+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 18/5: Tàu cá Việt Nam bị tàu hàng ‘khủng’ đâm chìm, 2 ngư dân mất tích

Trần Anh - 18/05/2021 18:00

Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 16/5, 1 tàu cá ở Quảng Bình có 5 thuyền viên đang khai thác đánh bắt cá thì bị 1 chiếc tàu màu hàng màu xám (không ghi nhận được số hiệu tàu) đâm sau đuôi khiến tàu cá bị chìm tại vị trí cách bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng khoảng 26 hải lý.

5 người trên tàu bị rơi xuống biển nhưng 3 người đã được 1 tàu biển của ngư dân thị xã Ba Đồn cứu. Hiện Bộ đội biên phòng Quảng Bình vẫn đang tìm kiếm 2 ngư dân mất tích trên biển sau vụ tông chìm tàu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông, ngày 17/5, Modern Diplomacy cho đăng bài viết “Những lợi ích chiến lược của Việt Nam tại Biển Đông/Hoa Đông” của Giáo sư Pankaj Jha thuộc Đại học O.P Jindal Global, Ấn Độ, nhấn mạnh ASEAN cần giải quyết những khác biệt và xây dựng một dự thảo chung trong đó phác thảo các khu vực kiểm soát và hợp tác. Mặt khác, Việt Nam có thể kêu gọi tất cả các nước ngừng các hoạt động xây cất trên Biển Đông, biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, tự do và trung lập; mời các nhà quan sát quốc tế và phát triển các kênh tốt hơn với các phương tiện truyền thông quốc tế để làm nổi bật thảm họa sinh thái mà Trung Quốc đang gây ra cho các hòn đảo; tuần tra chung với các nước để xác định quyền tự do hàng hải và yêu sách chính đáng đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên thuộc Vùng Đặc quyền kinh tế….

Cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới. Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hiệp quốc và ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.

Tại Philippines, ngày 17/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cấm các quan chức trong nội các của mình phát ngôn công khai về Biển Đông, sau khi một số Bộ trưởng Philippines gay gắt lên án các hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Cùng ngày, tại diễn đàn quốc tế trực tuyến do Viện Weatherhead Đông Á thuộc Đại học Columbia của Mỹ tổ chức vào ngày 14/5, các chuyên gia Philippines nhận định, Mỹ có thể phải rút quân khỏi nhóm đảo Mindanao, Philippines vào tháng 06/2021 nếu Mỹ và Philippines không ký kết được Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng mới (VFA). Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chống khủng bố liên quan đến Nhà nước Hồi giáo ISIS của Philippines, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng tới khả năng Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông theo Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines. Ngoài ra, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đợi cho đến khi nhiệm kỳ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kết thúc vào tháng 7/2022 để đàm phán về một thỏa thuận VFA mới với chính quyền tiếp theo.

Mỹ có thể phải rút quân khỏi nhóm đảo Mindanao, Philippines nếu không ký kết được thỏa thuận VFA mới.
Mỹ có thể phải rút quân khỏi nhóm đảo Mindanao, Philippines nếu không ký kết được thỏa thuận VFA mới.

Trong một diễn biến đầy bất ngờ về hoạt động của lực lượng quân đội Mỹ, ngày 17/5, News Week đưa tin, sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm và dựa trên thông tin chắp nối từ hàng chục yêu cầu theo Đạo luật tự do thông tin, quân đội Mỹ được cho là đang điều hành lực lượng ngầm đến 60.000 binh sĩ với ngân sách hàng năm ít nhất 900 triệu USD mà Quốc hội không hề hay biết. Đội quân bí mật này hoạt động khắp nước Mỹ và nước ngoài, cả ngoài đời lẫn trên không gian mạng, gồm quân nhân dưới vỏ bọc dân sự hoặc các doanh nghiệp tư nhân, công ty tư vấn. Một nửa số quân là lính đặc nhiệm hoạt động tại các nước như Pakistan, Yemen, khu vực Tây Phi, Triều Tiên, Iran… Chính quyền Mỹ chưa bình luận gì về thông tin này.

Trước đó, ngày 15/5, chuyên gia quân sự Michael Peck cho biết, Trung Quốc đã công bố cuộc đấu thầu nhằm phát triển 1 loại vũ khí sử dụng xung điện từ để đẩy viên đạn pháo tới cự ly xa (railgun). Trước đó, Mỹ đã lên kế hoạch lắp đặt 1 khẩu pháo điện từ trên tàu chiến, nhưng sau khi giành nhiều thời gian và tiền bạc để chế tạo loại vũ khí này, Mỹ đã quyết định đình chỉ do không lạc quan về triển vọng thực hiện dự án. Bất chấp thất bại của Mỹ, Trung Quốc lại quyết định đi theo một con đường khác, phát triển loại vũ khí nhỏ gọn và nhẹ hơn dựa trên các nguyên tắc tương tự. Các chuyên gia Trung Quốc dự định sử dụng xung điện từ để tạo ra 1 lớp plasma trên thành nòng pháo, giúp tăng tuổi thọ của súng và cho phép phóng đạn với tốc độ cao hơn, giúp mở rộng đáng kể tầm bắn.

Hình ảnh được cho là railgun do Trung Quốc chế tạo.
Hình ảnh được cho là railgun do Trung Quốc chế tạo.

Ngày 17/5, Taiwan News dẫn lời chuyên gia Tạ Phái Học thuộc Viện Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan phân tích về vai trò của Đài Loan trong trường hợp nổ ra xung đột trong khu vực. Theo chuyên gia Tạ Phái Học, để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhiều quan chức cấp cao của Thủy quân Lục chiến Mỹ cho rằng lực lượng này cần phải nâng cao năng lực chiến đấu, để có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa và tiến hành các chiến dịch quân sự xuất phát từ nhiều căn cứ hiện đại tại khu vực. Theo đó, Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể sử dụng ít nhất 06 cảng của Đài Loan, gồm 02 cảng Nghi Lan, Hoa Liên thuộc đảo chính Đài Loan, và 04 cảng tại Lục đảo, đảo Lan Tự, đảo Lưu Cầu và quần đảo Đông Sa, để làm các căn cứ tiền phương.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều