+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 21/5: Thủ tướng Campuchia lên tiếng ‘không biết thỉnh cầu ai ngoài Trung Quốc’

Trần Anh - 21/05/2021 18:00

Tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, các nước cần đóng góp có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, trong đó các tranh chấp và bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông cần được giải quyết bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước UNCLOS 1982.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 26.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lên tiếng phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, kêu gọi các nước hợp tác để xây dựng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bảo vệ mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Ông Hun Sen nhấn mạnh, “Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không thỉnh cầu Trung Quốc, thì tôi thỉnh cầu ai?”, đồng thời tiếp tục phủ nhận việc Campuchia cho phép Trung Quốc xây dựng 1 căn cứ hải quân ở Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen: “Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không thỉnh cầu Trung Quốc, thì tôi thỉnh cầu ai?”
Thủ tướng Campuchia Hun Sen: “Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không thỉnh cầu Trung Quốc, thì tôi thỉnh cầu ai?”

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngày 20/5, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Greg Poling khẳng định, lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 3 tháng được Trung Quốc áp đặt hàng năm ở các khu vực của Biển Đông nhằm khẳng định quyền kiểm soát hành chính đối với vùng biển tranh chấp, và nếu không có quốc gia nào lên tiếng phản đối lệnh cấm thì Trung Quốc có khả năng sẽ quản lý Biển Đông trên thực tế.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur.

Cùng ngày, Người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Nicholas Lingo cho biết, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa. Phản ứng lại, Người phát ngôn Bộ tư lệnh Chiến khu Miền Nam Trung Quốc Tian Junli chỉ trích Mỹ xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời cho biết đã điều tàu chiến, máy bay quân sự cảnh báo và “trục xuất” tàu Mỹ khỏi khu vực gần Hoàng Sa. Đáp lại, Hạm đội 7 của Mỹ ra tuyên bố bác bỏ việc bị “trục xuất”, khẳng định hoạt động của tàu Curtis Wilbur tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên yêu cầu Mỹ ngừng các hành vi xâm phạm và khiêu khích, khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Được biết, Trung Quốc và Philippines sẽ tổ chức vòng đàm phán song phương thứ 6 về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vào ngày 21/5, theo thông tin từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào hôm 20/5. Cuộc đàm phán được chủ trì bởi Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Wu Jianghao và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Elizabeth Buensuceso, cùng với đại diện các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tài nguyên, Nông nghiệp, Môi trường và các cơ quan ban ngành khác của 2 nước.

Trước đó, ngày 19/5, những hình ảnh trên mạng xã hội mới đây cho thấy 29 trực thăng quân sự Trung Quốc bay thành đội hình tạo thành số 100 trên bầu trời phía bắc Trung Quốc, có thể nhằm chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1/7. Trước đó cũng có một số hình ảnh cho thấy 15 chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc bay tạo thành hình chữ V trên bầu trời ở thành phố Thiên Tân, cách Bắc Kinh hơn 120 km.

29 trực thăng quân sự Trung Quốc bay thành đội hình tạo thành số 100 trên bầu trời phía bắc Trung Quốc.
29 trực thăng quân sự Trung Quốc bay thành đội hình tạo thành số 100 trên bầu trời phía bắc Trung Quốc.

Cùng ngày, Quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết đã hoàn thành việc luân chuyển quân trên khắp khu vực Đông Ladakh tranh chấp, và bắt đầu các cuộc tập trận mùa hè hàng năm tại các khu vực quan trọng, bao gồm Kanxiwar và Kashgar, nằm cách Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) 100 – 250 km.

Trung Quốc đang chuyển đổi, củng cố các vị trí đồn trú thường xuyên cho binh lính, kho đạn dược, đường băng cho máy bay trực thăng và các cơ sở lắp đặt tên lửa phòng không ở khoảng cách 25 – 100 km tính từ LAC, trong khi các lực lượng Ấn Độ cũng đã tăng cường các vị trí quân sự ở các khu vực tranh chấp và theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận của Trung Quốc gần biên giới Ấn Độ.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu, ngày 19/5, Đại sứ Giải trừ quân bị Mỹ Robert Wood đã tuyên bố tại một cuộc họp của Liên hiệp quốc rằng, Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân và từ chối các cuộc đàm phán song phương về vấn đề hạt nhân với Mỹ. Ông Robert Wood nhấn mạnh rằng, để giảm thiểu nguy cơ xung đột hạt nhân, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách hoàn tất các cuộc thảo luận song phương về an toàn hạt nhân, ký thỏa thuận thông báo phóng tên lửa và thiết lập 01 kênh liên lạc về khủng hoảng hạt nhân mạnh mẽ hơn.

Tại Hoa Kỳ, ngày 20/5, Forbes cho biết, Hải quân Mỹ đã xác nhận cho loại biên 2 tàu chiến đấu ven biển (LCS) Independence và Freedom, mỗi tàu trị giá khoảng 360 triệu USD, chỉ sau hơn 10 năm vận hành. Được biết, tàu Independence sẽ dừng hoạt động vào ngày 31/7 và tàu Freedom sẽ rời khỏi hạm đội vào ngày 30/09, sau đó 2 chiến hạm này sẽ gia nhập đội tàu dự bị. Trong bản đệ trình ngân sách cho năm tài khóa 2021, Hải quân Mỹ đã đề xuất cho loại biên 4 tàu LCS đầu tiên, bao gồm Freedom, Independence, Fort Worth và Coronado.

Tàu chiến đấu ven biển (LCS) Independence.
Tàu chiến đấu ven biển (LCS) Independence.
LCS Freedom.
LCS Freedom.

Cùng ngày, tại Đông Nam Á, Đối thoại Quan chức Quốc phòng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF DOD) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Công nghệ mới nổi và tác động đối với quốc phòng-an ninh”, tập trung thảo luận về ứng dụng của các công nghệ mới nổi đối với các cơ quan quốc phòng trong việc đạt được các mục tiêu an ninh và đối phó hiệu quả với các mối đe dọa thông thường; chia sẻ những thách thức mà các quốc gia phải đối mặt trong ứng phó với các mối đe dọa từ các công nghệ mới nổi cùng bài học kinh nghiệm.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều