+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 28/5: Quốc tế ca ngợi Việt Nam không hề hoang mang, sợ hãi trước vài trăm tàu cá Trung Quốc

Trần Anh - 28/05/2021 18:00

Ngày 26/5, liên quan việc Trung Quốc duy trì hoạt động của 200 đến 300 tàu đánh cá ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, Sputnik cho biết, thỉnh thoảng Mỹ lại đưa ra những bình luận, nhận định, phân tích có ý thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc nhằm lôi kéo các nước ven Biển Đông tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu và hướng dư luận các nước ngả theo phía Mỹ. Nhận thức được điều cốt lõi này, Việt Nam không hề hoang mang hay sợ hãi trước áp lực của vài trăm tàu cá Trung Quốc, đồng thời đưa ra những tuyên bố có tính chất cốt lõi và toàn diện, bao trùm về vấn đề chủ quyền biển đảo chứ không sa vào những “tranh cãi vụn vặt”.

Hình ảnh các tàu đánh cá Trung Quốc ở khu vực giữa và Nam Biển Đông được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021.
Hình ảnh các tàu đánh cá Trung Quốc ở khu vực giữa và Nam Biển Đông được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021.

Tại khu vực Biển Đông, ngày 26/5, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho đăng bài phân tích “Hiện diện với số lượng lớn: Các cuộc tuần tra Biển Đông của Philippines đang gia tăng”, trong đó nhấn mạnh kể từ khi phát hiện 220 tàu dân quân biển Trung Quốc ở Đá Ba Đầu ngày 20/3, Philippines đã tăng cường thực thi pháp luật và tuần tra quân sự ở Biển Đông, vượt xa những năm gần đây. Xem xét dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ nhà cung cấp thương mại Marine Traffic và hình ảnh vệ tinh từ công ty Maxar và Planet Labs, AMTI cho biết, từ ngày 1/3 đến 25/5 có 13 tàu thực thi pháp luật hoặc quân sự của Philippines tiến hành 57 chuyến tuần tra đến các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa và Bãi cạn Scarborough (so với 3 tàu thực hiện 7 chuyến tuần tra từ tháng 5/2020 – 2/2021). Không chỉ tần suất, mà vị trí của các cuộc tuần tra cũng thay đổi. Trước tháng 3/2021, các tàu Philippines hầu như trực tiếp di chuyển đến đảo Thị Tứ, tuy nhiên các cuộc tuần tra gần đây lại bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, Đá Ba Đầu, Bãi Sa Bin và Bãi cạn Scarborough.

Trước đó, ngày 25/5, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết, Philippines đã đạt được thỏa thuận mua 6 trực thăng tấn công T129 ATAK trị giá 269,4 triệu USD từ Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) sau khi Mỹ đồng ý cấp giấy phép xuất khẩu, nhằm tăng cường năng lực Không quân Philippines. Được biết, trực thăng T129 ATAK sử dụng động cơ trục cánh quạt LHTEC T800-4A do liên doanh giữa công ty Rolls-Royce của Anh và Honeywell của Mỹ sản xuất, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công, trinh sát trong mọi địa hình và môi trường khắc nghiệt. Dự kiến 2 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 9/2021 và 4 chiếc còn lại được bàn giao vào tháng 2/2023.

Trực thăng tấn công T129 ATAK được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công, trinh sát trong mọi địa hình và môi trường khắc nghiệt.
Trực thăng tấn công T129 ATAK được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công, trinh sát trong mọi địa hình và môi trường khắc nghiệt.

Ngày 26/5, WSJ dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, tàu sân bay tiền phương duy nhất của Mỹ tại châu Á, USS Ronald Reagan, có thể sẽ được điều đến Trung Đông để hỗ trợ đợt rút quân khỏi Afghanistan. Theo đó, tàu USS Ronald Reagan sẽ được triển khai tới vùng biển ngoài khơi Afghanistan vào đầu mùa hè và hoạt động tại đó trong 4 tháng. Như vậy, Hải quân Mỹ có thể sẽ không có tàu sân bay nào hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian.

Hải quân Mỹ có thể sẽ không có tàu sân bay nào hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian sau khi tàu sân bay tiền phương duy nhất USS Ronald Reagan được điều đến Trung Đông
Hải quân Mỹ có thể sẽ không có tàu sân bay nào hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian sau khi tàu sân bay tiền phương duy nhất USS Ronald Reagan được điều đến Trung Đông

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Tổng thư ký Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) Stefano Sannino đã có cuộc hội kiến ở Brussels, Bỉ để thảo luận về những lo ngại liên quan đến Trung Quốc, từ vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và sự xói mòn quyền tự trị ở Hồng Kông, tới hành vi cưỡng ép kinh tế và các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, 2 bên còn thảo luận về việc cần cấp cho Đài Loan quyền “tham gia có ý nghĩa” vào các diễn đàn đa phương, gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA).

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Tổng thư ký EEAS Stefano Sannino.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Tổng thư ký EEAS Stefano Sannino.

Được biết, cũng trong thời gian này, tại Học viện Không quân Mỹ ở bang Colorado, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã cảnh báo về những “mâu thuẫn” có thể xảy ra trong mối quan hệ địa chính trị của Mỹ với cả Trung Quốc và Nga, kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để duy trì mối quan hệ ở mức cạnh tranh cũng như tránh để xảy ra những xung đột lớn giữa các cường quốc.

Trong một động thái khác của Hoa Kỳ liên quan đến việc hợp tác của “Bộ Tứ’, Điều phối viên chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Kurt Campbell đã thông báo nước này đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các nhà lãnh đạo “Bộ Tứ” vào mùa thu năm 2021 để thảo luận về vấn đề hạ tầng nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Ông Kurt Campbell khẳng định, các quốc gia khác cũng được hoan nghênh hợp tác với “Bộ Tứ”.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đạt được nhiều thành tựu trong các sứ mệnh và chương trình vũ trụ, ngày 26/5, Nikkei (Nhật Bản) dẫn lời các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đã phát triển nhiều khả năng tấn công các vệ tinh của Mỹ trong bất kỳ quỹ đạo Trái đất nào, từ độ cao thấp vài trăm km đến quỹ đạo địa tĩnh với độ cao 36.000 km, nhằm làm tê liệt các hoạt động quân sự của Mỹ trong các chiến dịch như giao tranh ở eo biển Đài Loan. Những khả năng tấn công này bao gồm tên lửa trên mặt đất, “vệ tinh sát thủ” có thể được sử dụng trong cuộc tấn công đồng quỹ đạo, các vũ khí năng lượng có định hướng như laser, các lực lượng hoạt động trong không gian mạng hoặc tấn công các trạm điều khiển mặt đất.

Cùng ngày, News Week đưa tin truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích “các phương tiện truyền thông nước ngoài” đăng tải hình ảnh minh họa trên máy tính được cho là của máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-20 của Trung Quốc, đồng thời khẳng định đây chỉ là “tin giả”.

Trung Quốc khẳng định hình ảnh minh họa trên máy tính của máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-20 là “tin giả”.
Trung Quốc khẳng định hình ảnh minh họa trên máy tính của máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-20 là “tin giả”.

Tờ Global Times (Trung Quốc) hôm 26/5 đưa tin một trung đoàn trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự Tân Cương của Trung Quốc đã nhận được hệ thống tên lửa phòng không dã chiến HQ-17A và hệ thống phóng nhiều rocket tự hành cỡ nòng 122mm PHL-11 để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Được biết, HQ-17A là hệ thống tên lửa phòng không dã chiến tiên tiến nhất của Trung Quốc, trong khi hệ thống PHL-11 có thể mang 40 quả rocket và có hỏa lực rất mạnh mẽ.

HQ-17A hiện là hệ thống tên lửa phòng không dã chiến tiên tiến nhất của Trung Quốc.
HQ-17A hiện là hệ thống tên lửa phòng không dã chiến tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Cùng ngày, The Nation đưa tin, nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại nguy cơ bí mật tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ sẽ rơi vào tay Trung Quốc, sau khi Mỹ quyết định bán 50 tiêm kích tàng hình F-35 cho Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong bối cảnh Trung Quốc và UAE đang tăng cường mối quan hệ. Được biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào giữa tháng 4/2021 đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về quyết định bán lô vũ khí gồm 50 tiêm kích tàng hình F-35, 18 máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9B, cùng tên lửa không đối không và không đối đất cho UAE.

Nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại nguy cơ bí mật tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ sẽ rơi vào tay Trung Quốc.
Nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại nguy cơ bí mật tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, ngày 26/5, Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) Park Jie-won đã khởi hành đến Mỹ, dự kiến sẽ gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và các quan chức khác để thảo luận về vấn đề Triều Tiên, sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn tiến hành Hội nghị thượng đỉnh và nhất trí đối thoại với Triều Tiên.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều