+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 20/5: Nhiều quốc đảo đồng loạt ngừng các dự án do Trung Quốc tài trợ

Trần Anh - 20/05/2021 18:00

Ngày 18/5, những hình ảnh mới nhất tại Seattle, bang Washington (Mỹ) cho thấy tàu Cảnh sát biển 8021 của Cảnh sát biển Việt Nam đã được sơn số phiên hiệu, vạch ký hiệu, chữ VIETNAM COAST GUARD hai bên thân, với ống khói sơn quốc kỳ Việt Nam và đang chạy thử. Tàu Cảnh sát biển 8021 dài 115m với lượng giãn nước 3.250 tấn, vốn là tàu tuần tra John Midgett của Tuần duyên Mỹ loại biên vào tháng 5/2020 và sẽ sớm được chuyển giao cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tàu Cảnh sát biển 8021.
Tàu Cảnh sát biển 8021.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Mỹ sẽ đảm bảo quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường biển ở Biển Đông và Bắc Cực cũng như dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở, và Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực để thiết lập các chuẩn mực ứng xử dựa trên các giá trị dân chủ, trong bối cảnh các quốc gia như Nga và Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quyền kiểm soát đối với các tuyến hàng hải.

Cùng ngày, Space đưa tin, Mỹ đã phóng thành công tên lửa Atlas V do công ty United Launch Alliance (ULA) sản xuất, từ Mũi Canaveral, bang Florida vào ngày 18/5, mang theo vệ tinh cảnh báo và phát hiện các vụ phóng tên lửa “SBIRS Geo-5” lên quỹ đạo sau 24 giờ bị hoãn vì trục trặc cảm biến. Được biết, đây là vệ tịnh thứ 5 của Hệ thống Hồng ngoại Không gian trên Quỹ đạo Địa tĩnh, với mục tiêu thay thế chòm vệ tinh do thám thuộc Chương trình Hỗ trợ Phòng thủ của Mỹ trong thời gian tới.

Tên lửa Atlas V do công ty ULA sản xuất.
Tên lửa Atlas V do công ty ULA sản xuất.

Cũng trong ngày 19/5, Korea JoongAng Daily cho biết, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ ngày 18/5, ông Paul LaCamera, người được chỉ định làm Tư lệnh liên quân Hàn – Mỹ kiêm Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc nhấn mạnh, việc tập trận quy mô lớn giữa liên quân Hàn – Mỹ mang ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp thiết lập trạng thái sẵn sàng chiến đấu, mà còn thúc đẩy hợp tác giữa quân đội 2 nước và xây dựng lòng tin.

Tư lệnh liên quân Hàn – Mỹ kiêm Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc Paul LaCamera.
Tư lệnh liên quân Hàn – Mỹ kiêm Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc Paul LaCamera.

Ngày 20/5, ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng tại Đối thoại Shangri La dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ nhấn mạnh việc Mỹ “quay trở lại” hợp tác với cộng đồng quốc tế và Mỹ “muốn là bạn của tất cả các quốc gia”. Trong khi đó, PGS Stephen Robert Nagy thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế của Nhật Bản cho rằng, Bộ trưởng Austin và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cùng nhau lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ và nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh có tâm lý Chiến tranh Lạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Trước đó, ngày 19/5, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc điện đàm để thảo luận về vấn đề Biển Đông, cướp biển và khủng bố. Trong một tuyên bố của Phủ Tổng thống Philippines vào ngày 19/5 cho biết Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác thúc đẩy nhận thức trong các lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, cũng như kết nối hàng hải và thương mại; kêu gọi các liên minh và quan hệ đối tác phải đóng góp cho sự ổn định ở Biển Đông, đảm bảo lợi ích tập thể rộng lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thủ tướng Suga bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong một diễn biến khác tại khu vực Ấn Độ Dương, ngày 18/5, All Africa cho biết Ấn Độ đang xây dựng một căn cứ quân sự ở đảo Agalega mà Ấn Độ thuê từ Mauritius từ năm 2015. Hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, Ấn Độ đang xây dựng một đường băng dài 3km, rộng 60m và một cầu cảng 255m ở Agalega, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021. Theo đó, đường băng này có thể tiếp nhận máy bay tuần thám biển P-8I Neptune và cầu cảng có thể tiếp nhận các tàu nổi, tàu ngầm hoặc các thiết bị, khí tài quan trọng chiến lược khác của Ấn Độ. Ngoài Agalega, Ấn Độ còn có cơ sở radar và trạm thu thập thông tin chiến lược ở Madagascar và một radar giám sát ven biển ở Seychelles để đối phó các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Đảo Agalega được Ấn Độ thuê từ Mauritius từ năm 2015.
Đảo Agalega được Ấn Độ thuê từ Mauritius từ năm 2015.

