+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 4/5: Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc “hung hăng và ngày càng đối nghịch”

Trần Anh - 04/05/2021 18:00

Ngày 29/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã lên tiếng bác bỏ những thông tin và cáo buộc vô cớ của tạp chí Naval and Merchant Ships (Trung Quốc), khẳng định dân quân tự vệ Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển đảo, hoạt động theo chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, toàn dân theo Luật dân quân tự vệ năm 2019, và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt: Dân quân tự vệ Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển đảo, hoạt động theo chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, toàn dân.

Tuyên bố trên là phản ứng trước thông tin đăng ngày 25/4 của Naval and Merchant Ships, cáo buộc “lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của họ ở vùng biển gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc.”

Tại Trung Quốc, ngày 29/4, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm chỉ trích Mỹ thường xuyên điều tàu và máy bay trinh sát thực hiện các hoạt động ở các vùng biển, không phận xung quanh Trung Quốc, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, làm leo thang quân sự hóa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Tổ chức Sáng kiến Thăm dò Biển Đông (SCSPI) cho biết, Mỹ đã sử dụng 5 loại máy bay trinh sát, bao gồm máy bay tuần thám P-8A Poseidon, máy bay tuần thám E-8C Orion, máy bay không người lái MQ-4C Triton, máy bay do thám U-2 Dragon Lady và máy bay thu thập tình báo điện tử P-3E Aries II, thực hiện 65 chuyến bay trên Biển Đông, để thực hiện nhiều hoạt động từ tuần tra hàng hải tới thu thập tình báo điện tử.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ngô Khiêm.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ngô Khiêm.

Một ngày sau, ngày 30/4, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, quân đội Trung Quốc sẽ tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, tức Vịnh Bắc Bộ từ ngày 1 đến 31/5, theo đó tàu thuyền bị cấm vào khu vực có bán kính 7 km từ điểm có tọa độ 21-14.23N 109-32.80E trong thời gian diễn ra hoạt động diễn tập, trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động do thám và các đồng minh của Mỹ đưa tàu quân sự tới khu vực.

Hôm 2/5, Người phát ngôn của Hải quân Trung Quốc Cao Tú Thành cho biết, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cùng “một nhóm các tàu khác” đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận ở Biển Đông; đồng thời khẳng định đây là các hoạt động “chính đáng” để “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc” trong khu vực và tàu sân bay Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động tập trận tương tự trong tương lai. Việc tàu sân bay Sơn Đông xuống Biển Đông diễn ra không lâu sau khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh rời khỏi khu vực và trở về cảng nhà ở Thanh Đảo.

Cùng ngày, SCMP đưa tin, Trung Quốc vừa biên chế tàu ngầm hạt nhân Type 094A giảm tiếng ồn, có thể phóng tên lửa đạn đạo JL-3 mang được nhiều đầu đạn bao gồm cả đầu đạn hạt nhân 1.000 kiloton, với tầm bắn hơn 10.000 km có thể bao trùm toàn bộ lục địa Mỹ, giúp đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân cho Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh trả đũa hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân Type 094A của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094A của Trung Quốc.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 2/5, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới nhằm tăng cường quyền lực cho các cơ quan an toàn hàng hải, làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác, bao gồm cả Nhật Bản, có thể leo thang ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bản sửa đổi mới nhất đã được thông qua tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc vào ngày 29/4, và dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9. Đạo luật sẽ cho phép cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc ra lệnh cho các tàu nước ngoài rời khỏi khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; có thể chặn các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải nếu chúng không thuộc trường hợp đi qua vô hại theo luật pháp quốc tế.

Đáp lại các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định nước này sẽ tiếp tục các chiến dịch thao diễn hàng hải ở bên trong khu vực 200 hải lý thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông. Bộ trưởng Delfin Lorenzana cho biết, chủ trương cứng rắn lần này đối với Trung Quốc phản ánh những tuyên bố gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ông Duterte đã tỏ ra “rất thẳng thắn và cứng rắn” ra lệnh cho quân đội “bảo vệ những gì chính đáng thuộc về Philippines nhưng không quên mục tiêu tránh để xảy ra chiến tranh và duy trì hòa bình” trên các vùng biển. Ngày 3/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Philippines, ngưng những “hành động gây hấn” nhằm vào các tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough.

Trước những cáo buộc và động thái leo thang căng thẳng từ phía Trung Quốc, ngày 2/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc phỏng vấn báo chí khẳng định Trung Quốc gần đây “hung hăng hơn ở nước ngoài” và đang hành xử với cung cách “ngày càng đối nghịch”. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu rằng Mỹ có hướng tới một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc hay không, ông Antony Blinken cho biết: “Điều này hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của cả Trung Quốc và Mỹ”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: Trung Quốc gần đây “hung hăng hơn ở nước ngoài” và đang hành xử với cung cách “ngày càng đối nghịch”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: Trung Quốc gần đây “hung hăng hơn ở nước ngoài” và đang hành xử với cung cách “ngày càng đối nghịch”.

Một ngày sau, ngày 3/5, Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định phương Tây sẽ bảo vệ “trật tự dựa trên quy tắc quốc tế” trước các nỗ lực lật đổ của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, nhưng không nhằm vào việc kìm hãm Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, phương Tây sẽ xây dựng, củng cố các liên minh với các nước có cùng chí hướng để chia sẻ các giá trị chung và bảo vệ hệ thống đa phương.

Cùng ngày, ông Anthony Blinken cũng đã có cuộc hội đàm tại London, Anh cùng người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên. Đây là lần thứ 2 Ngoại trưởng 2 nước hội đàm trực tiếp sau cuộc gặp hồi tháng 3/2021 tại Tokyo, đồng thời là cuộc gặp đầu tiên sau hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước vào tháng 4/2021, nằm trong nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh lâu đời, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động trên biển.

Trước đó, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Yamazaki Koji cũng đã có cuộc trao đổi với chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley tại Hawaii vào ngày 30/4, trong đó thống nhất giữ vững lập trường chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, tái khẳng định cam kết kiên định của Mỹ về việc bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Được biết, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/5 cũng đã thông qua thỏa thuận bán cho Ấn Độ 6 máy bay tuần tra P-8I Poseidon trị giá 2,42 tỷ USD nhưng không đi kèm vũ khí, giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường khả năng chiến đấu trong bối cảnh tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc thường xuyên hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương.

Tại khu vực đảo Đài Loan, ngày 3/5, Người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khưu Quốc Chính cho biết, tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường Type 054A Tân Châu của Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng Biển Đông bắc Đài Loan vào ngày 1/5, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quân đội Đài Loan và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã cử các tàu và máy bay để theo dõi và giám sát. Đối chiếu với các thông tin quân sự thời gian thực của cơ quan Quốc phòng Đài Loan ngày 1/5, các máy bay chống ngầm Y-8 của Trung Quốc đã từ Biển Đông bay vào vùng biển phía đông Đài Loan qua eo biển Bashi và máy bay thu thập thông tin tình báo Y-9 đã vượt qua eo biển Miyako đến vùng biển phía đông Đài Loan, diễn ra đồng thời với các hoạt động của tàu Tân Châu, cho thấy có thể đây là cuộc tập trận liên hợp trên biển và trên không chống tàu ngầm của Trung Quốc.

Tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường Type 054A Tân Châu.
Tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường Type 054A Tân Châu.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều