Biển Đông 10/5: Nghị sĩ Úc dự báo xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ sớm nổ ra
Ngày 7/5, Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc vừa ra thông báo nước này sẽ tiến hành tập trận trên Biển Đông, gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ 8 đến 18 giờ, ngày 8 đến 15/5. Theo đó, tàu thuyền sẽ bị cấm vào khu vực trong suốt thời gian tập trận.
Ngoài cuộc tập trận gần đảo Hải Nam, ngày 9/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng thông tin Hải quân Trung Quốc và Indonesia đã tiến hành tập trận chung ở vùng biển ngoài khơi Jakarta, với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Liuzhou và Suqian của Trung Quốc, cùng tàu khu trục KRI Usman Harun và tàu tên lửa KRI Halasan của Indonesia, tiến hành các bài diễn tập thông tin liên lạc, hoạt động tìm kiếm cứu nạn và diễn tập đội hình, trong nỗ lực nhằm “cải thiện lòng tin và hợp tác giữa những căng thẳng ở Biển Đông”.
Cùng ngày 9/5, Macau Business dẫn thông báo từ công ty Offshore Oil Engineering Co. Ltd có trụ sở tại thành phố cảng Thiên Tân phía bắc Trung Quốc cho biết, mỏ dầu khí Liuhua 29-2 ở phía đông của Biển Đông đã được đưa vào hoạt động, dự kiến sẽ sản xuất hơn 420 triệu mét khối khí đốt tự nhiên vào năm 2021, đủ cho nhu cầu năng lượng của khoảng 8 triệu cư dân.
Một ngày sau, ngày 10/5, Global Times đưa tin một đơn vị trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự Tân Cương Trung Quốc hoạt động trên cao nguyên ở độ cao hơn 5.200 m, vừa tiếp nhận hệ thống phóng tên lửa hạng nặng tự hành kỹ thuật số mới PHL-03. PHL-03 có tính cơ động cao, tấn công tầm xa chính xác, có khả năng chống nhiễu, trang bị hệ thống định vị vệ tinh, giúp tăng khả năng tác chiến trong các nhiệm vụ như triển khai nhanh, chiếm giữ và kiểm soát các khu vực trọng yếu, tấn công ở nhiều loại địa hình, bao gồm địa hình cao và sa mạc cũng như gần sông hồ và trong mọi điều kiện thời tiết.
Những hoạt động của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là Hải quân trong thời gian tiếp tục làm dấy lên những lo ngại từ các bên liên quan. Ngày 6/5, The Diplomat cho đăng bài “Động cơ biển sâu của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông” cho biết, sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc trong khu vực đã đạt mức kỷ lục và theo kế hoạch sẽ còn tăng cường hơn nữa. Trung Quốc dần khẳng định sự hiện diện và ảnh hưởng của mình ở các khu vực tranh chấp, như Trường Sa và bãi cạn Scarborough, áp dụng chiến lược “bắp cải” xung quanh các tiền đồn xa xôi, trong khi bác bỏ các nghị quyết pháp lý và tránh xung đột quy mô lớn bằng cách tiếp cận chậm rãi và kiên nhẫn. Lý giải cho điều này, tác giả bài viết Mark Crescenzi và Stephen Gent cho rằng, do dưới đáy Biển Đông là nguồn cung cấp khoáng chất đất hiếm rất quan trọng đối với tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Trung Quốc không giấu giếm ý định trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất pin cung cấp năng lượng cho nhu cầu giao thông trong tương lai, cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử tinh vi. Trong khi đó, các thiết bị này lại bị lệ thuộc vào quá trình khai thác và tinh chế các nguyên tố đất hiếm.
Ngày 7/5, Asian Times cho đăng bài phân tích “Liên minh chống Trung Quốc hợp nhất ở Biển Đông” cho biết, lo ngại hành động leo thang của Trung Quốc và hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, ngày càng nhiều quốc gia có những phát ngôn và động thái kiên quyết hơn ở Biển Đông. Bài viết đưa ra dẫn chứng việc Nhật Bản đã thông báo 1 gói hỗ trợ quốc phòng mới cho Philippines theo cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông; công ty Austal của Úc sẽ tiếp quản xưởng đóng tàu Hanjin ở Vịnh Subic của Philippines… cho thấy các quốc gia đang dần hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ để chống lại các hành vi ngày càng manh động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cùng thời điểm này, Asian Military Review đưa tin, Nhật Bản đang cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Philippines (PAF) các thiết bị cứu sinh của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) theo chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), bao gồm búa khoan, máy cắt động cơ và thiết bị định vị thủy âm, giúp PAF tăng cường khả năng hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR). Các chuyên gia nhận định, động thái này của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ 2 nước trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trong một diễn biến khác tại khu vực Đông Nam Á, phản ứng trước việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông chỉ là “mảnh giấy” để “vứt vào sọt rác”, Phó Tổng thống Leni Robredo cho rằng tuyên bố trên là sai trái. Bà Leni Robredo nhắc nhở ông Duterte rằng: “Điều này không phải vấn đề của riêng chính quyền đương nhiệm vì chúng ta không mãi mãi nắm quyền. Nhiệm kỳ của chúng ta sẽ kết thúc vào năm sau. Trong khi đó, vấn đề trên lại có ý nghĩa quan trọng rất lớn với đất nước, sự quan trọng đó còn kéo dài rất lâu sau khi chúng ta kết thúc nhiệm kỳ. Vì vậy, đối với tôi, vấn đề này luôn cần được xem xét cẩn thận”.
Tại Indonesia, ngày 7/5, Naval News đưa tin Indonesia đã hạ thủy và bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên biển tàu tên lửa cỡ nhỏ nội địa, còn gọi là “thuyền tăng” (tank boat) vào ngày 28/4 tại vùng biển ngoài khơi Banyuwangi, Đông Java. Tàu dài 18 m với tốc độ tối đa 40 hải lý/giờ, có thể mang theo tối đa 60 binh sĩ, trang bị pháo 30 mmm và giàn phóng tên lửa phía đuôi tàu, giúp Lực lượng vũ trang Indonesia tuần tra và bảo vệ bờ biển, vận chuyển binh lính, hỗ trợ hỏa lực tầm gần và tầm xa bằng pháo hoặc tên lửa.
Cùng ngày, tại thủ đô Jakarta, nhân Tuần lễ kỷ niệm Ngày châu Âu (9/5), Phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Ban thư ký ASEAN đã tổ chức công bố Sách xanh quan hệ EU-ASEAN năm 2021, bao gồm hơn 110 trang đề cập đến các điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác phát triển của EU, các ưu tiên và tiến độ của các dự án trong nhiều lĩnh vực đã và đang được triển khai tại các nước thành viên ASEAN với sự hỗ trợ của EU.
Cũng trong ngày 7/5, liên quan đến tình hình căng thẳng leo thang tại đảo Đài Loan, Focus Taiwan đưa tin Thượng Viện Pháp hôm 6/5 đã thảo luận và thông qua một dự thảo nghị quyết ủng hộ Đài Loan tham gia nhiều hơn vào một số định chế đa quốc gia như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Interpol… Theo Thượng Nghị sĩ Alain Richard, người đề xuất dự thảo này, việc mời Đài Loan tham gia vào các chương trình nghiên cứu quốc tế và một số tổ chức đa quốc gia là vì “lợi ích đa chiều và để bảo đảm các định chế này vận hành tốt. Đài Loan sẽ góp phần phục vụ lợi ích chung của thế giới”. Ngoài ra, ông Alain Richard cũng lưu ý rằng, dự thảo này không nhằm vào Trung Quốc.
Hai ngày sau, ngày 9/5, Taiwan News đưa tin, các chuyên gia quân sự Đài Loan cảnh báo, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thay đổi chiến lược đánh chiếm Đài Loan trước năm 2026 trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các khí tài tiên tiến như vận tải cơ hạng nặng Y-20, tàu đổ bộ Type 075 nhằm cải thiện năng lực vận tải trực thăng, đổ bộ xa bờ bằng đường không cũng như thực hiện khả năng “răn đe” ngoài khơi Biển Đông và Hoa Đông.
Cùng thời điểm, Thượng nghị sĩ Úc Jim Molan cho rằng, xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể sẽ sớm xảy ra vì các bên đều được trang bị vũ khí, tuy nhiên điều này cũng có thể tránh khỏi.
Trần Anh