Một ngày sau, ngày 19/5, CNA đưa tin, Tòa án cấp cao nhất của Sri Lanka đã ngăn một dự luật thành lập Ủy ban kinh tế tại một thành phố cảng do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka vì một số điều khoản trong dự luật vi phạm hiến pháp và làm suy yếu quyền lập pháp của Nghị viện. Được biết, một điều khoản của dự luật đã trao quyền cho Ủy ban từ 5 đến 7 thành viên được đề xuất và được Tổng thống bổ nhiệm, để thiết lập và thực thi các quy tắc trong thành phố cảng, làm dấy lên lo ngại thành phố cảng này có thể trở thành một tiền đồn hoặc thuộc địa của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.

Cùng ngày, tại Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, giàn khoan dầu khí ngoài khơi được thiết kế trong nước lớn nhất của Trung Quốc, giàn khoan trung tâm Lufeng 14-4, đã hoàn tất việc triển khai và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021 để cung cấp dầu và khí đốt ổn định cho khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macau. Được biết, giàn khoan này nằm ở Biển Đông, cách đặc khu hành chính Hồng Kông khoảng 200 km về phía đông nam.

Giàn khoan trung tâm Lufeng 14-4.
Giàn khoan trung tâm Lufeng 14-4.

Thời điểm này, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-4B đưa một vệ tinh theo dõi đại dương HY-2D lên quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Tây Bắc Trung Quốc. Vệ tinh HY-2D sẽ cùng với các vệ tinh HY-2B và HY-2C đã được phóng lên quỹ đạo trước đó, tạo thành một hệ thống theo dõi môi trường đại dương suốt ngày đêm, hỗ trợ dự báo và cảnh báo sớm các thiên tai, thảm họa trên biển, phát triển bền vững và sử dụng các nguồn tài nguyên biển, ứng phó hiệu quả với biển đối khí hậu toàn cầu cũng như nghiên cứu đại dương.

Ngày 20/5, Reuters đưa tin, tân Thủ tướng sắp nhậm chức Fiame Naomi Mata’afa của quốc đảo Thái Bình Dương Samoa tuyên bố sẽ ngừng dự án xây dựng khu cảng Vaiusu do Trung Quốc tài trợ với lý do Samoa đang có những nhu cầu cấp bách hơn cần ưu tiên, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Được biết, địa điểm xây dựng cảng Vaiusu nằm gần cảng Apia do Nhật Bản hỗ trợ, làm dấy lên lo ngại cơ sở do Trung Quốc hậu thuẫn có thể chuyển đổi thành một căn cứ quân sự, đặt ra thách thức đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Thủ tướng Samoa sắp nhậm chức Fiame Naomi Mata'afa tuyên bố sẽ ngừng dự án xây dựng khu cảng Vaiusu do Trung Quốc tài trợ với lý do "Samoa đang có những nhu cầu cấp bách hơn cần ưu tiên".
Thủ tướng Samoa sắp nhậm chức Fiame Naomi Mata’afa tuyên bố sẽ ngừng dự án xây dựng khu cảng Vaiusu do Trung Quốc tài trợ với lý do “Samoa đang có những nhu cầu cấp bách hơn cần ưu tiên”.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều