Biển Đông 30/6: Philippines huấn luyện ‘thiên thần biển’ để ‘xua đuổi’ tàu nước ngoài trên Biển Đông
Ngày 29/6, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, 2 nước đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Cùng ngày, tại Hội nghị bàn tròn trực tuyến các chính đảng Nga-ASEAN với chủ đề “Vai trò của các lực lượng chính trị có trách nhiệm của Nga và các nước ASEAN trong việc củng cố cấu trúc an ninh và hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chia sẻ Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; kêu gọi các nước cần có thiện chí và tăng cường hợp tác trên cơ sở lấy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực làm nguyên tắc và mục tiêu cao nhất, giải quyết mọi sự khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, không để dẫn đến đối đầu, xung đột.
Cùng thời điểm, Hội nghị Quan chức cấp cao Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF) cũng diễn ra theo hình thức trực tuyến nhằm kiểm điểm, rà soát các hoạt động hợp tác của ARF sau 1 năm triển khai Kế hoạch Hành động Hà Nội II (2020-2025), xem xét hoạt động trong năm giữa kỳ 2021-2022 và các đề xuất văn kiện cho Hội nghị Bộ trưởng ARF lần thứ 28 (dự kiến tổ chức vào tháng 08/2021); trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Về tình hình Biển Đông, các đại biểu tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tại Philippines, Inquirer ngày 28/6 đưa tin 81 nữ sĩ quan thuộc lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) đã hoàn tất khóa huấn luyện “Angels of the Sea” kéo dài 2 tuần, trong đó đào tạo các kiến thức về luật biển của Philippines, các quy định liên quan an toàn hàng hải, an ninh trên biển và cách sử dụng vô tuyến điện. Sau đó, họ sẽ tham gia các chuyến tuần tra, đọc các thông điệp “xua đuổi” tàu Trung Quốc cũng như tàu nước khác và khẳng định các nguyên tắc hòa bình, tôn trọng luật quốc tế trên biển. Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tin rằng sử dụng giọng nữ để “xua đuổi” tàu nước ngoài “xâm phạm chủ quyền Philippines” trên Biển Đông có thể giảm bớt căng thẳng, không kích động như giọng nam giới.
Trong một diễn biến khác, ngày 29/6, Ngoại trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tổ chức hội nghị trực tiếp đầu tiên trong 2 năm qua kể từ đại dịch COVID-19 tại Matera, miền Nam nước Ý, nhằm thúc đẩy các biện pháp đa phương để ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, Nikkei nhận định việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại tham dự hội nghị G20 là để né tránh các cuộc tiếp xúc cấp cao với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị, do Trung Quốc không muốn hứng chỉ trích về các vấn đề Đài Loan và Hồng Kông cũng như tránh tình trạng bất đồng gay gắt như ở hội nghị tại Alaska vào tháng 3/2021. Như vậy, việc không có cuộc gặp mặt cấp cao nào giữa 2 bên sẽ khó tạo tiền đề cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2021.
Ngày 28/6, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Nicole Schwegman cho biết, tàu khu trục Mỹ USS Mustin đã rời căn cứ quân sự Yokosuka tại Nhật Bản và quay về thành phố San Diego của Mỹ để bảo dưỡng và hiện đại hóa sau 15 năm đóng quân tại Nhật Bản, đồng thời điều tàu USS Ralph Johnson đến để thay thế. Được biết, tàu USS Mustin dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa trong 2 năm và sẽ gia nhập Hạm đội 3 phụ trách khu vực trung tâm và phía đông Thái Bình Dương.
Liên quan đến tình hình leo thang căng thẳng tại eo biển Đài Loan, ngày 29/6, Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC), cơ quan phụ trách chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Đài Loan cho biết Quyền trưởng văn phòng đại diện Đài Loan ở Macau, ông Chen Chia-hung, đã buộc phải trở về Đài Loan, sau khi chính quyền Macau từ chối gia hạn visa, do ông Chen Chia-hung không ký vào tài liệu công nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Sau khi ông Chen Chia-hung trở về Đài Loan ngày 27/6, chỉ còn 4 nhân viên Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc còn hạn visa được ở lại Macau để duy trì hoạt động của văn phòng.
Cùng ngày, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington D.C (Mỹ), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama đã nêu ra các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc trong không gian, công nghệ tên lửa, mạng, lực lượng hạt nhân và phi hạt nhân. Ngoài ra, ông Yasuhide Nakayama cũng kêu gọi các nước bảo vệ Đài Loan trước sức ép từ Trung Quốc. Đáp lại, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 29/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Trung Quốc phản đối và “lấy làm tiếc về những nhận xét không đúng” của ông Nakayama.
Liên quan tình hình biên giới Trung – Ấn, ngày 29/6, NDTV dẫn hình ảnh vệ tinh trên Google Earth Pro ngày 11/2 cho thấy, các điểm đóng quân của Trung Quốc và Ấn Độ trên cao nguyên Pangong, thuộc khu vực Ladakh chỉ cách nhau khoảng 150m, trong đó xe tăng 2 bên tại các vị trí dọc dãy núi Kailash chỉ cách nhau khoảng 50m. Theo ảnh vệ tinh, Ấn Độ có 2 địa điểm đóng quân lớn với một số lều nằm vượt sang phía bên kia của Đường kiểm soát thực tế (LAC), trong khi binh sĩ Trung Quốc được triển khai sát vị trí của quân đội Ấn Độ, kéo dài 10km tới tận phía hồ Spanggur. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn cho thấy Trung Quốc cũng đang ồ ạt xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự như ụ đặt đại bác, cơ sở hậu cần, nằm cách địa điểm đối đầu với Ấn Độ khoảng 10-12km. Trung Quốc bị cáo buộc vẫn tiếp tục hiện diện tại một số địa điểm ở Đông Ladakh, bất chấp việc 2 nước đã đạt đồng thuận tháo dỡ các công trình xây dựng, rút quân và giảm căng thẳng vào tháng 2/2021.
Trong một diễn biến khác, ngày 28/6, tài khoản Twitter @louischeung_hk đăng tải hình ảnh về tàu ngầm Type 039C của Trung Quốc được lai dắt trên sông Dương Tử. Thông qua các hình ảnh, giới phân tích nhận định con tàu có thiết kế bên ngoài tương tự tàu ngầm lớp A26 Blekinge tối tân của Thụy Điển, với phần tháp chỉ huy được thiết kế góc cạnh, khác hoàn toàn với các tàu ngầm khác có trong biên chế Hải quân Trung Quốc. Được biết, tàu Type 039C dài khoảng 76 m, lượng giãn nước 3.600 tấn, và nhiều khả năng được trang bị một loại động cơ khác với động cơ của 2 tàu trước đó là Type 039A và Type 039B để hoạt động êm hơn.
Ngày 29/6, lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc đã tiến hành tập trận ở Tổ hợp Thể thao Seoul tại quận Songpa, nhằm chuẩn bị cho quân đội khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ thành phố trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ máy bay không người lái tấn công bằng chất nổ hoặc hóa chất. Trong một nội dung diễn tập với kịch bản một máy bay không người lái tấn công bằng hóa chất, lực lượng đặc nhiệm đã điều một máy bay phun hóa chất phía trên sân vận động và triệt hạ mục tiêu bằng súng gây nhiễu.
Trần Anh