+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 31/5: Tàu cát Trung Quốc đang tàn phá hàng ngàn km2 Biển Đông

Trần Anh - 31/05/2021 18:00

Ngày 27/5, The Epoch Times cho đăng bài “Tàu nạo vét cát của Trung Quốc đang ăn sâu vào Đài Loan, Việt Nam, Philippines: Cảnh sát biển Mỹ nên can thiệp” cho biết, các tàu nạo vét cát của Trung Quốc đã phá hủy hàng nghìn km² đáy đại dương để xây dựng các đảo cát, nơi họ đặt đường băng quân sự và các cơ sở neo đậu cho tàu ngầm và tàu sân bay.

Tàu khai thác cát Trung Quốc trên biển Đài Loan.a
Tàu khai thác cát Trung Quốc trên biển Đài Loan.a

Theo The Epoch Times, với 12,9 km² mà Trung Quốc tạo ra trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Việt Nam kể từ năm 2013 đã ảnh hưởng đến khoảng 2.785 km² đáy đại dương. Theo đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, được sự hậu thuẫn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Hải quân Mỹ nếu cần thiết, nên trục xuất các hoạt động chiếm đóng và nạo vét bất hợp pháp của Trung Quốc đối với lãnh hải Philippines; Việt Nam và Đài Loan cũng nên có các động thái tương tự.

Bên cạnh phản ứng trước các hoạt động nạo vét cát phi pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 29/5 cũng tiếp tục phản đối “những động thái triển khai kéo dài, sự hiện diện thường trực cùng những hoạt động bất hợp pháp của các tàu cá và phương tiện hàng hải của Trung Quốc” trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các tàu cá khỏi các vùng biển gần đảo Thị Tứ. Theo Giám đốc điều hành truyền thông chiến lược Philippines Ivy Banzon-Abalos cho biết, tính đến ngày 28/5, Philippines đã đệ trình khoảng 100 công hàm phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ tháng 04/2021.

Một ngày sau, ngày 30/5, Indonesia thông báo nước này đang có kế hoạch mở rộng lực lượng tàu ngầm gấp 3 lần quy mô hiện tại từ 4 lên 12 chiếc và tăng số lượng tàu hộ tống đi kèm, giúp giám sát trên các vùng biển thuộc chủ quyền Indonesia cũng như đối phó với các động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó, tại Trung Quốc Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến hôm 27/5 khẳng định, Trung Quốc có rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, nhưng trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân được đưa vào sử dụng và tên lửa chiến lược DF- 41 có khả năng tấn công tầm xa trong kho vũ khí của Trung Quốc, nhằm răn đe chiến lược đối với Mỹ. Theo ông Hồ Tích Tiến, “Một số lượng lớn tên lửa đạn đạo DF- 41, JL-2 và JL-3 sẽ tạo thành trụ cột cho ý chí chiến lược của Trung Quốc. Số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc phải đạt đến mức khiến giới tinh hoa Mỹ “rùng mình” nếu có ý định tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc”.

Tên lửa chiến lược DF- 41
Tên lửa chiến lược DF- 41

Một ngày sau tuyên bố của ông Hồ Tích Tiến, ngày 28/5, Business Insider cho biết hay Trung Quốc gần đây được cho là đã hạ thủy tàu chống ngầm Type-927 thứ 3, hoạt động như một hệ thống cảm biến mảng kéo giám sát (SURTASS) tại cơ sở đóng tàu Vũ Xương ở Vũ Hán, nhằm tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột. Con tàu có thể có thiết kế gần giống với tàu SWATH của Mỹ, với tầm hoạt động lớn, độ bền cao, theo dõi tàu ngầm bằng các thiết bị sonar được kéo phía sau, có thể chủ động phát hiện tàu ngầm bằng cách bắn tín hiệu “ping” xuống đáy đại dương và phát hiện tiếng dội lại của tàu ngầm ẩn nấp dưới đáy biển sâu.

Tàu chống ngầm Type 927.
Tàu chống ngầm Type 927.

Ngày 29/5, Trung Quốc phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh 7 Y3 từ trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam mang theo tàu vũ trụ Thiên Châu 2 để vận chuyển hàng hóa tiếp tế, trang thiết bị lên mô đun Thiên Hòa, vốn được phóng lên hồi cuối tháng 4/2021. Mô đun Thiên Hòa chính là thành phần chính của trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, dự kiến hoàn tất vào năm 2022.

Cùng ngày, SCMP đưa tin, Công ty Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng Yuanke tại Hồ Bắc, Trung Quốc vừa phát triển một loại vật liệu phủ mới được dùng trong sản xuất cánh quạt cho động cơ phản lực, có thể chịu được nhiệt độ lên tới 1.8000 C, giúp bảo vệ động cơ khỏi nguy cơ ăn mòn đồng thời đảm bảo công suất cao hơn. Theo đó, khi được áp dụng, động cơ nội địa WS-10 sử dụng trên các máy bay chiến đấu quan trọng của Trung Quốc có thể chịu mức nhiệt lên tới 1.4700 C và cải thiện đáng kể sức mạnh.

Ngày 30/5, Global Times cho biết, một lữ đoàn trực thuộc Tập đoàn quân số 80 của Trung Quốc đã tổ chức một đơn vị pháo rocket tầm xa tham gia diễn tập bắn đạn thật tại Vịnh Bột Hải và kiểm tra hiệu quả sát thương của rocket tầm xa PHL-03 đối với các loại mục tiêu trên biển. Nhiều hệ thống phóng rocket tầm xa PHL-03 đã được huy động đến bờ biển, khi quân đội tiến hành trinh sát tầm xa bằng máy bay không người lái và phóng nhiều tên lửa vào các mục tiêu theo kế hoạch để các tên lửa tác động đồng thời và mạnh mẽ, chế áp các mục tiêu. Ngoài ra, Học viện Pháo binh và Phòng không Lục quân Trung Quốc gần đây cũng tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật, sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng HJ-10 tấn công các mục tiêu hàng hải trên bờ biển Hoàng Hải.

Ngày 30/5, The Drive dẫn hình ảnh mô hình biến thể trực thăng tàng hình mới Z-20 do Viện Nghiên cứu và Phát triển Trực thăng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển cho thấy, biến thể Z-20 mới có nhiều điểm tương đồng với biến thể tàng hình H-60 Stealth Hawk của đặc nhiệm Mỹ với cánh quạt được làm bằng vật liệu composite để đảm bảo khả năng tàng hình, tuy nhiên phần động cơ cánh quạt có 5 lưỡi thay vì 4 lưỡi như trực thăng Mỹ. Các chuyên gia nhận định, biến thể Z-20 mới nhiều khả năng được phát triển cho Hải quân Trung Quốc, phục vụ cho năng lực tác chiến xa bờ bao gồm tấn công và trinh sát.

Biến thể trực thăng tàng hình Z-20 mới có nhiều điểm tương đồng với biến thể tàng hình H-60 Stealth Hawk của đặc nhiệm Mỹ.
Biến thể trực thăng tàng hình Z-20 mới có nhiều điểm tương đồng với biến thể tàng hình H-60 Stealth Hawk của đặc nhiệm Mỹ.

Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bắt đầu chuyến thăm 2 ngày đến New Zealand và có cuộc hội kiến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern để trao đổi về các vấn đề song phương và khu vực, trong đó thảo luận về các biện pháp hỗ trợ ngăn chặn dịch Covid-19, cũng như quan hệ của 2 nước với Trung Quốc. Mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là nội dung “gai góc” bởi vì 2 nước hiện có quan điểm khá khác biệt trong việc quản lý quan hệ với Trung Quốc để cùng lúc có thể bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo lợi ích kinh tế, các giá trị dân chủ và tôn trọng pháp quyền trong khu vực.

Tại Hoa Kỳ, ngày 28/5, The Telegraph cho biết, lính Mỹ đóng quân tại nhiều căn cứ ở châu Âu mới đây đã vô tình làm lộ dữ liệu nhạy cảm liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vì sử dụng các ứng dụng flashcard bảo mật kém để ghi nhớ những bí mật nói trên. Cụ thể, hành vi bất cẩn của các binh sỹ Mỹ đã tiết lộ “không chỉ các căn cứ lưu trữ vũ khí hạt nhân”, mà còn “những hầm ngầm có kho phóng xạ mà nhiều khả năng có chứa vũ khí hạt nhân”. Ngoài ra, họ còn để lộ hàng loạt dữ liệu khác, từ thông tin về các mật mã, mật khẩu, đến các bản vẽ bố trí hệ thống an ninh trong khu vực.

Ngày 30/5, RT cho biết, Mỹ đã tiến hành Thử nghiệm Hệ thống vũ khí Aegis 31 Sự kiện 1 vào ngày 29/5, với sự phối hợp của Hải quân Mỹ, trong đó phóng 2 tên lửa đánh chặn SM-6, song cả 2 đều không thể đánh trúng một mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung ngoài khơi Hawaii. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, mục tiêu của cuộc thử nghiệm này là chứng minh năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của tàu chiến Aegis trong việc phát hiện, giám sát và đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung, tuy nhiên cuộc thử nghiệm đã thất bại.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều