+
Aa
-
like
comment

Biển Đông Hôm Nay: “Thâm ý của Trung Quốc là một mình làm bá chủ biển Đông”

10/06/2021 17:32

Liên quan Hội nghị lần thứ 19 quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, “thâm ý của Trung Quốc vẫn là phi quốc tế hóa vấn đề biển Đông, vừa chia rẽ các nước ASEAN, vừa ngăn cản quan hệ của các nước ASEAN với các nước khác để Trung Quốc “ một mình bá chủ biển Đông”. Đã đến lúc biển Đông không là của riêng Trung Quốc, không chỉ của các nước ASEAN và Trung Quốc mà phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình như Địa Trung Hải”.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đề cập đến ba vấn đề, bao gồm xử lý đại dịch, phục hồi kinh tế cũng như duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, trong đó nhấn mạnh khả năng quản lý trên biển Đông. Theo Ngoại trưởng Retno Marsudi, biển Đông sẽ là một phép thử cho mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Khả năng quản lý biển Đông sẽ củng cố quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi và không thể thiếu vì hòa bình và ổn định toàn cầu. Ngoại trưởng Indonesia cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nối lại cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang bị trì hoãn do đại dịch.

Cũng tại hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, theo đó hai bên đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mỗi nước; thống nhất duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã ra tuyên bố cam kết tự kiềm chế để tránh các hành động “làm phức tạp hoặc leo thang” tranh chấp ở biển Đông, cam kết nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), trong khi né tránh cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, sự chậm trễ khi đưa ra tuyên bố xuất phát từ những bất đồng xung quanh vấn đề biển Đông và cuộc khủng hoảng Myanmar, hầu như chi phối các cuộc thảo luận vào chiều ngày 07/06 ở Trùng Khánh. Philippines muốn đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn về vấn đề biển Đông, nhưng vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại sự kiện do trung tâm nghiên cứu New American Security tại Mỹ tổ chức vào ngày 08/06, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ Kurt Campbell cho biết, chính những chính sách của Trung Quốc, bao gồm quân sự hóa biển Đông và cách tiếp cận hung hăng đối với ngoại giao toàn cầu, đã góp phần gây ra phản ứng dữ dội của thế giới đối với Trung Quốc. Ngoài ra, Ông Campbell cũng cho biết, Mỹ sẽ hợp tác với đồng minh Nhật Bản, New Zealand, Úc và các nước khác để hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương phát triển trong nhiều lĩnh vực cũng như đối phó ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Cùng ngày Đại tá Fauzi Othman, Người đứng đầu Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Malaysia (MMEA) tại thành phố Miri đã xác nhận, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần cụm bãi cạn Luconia, cách thành phố Miri, Malaysia khoảng 160 km. Theo đó, các tàu của lực lượng chấp pháp Malaysia đã được triển khai đến giám sát chặt chẽ tình hình, đồng thời sẽ thường xuyên tiến hành tuần tra để đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Hạnh Nhân

Bài mới
Đọc nhiều