+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 6/5: Hội Nghề cá Việt Nam gửi công văn phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

Trần Anh - 06/05/2021 18:00

Ngày 5/5, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, bày tỏ quan điểm phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay lệnh cấm đánh bắt cá trên, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, an toàn cho ngư dân Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo.

Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông.
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông.

Cùng ngày, ABS-CBN đưa tin, Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cáo buộc Hải cảnh Trung Quốc đã “theo dõi, ngăn chặn, thách thức qua sóng radio và di chuyển nguy hiểm” gần 2 tàu BRP Gabriela Silang và BRP Sindangan của Cảnh sát biển Philippines đang tuần tra và tập trận trong vùng biển gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông vào ngày 24 và 25/4. Được biết, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối các hành động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough vào đầu tuần này.

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon.

Trong một diễn biến xung quanh Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại London, ngày 5/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông. Trước đó, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian bên lề hội nghị, 2 bên đã nêu quan ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, khẳng định Luật này có thể gây đe dọa về mặt an ninh tại các vùng biển trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông.

Cùng ngày, trang Kyodo News của Nhật Bạn cũng dẫn lời các chuyên gia nhận định về chuyến thăm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (Anh). Theo Kyodo News, động thái trên nhằm ủng hộ các đồng minh trong khu vực, thực hiện tự do hàng hải và thể hiện tính dân chủ, đồng thời cho thấy Anh đang có “sự thay đổi lớn” trong chiến lược do những thách thức gây ra bởi tham vọng trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu Anh có thể duy trì được sự hiện diện tại khu vực hay không, trong bối cảnh Anh vẫn không muốn làm mất lòng Trung Quốc do mối quan hệ kinh tế và giao thương giữa 02 nước.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ có chuyến thăm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Một sự thay đổi về chính sách, chiến lược cũng là vấn đề được Điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ – Thái Bình Dương Kurt Campbell đề cập trong một phát biểu gần đây. SCMP ngày 5/5 đưa tin, ông Campbell cho biết, Mỹ cần phải điều chỉnh lại chính sách, chiến lược ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với đồng minh để bảo vệ lợi ích, trong bối cảnh Trung Quốc phớt lờ các lời chỉ trích và sức ép từ nhiều nước và tiếp tục đẩy mạnh các hành động mang tính quyết đoán hơn ở khu vực mà Trung Quốc có lợi ích cốt lõi như biển Hoa Đông hay Biển Đông.

Cùng ngày, Nikkei dẫn lời cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm Mỹ Tom Shugart nhận định, tàu ngầm Trung Quốc có những điểm yếu khó khắc phục bao gồm cả về mặt địa lý, theo đó tàu ngầm Trung Quốc phải đi qua nhiều điểm then chốt (khu vực nước nông) và eo biển khác nhau để đến vùng nước sâu, khiến dễ bị phát hiện và bị đánh chặn trong trường hợp nổ ra xung đột. Vì vậy, Mỹ cần lên kế hoạch hợp tác chặt chẽ với đội tàu ngầm của đồng minh như Úc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc (chạy bằng diesel – điện, ít tiếng ồn, có thể trực tiếp đi thẳng vào vùng biển sâu) để đối phó tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khá bất ngờ và tiềm ẩn nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực, các nghị sĩ đối lập của quốc đảo Thái Bình Dương Kiribati vừa cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch nâng cấp 1 đường băng chiến lược và 1 cây cầu ở hòn đảo Kanton của Kiribati (từng được Mỹ sử dụng cho các chiến dịch theo dõi tên lửa và không gian trong Thế chiến II) cách Hawaii khoảng 3.000 km về phía Tây Nam, cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng biến nơi đây thành “tàu sân bay cố định” nhằm tăng cường lực lượng cũng như ảnh hưởng trong khu vực để chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Ảnh chụp vệ tinh đường băng trên đảo Kanton.
Ảnh chụp vệ tinh đường băng trên đảo Kanton.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều