Biển Đông 22/4: Mỹ lo sợ “mất uy tín” trước đối thủ Nga và Trung Quốc
Ngày 20/4, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc. Theo nhận định của trang Sputnik (Nga), lối tiếp cận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất đáng chú ý: vừa tinh tế, khéo léo khi kêu gọi các bên tiếp tục đóng góp vào hòa bình, ổn định chung ở khu vực, vừa cương quyết, mạnh mẽ khi nhấn mạnh bản chất mối quan hệ Việt – Trung phải trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Trong khuôn khổ an ninh khu vực, đặc biệt là các vấn đề trên biển Đông, trong 3 ngày từ 20 đến 22/4, tàu hộ vệ Akebono của Nhật Bản đã có chuyến thăm xã giao tại thành phố Hải Phòng. Đây là chuyến thăm theo kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi, góp phần duy trì, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản và hợp tác an ninh, quốc phòng giữa 2 nước.
Cũng tại Nhật Bản, ngày 21/4, Thủ tướng Yoshihide Suga trong cuộc họp toàn thể Hạ viện đã nhấn mạnh quân đội Nhật Bản sẽ không tham gia vào bất cứ tình huống quân sự nào xung quanh Đài Loan, khẳng định tuyên bố chung Mỹ-Nhật khuyến khích giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan một cách hòa bình. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật Bản nhận định chính quyền ông Suga đang mâu thuẫn trong vấn đề Đài Loan và đề nghị cần nhanh chóng xem xét thay đổi hoặc giải thích lại Hiến pháp cho phép triển khai quân đội ngăn kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin cũng đã điện đàm thảo luận về tình hình an ninh khu vực. Hai bên đã bày tỏ quan ngại về nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ở biển Đông và Hoa Đông như thông qua Luật Hải cảnh mới. Trong bối cảnh đó, 2 Ngoại trưởng đề xuất tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Philippines để duy trì trật tự hàng hải tự do, rộng mở dựa trên pháp luật.
Tại Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Malaysia vừa qua đã phát thông báo Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ tham dự hội nghị cấp cao các nước thành viên ASEAN vào ngày 24/4 tới tại thủ đô Jakarta của Indonesia, dự kiến sẽ thảo luận về các diễn biến và tình hình tại Myanmar.
Trong cùng khu vực, Phillipines gần đây đã tiến hành các hoạt động trái phép trên biển Đông, đặc biệt là tại khu vực Đá Ba Đầu của Việt Nam. Cụ thể, ngày 21/4, Lực lượng đặc trách quốc gia về biển Tây Philippines (NTF-WPS) cho biết nước này đang điều một lượng lớn khí tài Hải quân và Không quân đến tỉnh Palawan gần khu vực các tàu dân quân biển Trung Quốc xuất hiện trên biển Đông. Thông tin cho thấy các khí tài được triển khai gồm các tàu hộ tống như tàu BRP Miguel Malvar (PS-19), BRP Magat Salamat (PS-20), BRP Emilio Jacinto (PS-35), BRP Apolinario Mabini (PS-36), BRP Dagupan City (LS-551), BRP Ramon Alcaraz (PS-16), BRP Tarlac (LD-601) đến hỗ trợ các tàu tuần tra BRP Cabra (MRRV 4409), BRP Malapascua (MRRV 4403) của Cảnh sát biển Philippines cùng 2 tàu của Cục Nghề cá và nguồn lợi thủy sản. Tàu BRP Mangyan (AS-71) cùng khinh hạm BRP Jose Rizal (FF-150) và BRP Antonio Luna (FF-151) dự kiến cũng sẽ sớm được triển khai. Ngoài ra, 5 máy bay của Không quân và Hải quân Philippines cũng đang ở tỉnh Palawan để thực hiện các cuộc tuần tra trên không.
Phillipines cũng cung cấp cho tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) các bức ảnh và video từ các cuộc tuần tra tại Đá Ba Đầu, Việt Nam. Dựa trên các dữ liệu, AMTI xác định được 14 tàu dân quân biển Trung Quốc. Một bức ảnh được chụp trong chuyến tuần tra ngày 7/3 cho thấy 6 tàu được buộc chặt vào nhau tại Đá Ba Đầu, trong đó có thể xác định được 5 chiếc là Yuemaobinyu 42881, 42882, 42883, 42885 và 42886. Video quay trong chuyến tuần tra ngày 26-27/03 giúp xác định được tàu Yueyangxiyu 96523 và Yuezhanyu 08041. Video trong chuyến tuần tra ngày 12-13/4 giúp xác định được tàu Yuezhanyu 08039, 08042 và 08043; Yuexinhuiyu 60138 và 60139. Một bức ảnh trong cuộc tuần tra ngày 12-13/04 giúp xác định 2 tàu nữa là Yuexiayu 90122 và Yuezhanyu 08040.
