+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 5/5: Ngoại trưởng Philippines “chủ động xin lỗi” Trung Quốc sau phát ngôn “cút khỏi Đá Ba Đầu”

Trần Anh - 05/05/2021 18:00

Ngày 4/5, nhận lời mời tham gia lễ nhậm chức Tư lệnh các lực lượng Ấn Độ – Thái Bình Dương (Mỹ) của Đô đốc John Aquilino vào ngày 30/4 tại Hawaii, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã có cuộc trao đổi với các đại diện phía Mỹ về các vấn đề khu vực và quốc tế. Theo đó, phía Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và trật tự dựa trên luật lệ, phối hợp với các nước đồng minh, đối tác trong khu vực để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, giải quyết hòa bình tranh chấp. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loyd Austin bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.

Cùng ngày, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Cục Đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng cho biết, Việt Nam dự kiến đăng cai 2 nội dung bắn tỉa và cứu hộ cứu nạn ở trường bắn Miếu Môn tại Chương Mỹ, Hà Nội, dành cho các nước thuộc châu Á – Thái Bình Dương. Các nội dung này nằm trong cuộc thi “Tìm hiểu về Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2021”, diễn ra từ ngày 22/8 đến 4/9 với 34 nội dung tranh tài tại các thao trường thuộc nhiều quốc gia khác nhau gồm Nga, Algeria, Belarus, Việt Nam, Iran, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, nhằm tăng cường hợp tác quân sự quốc tế giữa các nước, góp phần phát triển quan hệ quốc phòng tin cậy.

Việt Nam sẽ đăng cai bộ môn bắn tỉa và cứu hộ cứu nạn trong Army Game 2021.
Việt Nam sẽ đăng cai bộ môn bắn tỉa và cứu hộ cứu nạn trong Army Game 2021.

Trong một diễn biến khác trong khu vực, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 3/5 cho biết, ông từng đề nghị Trung Quốc để ngư dân Philippines đánh bắt trong hòa bình ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nếu xảy ra bất kỳ xung đột nào ở vùng biển tranh chấp. Ngoài ra, Tổng thống Duterte còn khẳng định, trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016, ông chưa bao giờ hứa gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện thông qua ngoại giao.

Một ngày sau phát biểu trên, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. đã chủ động gửi lời xin lỗi tới Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau phát ngôn yêu cầu Trung Quốc “cút khỏi” khu vực Đá Ba Đầu (Việt Nam) và ông Locsin đã “chủ động xin lỗi mà không chịu sức ép nào từ Tổng thống Rodrigo Duterte”. Phản ứng lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định ngoại giao “đao to búa lớn” chỉ làm suy giảm thêm lòng tin giữa 2 nước và hy vọng trong tương lai “một cá nhân nào đó” ở Philippines sẽ biết cách cư xử và hành động đúng mực.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. “chủ động xin lỗi mà không chịu sức ép nào từ Tổng thống Rodrigo Duterte” sau phát ngôn yêu cầu Trung Quốc “cút khỏi” khu vực Đá Ba Đầu.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. “chủ động xin lỗi mà không chịu sức ép nào từ Tổng thống” sau phát ngôn yêu cầu Trung Quốc “cút khỏi” khu vực Đá Ba Đầu.

Dù vậy, Philippines vẫn có những động thái tỏ ra cứng rắn khi cùng ngày, Lực lượng đặc trách quốc gia về biển Tây Philippines (NTF-WPS) đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với các khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines. Tuyên bố nhấn mạnh, ngư dân Philippines được khuyến khích ra khơi và đánh bắt cá trong vùng biển của Philippines. Trước đó, ngày 27/4, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trong mùa hè từ 1/5 đến 16/9 tại biển Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía Bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông.

Một ngày sau, ngày 5/5, Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Cirilito Sobejana cho biết, AFP đang lên kế hoạch biến đảo Thị Tứ, Việt Nam thành “trung tâm hậu cần quân sự” và xây thêm trung tâm giải trí, giúp “cải thiện khả năng tuần tra, rút ngắn thời gian phản ứng” trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây hấn đối với lực lượng hải quân, tuần duyên và lực lượng phòng không của Philippines trên Biển Đông.

Cùng liên quan đến việc Trung Quốc triển khai tàu dân quân biển tập trung ở Đá Ba Đầu, Việt Nam, ngày 04/05, Báo Quốc Tế bình luận, Mỹ đã có những phản ứng chính thức nhanh chóng, liên tục và mạnh mẽ, kết hợp với những biện pháp tuyên truyền từ kênh học giả và truyền thông. Thứ nhất, Mỹ là nước không thuộc nhóm các quốc gia tranh chấp có phản ứng đầu tiên qua kênh ngoại giao. Thứ hai, Mỹ đưa ra phản ứng nhiều lần nhất và ở nhiều cấp nhất. Cuối cùng và quan trọng nhất, Mỹ là nước chỉ trích Trung Quốc trực diện và mạnh mẽ nhất.

Hoa Kỳ vừa qua cũng tiếp tục các hoạt động củng cố sự hiện diện tại Biển Đông. Ngày 3/5, sau cuộc hội đàm tại London, Anh, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã ra tuyên bố “cực lực phản đối” bất kỳ ý đồ đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Mặt khác, Mỹ cũng khẳng định sẽ hợp tác cùng Nhật Bản để tăng cường khả năng răn đe, nhằm đảm bảo hòa bình ở eo biển Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, theo Điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ – Thái Bình Dương Kurt Campbell. Tuy nhiên, ông Kurt Campbell cũng thừa nhận rằng, Nhật Bản không có ý định thực hiện các hành động khiêu khích hoặc chọc giận Trung Quốc.

Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vừa qua cũng là một trong những trọng tâm của Bộ Quốc Phòng New Zealand. Ngày 4/5, Stuff đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare cho biết, Hải quân New Zealand sẽ cử lực lượng tham gia hành trình cùng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tới 40 quốc gia ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông và tham gia một số hoạt động quân sự. Ngoài ra, Hải quân New Zealand dự kiến sẽ điều tàu khu trục, máy bay P-3 Orion và 25 binh sĩ tham gia cuộc tập trận cùng các quốc gia thuộc Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (gồm Anh, Úc, Malaysia, Singapore và New Zealand) vào tháng 10/2021 tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông của Malaysia.

Bộ trưởng Quốc phòng Peeni Henare: Hải quân New Zealand sẽ tham gia hành trình với nhóm tàu sân bay của Anh.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare: Hải quân New Zealand sẽ tham gia hành trình với nhóm tàu sân bay của Anh.
Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth
Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth

Trong bối cảnh khác, Trung Quốc hôm 5/5 được cho là đang luân chuyển quân nhân và tiếp tục xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự như khu đạn dược, bãi đáp trực thăng, vị trí đặt tên lửa, cách khu vực Đường kiểm soát Ấn – Trung (LAC) khoảng 25-120km. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường năng lực tiếp nhận máy bay ném bom và tiêm kích cho các căn cứ lân cận như Hotan, Kashgar, Gargunsa (Ngari Gunsa), Lhasa-Gonggar và Shigatse. Động thái này cho thấy Trung Quốc dường như chưa có ý định sớm hạ nhiệt căng thẳng với Ấn Độ về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều