+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 5/7: Ngoại trưởng Trung Quốc gọi chiến lược của Mỹ “nên bị ném vào thùng rác”

Trần Anh - 05/07/2021 18:00

Nhân chuyến công du 3 quốc gia vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia, Litva từ ngày 1 đến 3/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết, Nhật Bản và 3 quốc gia trên đều có chung quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác vì khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do rộng mở. Ngoài ra, Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu cũng đã có cuộc hội kiến với Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis vào ngày 3/7, trong đó hai bên bày tỏ có chung quan ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm ép buộc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Hoa Đông, về tình hình tại Hồng Kông cũng như Khu tự trị Tân Cương.

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu

Hai ngày sau chuyến khi chuyến công du kết thúc, Nikkei ngày 5/7 nhận định việc Trung Quốc đang tăng cường đầu tư kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN như Campuchia, Malaysia, Indonesia… là nhằm ngăn chặn nỗ lực của Mỹ thu hút các nước ASEAN chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang tìm cách “lấy lòng” và lôi kéo các nước khu vực trong khi Trung Quốc đang cố làm cho tình trạng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông trở thành “việc đã rồi”.

Trong một diễn biến khác, AA ngày 1/7 đưa tin Lục quân Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành một cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 3.000 binh sĩ từ ngày 1 đến 9/7 tại các trại huấn luyện trên toàn lãnh thổ Nhật Bản, nhằm thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong bối cảnh “Bắc Kinh đang gia tăng các hoạt động ở biển Hoa Đông”. Đây cũng là dịp để Mỹ lần đầu tiên triển khai đơn vị tên lửa đánh chặn PAC-3 đến trại huấn luyện trên đảo Anami Oshima thuộc tỉnh Kagoshima phía nam Nhật Bản để tập trận.

Lục quân Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành một cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 3.000 binh sĩ từ ngày 1 đến 9/7 tại các trại huấn luyện trên toàn lãnh thổ Nhật Bản.
Lục quân Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành một cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 3.000 binh sĩ từ ngày 1 đến 9/7 tại các trại huấn luyện trên toàn lãnh thổ Nhật Bản.

Một ngày sau, ngày 2/7, Reuters đưa tin Tập đoàn công nghệ Raytheon (RTX.N) đã được Không quân Mỹ trao hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để phát triển và chế tạo tên lửa hành trình trang bị vũ khí hạt nhân thuộc chương trình vũ khí phòng thủ tầm xa (LRSO). Được biết, tên lửa LRSO sẽ được sản xuất tại Tucson, Arizona, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2027, và Không quân Mỹ có kế hoạch mua tới 1.000 LRSO, nhằm thay thế tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86B.

Tập đoàn công nghệ Raytheon (RTX.N) đã được Không quân Mỹ trao hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để phát triển và chế tạo tên lửa hành trình trang bị vũ khí hạt nhân thuộc chương trình vũ khí phòng thủ tầm xa (LRSO).
Tập đoàn công nghệ Raytheon (RTX.N) đã được Không quân Mỹ trao hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để phát triển và chế tạo tên lửa hành trình trang bị vũ khí hạt nhân thuộc chương trình vũ khí phòng thủ tầm xa (LRSO).

Ngày 3/7, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, Mỹ tiếp tục cam kết phòng thủ chung với Hàn Quốc, bao gồm việc duy trì các lực lượng của Mỹ tại Hàn Quốc ở mức độ phù hợp để “ngăn ngừa các mối đe dọa”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một nhóm Nghị sĩ lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đệ trình một dự luật nhằm ngăn chặn việc sử dụng ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2022 để giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc xuống dưới 22.000 người.

Đáp lại các động thái của Mỹ, ngày 3/7, trong bài phát biểu tại Diễn đàn hoà bình thế giới lần thứ 9 do Trường Đại học Thanh Hoa và Viện Đối ngoại nhân dân Trung Quốc tổ chức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ nhằm thành lập liên minh chống Trung Quốc đã lỗi thời và “nên bị ném vào thùng rác”; nhấn mạnh “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền và sẽ không bao giờ tham gia chủ nghĩa bành trướng, không ngừng thúc đẩy quyền tự do và giải phóng con người”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ nhằm thành lập liên minh chống Trung Quốc đã lỗi thời và “nên bị ném vào thùng rác”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ nhằm thành lập liên minh chống Trung Quốc đã lỗi thời và “nên bị ném vào thùng rác”.