Hoa Kỳ, đồng minh chiến lược của Phillipines, cũng có các động thái trước hoạt động leo thang của Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 22/4, Digit Patrox dẫn thông báo từ Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc cho biết Mỹ đã triển khai 1 máy bay trinh sát điện tử RC-135W và 1 máy bay tuần thám săn ngầm P-8A tuần tra tại biển Đông trong lúc quân đội Trung Quốc đang tổ chức diễn tập bắn đạn thật (chưa rõ vị trí cụ thể). Ngày 20/4, máy bay RC-135W cũng thực hiện chuyến bay “gần bất thường” dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc, trong phạm vi 40 hải lý từ thành phố Thanh Đảo, nơi đặt sở chỉ huy hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc. Trong cả 2 đợt tuần tra, máy bay RC-135W đều “biến mất” khỏi dữ liệu radar giám sát công khai khi bay qua khu vực phía đông tới phía bắc quần đảo Hoàng Sa.
Giới chức Hoa Kỳ những năm qua ngày càng quan ngại trước tốc độ phát triển và hiện đại hóa của Trung Quốc. Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ đã lên tiếng cảnh báo trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 20/4 rằng Mỹ đang bị “tụt hậu” so với Nga và Trung Quốc trong vấn đề hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Ông Richard nhấn mạnh Hoa Kỳ cần phải đầu tư nhiều hơn cơ sở hạ tầng và phòng thủ hạt nhân nếu không muốn bị “mất uy tín” trước các đối thủ.
Chung quan điểm về tốc độ hiện đại hóa của Trung Quốc, Tư lệnh Bộ chỉ huy Không gian Mỹ James Dickinson bày tỏ lo ngại về sự bứt phá của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là vệ tinh Shijian-17 với cánh tay robot có thể “tóm” các vệ tinh của Mỹ. Ông Dickinson cũng cho biết, Trung Quốc đã trang bị nhiều hệ thống laser trên mặt đất với các mức công suất khác nhau có thể làm mù hoặc làm hỏng các hệ thống vệ tinh.
Những quan ngại của 2 quan chức Quốc phòng Mỹ dường như càng được khẳng định khi chỉ một ngày sau, hôm 21/4, Tech Times đưa tin Trung Quốc đã gần hoàn tất việc phát triển và thử nghiệm động cơ mới WS-15 và dự kiến trang bị cho tiêm kích J-20 trong vòng 2 năm tới, có thể sánh ngang với động cơ F119 được sử dụng trên tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ, giúp tăng tính linh hoạt và khả năng chiến đấu của J-20.
Hơn nữa, Công ty Zhongtian Feilong Intelligent Technology của Trung Quốc cũng tuyên bố hôm 22/4 rằng hãng vừa hoàn thành nguyên mẫu máy bay tàng hình không người lái đa chức năng Feilong-2, có thể so sánh với B-21 Raider của Không quân Mỹ, được sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng như trung tâm chỉ huy, đường băng quân sự và tàu sân bay, hoặc tác chiến cùng 01 nhóm máy bay không người lái tiến hành tuần tra trinh sát và tấn công phủ đầu. Feilong-2 có tải trọng 6 tấn, bán kính hoạt động 7.000 km, bay ở độ cao gần 15 km, trang bị cảm biến quang học để xác định mục tiêu trong thời tiết xấu.
Về phía Nam Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Úc hôm 20/4 đã đăng những hình ảnh tập trận chung trên biển Đông cùng nước Pháp, với sự tham gia của khinh hạm HMAS Anzac và tàu tiếp nhiên liệu HMAS Sirius của Úc, cùng với tàu sân bay trực thăng LHD Tonnerre và khinh hạm Surcouf (F711) của Pháp. Bộ Quốc phòng Úc cho biết các chiến hạm của Úc và Pháp đã “làm việc và huấn luyện cùng nhau trong vài tuần trên khắp Đông Nam Á và Đông Bắc Ấn Độ Dương”. Việc triển khai này là 1 phần trong chương trình cam kết quốc tế lâu dài và mạnh mẽ của quân đội Úc, đồng thời thể hiện cam kết của Úc trong việc hợp tác với các đối tác trong khu vực để giải quyết những thách thức chung.
Chính sách đối ngoại của Úc, đặc biệt là mối quan hệ Úc – Trung Quốc thời gian qua có những căng thẳng mới. Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 21/4 cho biết sẽ hủy 2 thỏa thuận do bang Victoria ký kết với Trung Quốc về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường do những thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại của Úc. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc chỉ trích động thái vô lý và khiêu khích của Úc khiến quan hệ 2 nước trở nên trầm trọng hơn.
Khác với Úc, giới chức Đức tỏ ra thận trọng trong các mối quan hệ với Trung Quốc. Arab News ngày 22/4 đưa tin Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo việc tách rời khỏi Trung Quốc là một con đường sai lầm và khẳng định Đức muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc dù 2 bên có nhiều khác biệt. Theo ông Heiko Maas, hiện EU đang xem Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống.
T.H.