Biển Đông 16/6: Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN – Trung Quốc
Ngày 15/6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15 (ADMM-15) đã ra Tuyên bố chung khẳng định các bên nhất trí tăng cường hợp tác để xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên cơ sở thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế; kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15 (ADMM-15) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8, chiều ngày 15/6 đã diễn ra Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN – Trung Quốc vì hòa bình, ổn định khu vực; đề nghị các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ ở Bỉ vào ngày 15/6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung đánh dấu sự khởi đầu quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mới, cam kết hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu như chấm dứt đại dịch COVID-19, đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cũng trong tuyên bố, 2 bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng, tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS trong việc giải quyết tranh chấp tại khu vực.
Cùng ngày, phản ứng trước việc NATO cảnh báo về những “thách thức mang tính hệ thống” đến từ Trung Quốc, Phái đoàn Trung Quốc tại EU đã chỉ trích cáo buộc của NATO là “sự vu khống đối với sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, đánh giá sai về tình hình quốc tế, là sự tiếp nối của tâm lý Chiến tranh Lạnh và tâm lý chính trị của khối”; kêu gọi NATO “xem xét sự phát triển của Trung Quốc một cách hợp lý, ngừng phóng đại “thuyết đe dọa Trung Quốc”, không sử dụng lợi ích và quyền hợp pháp của Trung Quốc để thao túng chính trị bè phái, tạo ra các cuộc đối đầu một cách giả tạo.
Trong một diễn biến khác, tại phiên điều trần trước Thượng viện hôm 15/6, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink – người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử cho vị trí Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương – đã đề cập những lo ngại của Mỹ về các động thái cứng rắn của Trung Quốc, bao gồm hành vi thương mại không công bằng, cưỡng ép kinh tế, vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, cùng các hành vi gây hấn khác trong khu vực…; và khẳng định rằng, Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ. Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông Kritenbrink nhấn mạnh, Mỹ sẽ tăng cường năng lực của các đối tác trong việc chống lại sự đe dọa của Trung Quốc và phản đối các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc.
Cùng ngày, Politico cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực và xây dựng một chiến dịch quân sự có tên riêng tại Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc. Sáng kiến này do Nhóm Công tác Trung Quốc của Lầu Năm Góc đề xuất. Lực lượng đặc nhiệm hải quân mới sẽ được xây dựng theo mô hình Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương của NATO, vốn hoạt động trước và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhóm Công tác Trung Quốc của Lầu Năm Góc được Tổng thống Mỹ Joe Biden thành lập hồi tháng 3/2021 nhằm kiểm tra chính sách và quy trình liên quan đến Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng cũng như leo thang căng thẳng trong khu vực, ngày 15/6, Quân đội Úc công bố chính thức chọn Công ty Clough làm nhà thầu chính cho dự án trị giá khoảng 175 triệu AUD để nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus, Papua New Guinea, dự kiến bắt đầu trong tháng 6/2021, nhằm giúp tăng cường hiệu quả hoạt động tuần tra và khả năng an ninh hàng hải của Papua New Guinea. Sau khi hoàn thành nâng cấp, căn cứ vẫn thuộc quyền sở hữu và điều hành của quân đội Papua New Guinea, nhưng Úc có thể sử dụng cho các chương trình huấn luyện và cố vấn chung.
Liên quan đến tình hình tại eo biển Đài Loan, ngày 15/6, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, 28 máy bay của Không quân Trung Quốc đã tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và bay gần quần đảo Đông Sa trên Biển Đông, chỉ 2 ngày sau khi các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc về vấn đề eo biển Đài Loan. Những máy bay này bao gồm 1 máy bay tác chiến chống ngầm Y-8, 1 máy bay tác chiến điện tử Y-8, 4 máy bay ném bom H-6, 2 máy bay cảnh báo sớm KJ-500, 6 chiến đấu cơ J-11, 14 chiến đấu cơ J-16. Theo đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã điều chiến đấu cơ theo dõi, phát cảnh báo vô tuyến, triển khai các hệ thống tên lửa phòng không cho đến khi máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực.
Một ngày sau sự kiện trên, mgày 16/6, Business Insider đưa tin Không quân Trung Quốc vừa triển khai máy bay được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo (AI) vào các cuộc huấn luyện không chiến mô phỏng, nhưng không nói rõ quá trình huấn luyện mô phỏng chi tiết, nhằm giúp đào tạo, nâng cao kỹ năng chiến đấu của phi công cũng như trau dồi khả năng và kinh nghiệm sử dụng các thiết bị tích hợp AI để đánh bại đối thủ.
Trần Anh