+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 14/6: Mỹ-Úc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, Trung Quốc nói ‘đừng phô diễn sức mạnh’

Trần Anh - 14/06/2021 18:00

Ngày 12/6, Nikkei đưa tin trong lúc căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, Việt Nam đang mở rộng lực lượng dân quân biển của mình ra khỏi bờ biển phía nam. Ngày 9/6, Việt Nam đã thành lập một hải đội mới mang tên Hải đội dân quân Thường trực tỉnh Kiên Giang, bao gồm 9 tàu và các trung đội được trang bị vũ khí hạng nhẹ và được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ bán quân sự, với sự hỗ trợ của Học viện Hải quân và Trường Cao đẳng Kỹ thuật hải quân.

Hải đội dân quân Thường trực tỉnh Kiên Giang.
Hải đội dân quân Thường trực tỉnh Kiên Giang.

Việc thành lập một lực lượng dân quân biển mới tại tỉnh Kiên Giang, hướng ra Vịnh Thái Lan, cho thấy Việt Nam coi trọng vị trí chiến lược khi mở rộng thăm dò và vận chuyển dầu khí trong khu vực. Theo Nikkei, đơn vị này sẽ bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá, tuần tra, cùng nhiều nhiệm vụ khác.

Liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông, The Scoop ngày 14/6 cho biết trong Sách Trắng Quốc phòng được công bố ngày 31/5, Brunei xác định tranh chấp Biển Đông là một trong những thách thức an ninh lớn mà chính phủ Brunei phải đối mặt, nhấn mạnh “việc quân sự hóa các thực thể hàng hải sẽ tiếp tục là mối quan ngại nghiêm trọng khi phạm vi tiếp cận của các quốc gia được mở rộng ra ngoài đường bờ biển và các vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của họ”. Để giảm bớt căng thẳng, Sách Trắng cho biết, các hành động của tập thể và của từng quốc gia là rất cần thiết để tăng cường an ninh hàng hải.

Trong một diễn biến liên quan đến căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Campuchia, Phnompenh Post ngày 13/6 đưa tin Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết Tùy viên quân sự Mỹ Marcus Ferrara đã bị các quan chức quân đội Campuchia từ chối cho phép tiếp cận toàn bộ cơ sở hạ tầng khi thăm căn cứ hải quân Ream, Campuchia vào ngày 11/6 và đã đề xuất lại một chuyến thăm khác với đầy đủ quyền tiếp cận vào thời điểm sớm nhất. Phản ứng lại, Bộ Quốc phòng Campuchia đã ra thông cáo cho biết, ông Ferrara bị từ chối do yêu cầu tiếp cận một địa điểm khác không nằm trong kế hoạch mà 2 bên đã thống nhất, chỉ trích tuyên bố của phía Mỹ là bịa đặt, khiêu khích, yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền Campuchia và tránh làm ảnh hưởng mối quan hệ 2 nước.

Trong bối cảnh khác, ngày 11/6, Epoch Times cho biết, ngày 4/6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội báo cáo đánh giá mới nhất về quân đội Trung Quốc, trong đó nhận định quân đội Trung Quốc không ngừng xem Mỹ là kẻ thù tưởng tượng của mình, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân sự, tiếp tục tăng cường khả năng dự bị, cải thiện khả năng trong các lĩnh vực chiến đấu khác nhau. Điều này đang làm xói mòn ưu thế quân sự của Mỹ trong một số trường hợp nhất định. Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm yếu của quân đội Trung Quốc, bao gồm việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu, không đủ huấn luyện chiến đấu thực tế, khả năng chiến đấu chung còn hạn chế, cơ cấu tổ chức mới chưa được thử nghiệm và phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về một số thiết bị và vật liệu quân sự.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phát đi các thông điệp phản ứng trước hoạt động của Mỹ trong khu vực. Ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng trước cuộc tập trận chung giữa Hải quân Mỹ – Úc. Được biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ và tàu hộ vệ HMAS Ballarat của Úc đã tiến hành cuộc tập trận từ ngày 6 đến 11/6 trên Biển Đông. Cuộc diễn tập bắt đầu với nội dung phối hợp di chuyển và tiếp nhiên liệu trên biển với sự tham gia của tàu hậu cần USNS Big Horn của Mỹ. Tàu chiến Mỹ và Úc đã diễn tập, phối hợp hoạt động trực thăng, bắn đạn thật và các hoạt động hàng hải khác, nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa Hải quân Mỹ và Úc, thể hiện cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực để duy trì trật tự quốc tế trên Biển Đông. Phản ứng lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, Mỹ và Úc nên “làm những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, thay vì phô diễn sức mạnh”.

Mỹ-Úc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đận thật trên Biển Đông.
Mỹ-Úc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đận thật trên Biển Đông.

Cùng ngày, Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về vấn đề Đài Loan và nguồn gốc virus COVID-19. Ông Dương Khiết Trì kêu gọi Mỹ “thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ quay trở lại quỹ đạo phát triển đúng đắn, theo tinh thần cuộc điện đàm giữa nguyên thủ 2 nước vào thời khắc Giao thừa” năm 2021; tái khẳng định vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, kêu gọi Mỹ “xử lý thận trọng thỏa đáng các vấn đề liên quan đến Đài Loan”, nhấn mạnh Trung Quốc không tìm cách đối đầu hay xung đột với Mỹ nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì
Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì

Một ngày sau, ngày 12/6, trong cuộc họp trực tuyến về giải trừ quân bị ở Geneva, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phản đối kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa và hệ thống phòng thủ ở các nước láng giềng; kêu gọi các nước tuân thủ các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải quyết vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua đàm phán, duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Ngày 13/6, Lực lượng Thủy quân lục chiến Indonesia và Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung “Reconex 21-II” tại khu vực rừng núi Tumpang Pitu Lampon, Pesanggaran, Banyuwangi Regency, Đông Java, Indonesia, tiến hành các bài diễn tập chiến thuật chiến tranh trong rừng, giúp trau dồi khả năng chiến đấu của Thủy quân lục chiến 2 nước, vốn phải đối mặt với địa hình chiến đấu nơi khu vực rừng rậm và đồi núi.

Trước đó, ngày 11/6, Bộ Quốc phòng Indonesia và tập đoàn công nghiệp hàng hải Fincantieri của Ý đã ký hợp đồng cung cấp 6 khinh hạm lớp FREMM và 2 khinh hạm lớp Maestrale đã qua sử dụng cùng hỗ trợ hậu cần liên quan cho Indonesia để giúp tăng cường năng lực Hải quân Indonesia, nhưng không tiết lộ giá trị thỏa thuận cũng như chi tiết về quá trình chuyển giao. Được biết, khinh hạm lớp FREMM nặng 6.000 tấn, tốc độ hoạt động 15 hải lý/giờ, được trang bị hệ thống radar điều khiển tích hợp như hệ thống Aegis trên chiến hạm Mỹ, trong khi khinh hạm lớp Maestrale có lượng giãn nước đầy tải 3.040 tấn, dài 122,7m và rộng 12,9m.

Khinh hạm lớp FREMM.
Khinh hạm lớp FREMM.
Khinh hạm lớp Maestrale.
Khinh hạm lớp Maestrale.

Ngày 12/6, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Hàn Quốc đang tham gia vào cuộc tập trận không quân 3 bên “Red Flag” với Mỹ và Nhật Bản ở Alaska từ ngày 10 đến 25/6, với sự tham gia của khoảng 1.500 nhân sự, bao gồm phi công, nhân viên phục vụ, kỹ thuật, bảo dưỡng và hỗ trợ với hơn 100 máy bay đến từ 20 đơn vị, giúp nâng cao khả năng tác chiến của 3 quốc gia và hỗ trợ an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Được biết, Không quân Hàn Quốc có mặt tại căn cứ không quân Eielson và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản tham gia tại căn cứ chung Elmendorf-Richardson.

Trong một diễn biến khác, tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Anh từ ngày 11 đến 13/6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ quan ngại về nhiều vấn đề liên quan Trung Quốc như những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cùng những hoạt động kinh tế không công bằng, không phù hợp với các giá trị của G7. Sau hội nghị, các lãnh dạo G7 đã ra tuyên bố chung cho biết, “Chúng tôi vẫn quan ngại nghiêm trọng về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, và phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”, nhấn mạnh “tầm quan trọng của hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và khuyến khích giải quyết hoà bình các vấn đề giữa 2 bờ eo biển”.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ quan ngại về nhiều vấn đề liên quan Trung Quốc như những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ quan ngại về nhiều vấn đề liên quan Trung Quốc như những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông

Bên lề hội nghị G7 ở Anh, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 13/6 đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson, sau đó các bên đã ra tuyên bố chung khẳng định “bối cảnh chiến lược ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương đang thay đổi và có lý do chính đáng để thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa 3 chính phủ”, đồng thời hoan nghênh các chuyến thăm và tập trận sắp tới của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Ngày 11/6 vừa qua, Hội nghị Nhóm làm việc quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+ WG) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, nhằm rà soát lần cuối công tác chuẩn bị về mọi mặt, cả về chương trình nghị sự và nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 16/6.

Ba ngày sau Hội nghị, ngày 14/6, Jakarta Post cho biết, cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ được tiếp tục vào tháng 7/2021 ở Jakarta, Indonesia, mặc dù các quan chức của cả 2 bên đều nghi ngờ về việc cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào khung thời gian dự kiến là cuối năm 2021. Việc tạm dừng kéo dài đã khiến mục tiêu 3 năm mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất vào năm 2018 ngày càng không thể thực hiện được.

Ngày 13/6, CBC đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến an ninh của NATO, kêu gọi lãnh đạo các nước trong khối NATO đưa ra chính sách chung cứng rắn hơn với Trung Quốc. Theo ông Jens Stoltenberg, Trung Quốc có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 trên thế giới, có hạm đội hải quân lớn nhất, đang đầu tư mạnh mẽ vào các thiết bị quân sự mới và ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Sputnik cũng dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, NATO cũng đang lên kế hoạch thay đổi Khái niệm chiến lược mới, nhằm cải tiến năng lực răn đe quốc phòng để đáp trả những thách thức an ninh ngày càng lớn từ Nga và Trung Quốc, và dự kiến công bố vào năm 2022.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều