Biển Đông 17/6: Khinh hạm Trung Quốc bám đuổi tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông
Ngày 17/6, Apple Daily cho biết, trong khi tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông ngày 14/6 thì tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đang huấn luyện gần đảo Hải Nam đã quay trở về căn cứ ở Tam Á vào ngày 15/6. Tài khoản Twitter @lobsterlarryliu cũng đăng tải hình ảnh cho thấy một khinh hạm Type 054 của Hải quân Trung Quốc đang bám theo tàu sân bay USS Ronald Reagan ở biển Đông. Ngoài ra, nhóm sẵn sàng đổ bộ Mỹ USS America đã tiến hành hoạt động chung với tàu đổ bộ JS Shimokita của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản ở biển Philippines vào ngày 12 và 13/6, nhằm tăng cường khả năng tương tác với các đồng minh và đối tác.
Trong một diễn biến tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8, ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cho rằng tất cả các bên liên quan cần sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất. Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, Ấn Độ hy vọng các cuộc đàm phán COC sẽ dẫn đến kết quả phù hợp với luật pháp quốc tế, không gây tổn hại cho những quyền hợp pháp và lợi ích của các nước không phải là bên tham gia các cuộc đàm phán liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi mong muốn vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại, nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” và bày tỏ quan ngại trước Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định, Trung Quốc sẽ không “cúi đầu” trước các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và các “lợi ích cốt lõi” khác.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cho rằng tất cả các bên liên quan cần sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Trước đó, trong 2 ngày 14 và 15/6, Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Campuchia đã tổ chức chuyến tuần tra chung thường niên lần thứ 63 tại vùng nước lịch sử giữa 2 nước, với sự tham gia của tàu 251 thuộc Lữ đoàn 127, Vùng 5, Hải quân nhân dân Việt Nam và tàu 1142 thuộc Căn cứ biển Hải quân Hoàng gia Campuchia. Hai bên đã phối hợp luyện tập các nội dung như tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn trấn áp cướp biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ bất hợp pháp….
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình eo biển Đài Loan, ngày 16/6, sau vụ việc Trung Quốc điều 28 máy bay áp sát Đài Loan, Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang nhấn mạnh, đây là phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc cảnh báo đến “các thế lực nước ngoài” âm mưu can thiệp vào Đài Loan. Trong khi đó, một quan chức Đài Loan giấu tên nhận định, động thái này của Trung Quốc gửi thông điệp răn đe tới Mỹ và buộc Mỹ kiềm chế hành động trong khu vực. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple chỉ trích Trung Quốc đang phá hoại ổn định, an ninh khu vực; khẳng định duy trì các cam kết của Mỹ đối với Đài Loan, thúc đẩy quan hệ an ninh không chính thức để đảm bảo Đài Loan có đủ năng lực tự bảo vệ.
Cùng ngày, liên quan đến bức ảnh về tàu sân bay Type 003 của Trung Quốc đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải bị rò rỉ trên mạng trong vài tuần qua, hôm 16/6, chuyên gia Matthew Funaiole và James Bermudez Jr thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, tàu Type 003 có kích thước tương tự như các tàu sân bay lớp Kitty Hawk của Hải quân Mỹ, dự kiến sẽ có một trung tâm chỉ huy nhỏ hơn và sàn đáp lớn hơn nhiều so với những tàu trước đó, “giải phóng không gian” cho một phi đội máy bay lớn hơn so với con số khoảng 40 máy bay cánh cố định và trực thăng trên các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, giúp năng cường năng lực cho Hải quân Trung Quốc.
Trong một bối cảnh khác xoay quanh xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Construction World hôm 16/6 cho biết vào ngày 14/6, quân đội Ấn Độ đã vận chuyển xe tăng, súng pháo và các nguồn lực khác trên một đoàn tàu quân sự trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm “Hành lang chở hàng chuyên dụng” do Đường sắt Ấn Độ phát triển. Đoạn video vừa được công bố cho thấy một đoàn tàu đi từ bang Haryana, miền bắc Ấn Độ đến một địa điểm ở bang Rajasthan, miền tây Ấn Độ, mang theo nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, xe tự hành K9Vajra của Hàn Quốc, xe pháo 155mm, xe bọc thép… Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, cuộc thử nghiệm giúp mở đường cho việc nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động của Lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6, 2 bên đã ra tuyên bố chung, tái khẳng định “sự tuân thủ nguyên tắc không thể có bên nào thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được khơi lên cuộc chiến tranh như vậy”, cam kết sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược.
Cùng ngày, liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, ngày 16/6, Japan Times đưa tin, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị, trong đó tập trung thảo luận những vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Được biết, hội nghị dự kiến sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào cuối tháng 06/2021, với sự tham gia của Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim, Cục trưởng Cục Các vấn đề châu Á và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi và Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu Duk.
Trần Anh