuka của Nhật Bản từ cuối năm 2020, nơi đều có căn cứ quân sự của Mỹ.
Đáp lại các động thái gây hấn ngày càng hung hãn từ Trung Quốc, Hội đồng Sự vụ đại lục (MAC) của Đài Loan hôm 10/5 đã đưa ra cảnh báo trong 1 báo cáo gửi cho Viện Lập pháp Đài Loan rằng Trung Quốc vẫn là nguồn gây bất ổn chính ở eo biển Đài Loan. Theo MAC, Trung Quốc lâu nay cố đổ lỗi cho Đài Loan về căng thẳng song phương, nhưng trên thực tế đang tìm cách tạo ra căng thẳng ở khu vực; tiếp tục thực hiện chiến lược “mặt trận thống nhất” nhằm thu hút người Đài Loan thông qua các sáng kiến kinh tế. Chiến lược mặt trận thống nhất bao gồm việc khai thác con đường phát triển và hội nhập mới cho Trung Quốc và Đài Loan, thu hút nhân tài, công nghệ và vốn từ Đài Loan sang Trung Quốc thông qua các tương tác, quan hệ kinh tế và sáng kiến đặc biệt, nhằm khiến Đài Loan phục tùng ý chí của Trung Quốc.
Trần Anh