Cùng ngày, liên quan thông tin Trung Quốc đang xây dựng 119 hầm chứa tên lửa gần Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, ABS CBN dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định thông tin trên là không có cơ sở. Theo chuyên gia Trung Quốc Song Zhongping, Trung Quốc đã sử dụng các bệ phóng di động và loại bỏ các hầm chứa cố định vì chúng tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí và dễ bị tấn công, phá hủy. Ông Song Zhongping khẳng định ủng hộ việc mở rộng sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc, nhưng phải ưu tiên sức mạnh hạt nhân trên biển và trên đất liền, đồng thời tăng cường hơn nữa sức mạnh hạt nhân trong không gian. Theo nhà bình luận quân sự Zhou Chenming, các địa điểm xây dựng được hiển thị trên hình ảnh vệ tinh quá tập trung, không thể trở thành hầm chứa ICBM, vì chúng sẽ bị phá hủy chỉ bởi một đầu đạn hạt nhân.

Một ngày sau, ngày 4/7, Global Times cho biết tàu khu trục Type 052D Kaifeng của Trung Quốc đã lần đầu tiên xuất hiện trong một báo cáo chính thức liên quan tới một cuộc tập trận tại một vùng biển không được tiết lộ, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tàu Type 052D Kaifeng mang số hiệu 124 đã tiến hành các bài huấn luyện bao gồm bắn đạn thật bằng pháo chính và hệ thống vũ khí tầm gần, cất và hạ cánh trực thăng trên tàu, bắn vũ khí hạng nhẹ trên biển. Theo các nhà quan sát, tàu Kaifeng đã được biên chế cho Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc và đang đạt được khả năng hoạt động một cách nhanh chống.

Tàu khu trục Type 052D Kaifeng.
Tàu khu trục Type 052D Kaifeng.

Liên quan tình hình tại eo biển Đài Loan, ngày 2/7, tạp chí quân sự “Hạm Thuyền Tri thức” của Trung Quốc cho biết Trung Quốc có thể tấn công bất ngờ theo 3 giai đoạn để thống nhất Đài Loan. Giai đoạn 1, tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16, oanh tạc cơ chiến lược H-6 và tiêm kích đa năng J-16 nhằm vào sân bay, hải cảng, trung tâm chỉ huy để phá hủy hệ thống thu thập thông tin và cơ quan đầu não Đài Loan. Giai đoạn 2, tập kích cường độ cao bằng tên lửa hành trình như YJ-91 và CJ-10 từ các bệ phóng trên mặt đất, tàu mặt nước và tàu ngầm, nhằm vào căn cứ quân sự, kho đạn, cơ sở hạ tầng liên lạc và những đầu mối giao thông chủ chốt, sau đó điều máy bay không người lái để đánh giá hiệu quả đòn đánh. Giai đoạn 3, tàu mặt nước và lực lượng pháo phản lực mặt đất có thể pháo kích để loại bỏ những chướng ngại vật cuối cùng, tạo điều kiện cho thủy quân và lực lượng đổ bộ Trung Quốc triển khai lên đảo Đài Loan. Tuy nhiên, tạp chí không đề cập tới khả năng Đài Loan tung đòn phản công và hành động của những cường quốc như Mỹ, Nhật Bản trong trường hợp hòn đảo bị tấn công.

Hai ngày sau, ngày 4/7, SCMP dẫn nghiên cứu được công bố trên South China Sea Wave, một tài khoản mạng xã hội nặc danh chuyên đăng các nghiên cứu quân sự cho biết sự thay đổi dòng chảy đại dương ở phía đông Đài Loan sẽ cản trở cuộc tấn công tiềm tàng bằng tàu ngầm của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan. Dòng chảy được đề cập trong nghiên cứu là dòng chảy Kuroshio, còn gọi là “luồng nước đen”, xuất phát ngoài khơi đảo Luzon thuộc Philippines và chảy về phía Nhật Bản. Các hoạt động liên quan núi lửa ở đáy đại dương gần đảo Okinawa của Nhật Bản đã dẫn đến những sự thay đổi nhiệt độ nước ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan và tác động tới các dòng chảy. Sự thay đổi này có thể hỗ trợ tàu ngầm Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tấn công, nhưng nếu bị tấn công thì chúng sẽ bị dòng chảy Kuroshio cản trở khi cố thoát ra để trở về Trung Quốc. Ngoài ra, các xoáy nước và dòng chảy ngược cũng sẽ tác động tới đường đi của ngư lôi.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin ngày 3/7 đã thông qua Chiến lược An ninh Quốc gia cập nhật và sắc lệnh về chiến lược đã được đăng lên cổng thông tin luật pháp nhà nước. Đáng chú ý, chiến lược kêu gọi mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ; khẳng định đây là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga, nhằm thiết lập cơ chế đảm bảo an ninh, ổn định khu vực dựa trên cơ sở không liên kết trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều