+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 13/5: Gần 300 tàu cá cùng tàu tên lửa Trung Quốc xuất hiện gần Trường Sa, Việt Nam

Trần Anh - 13/05/2021 18:00

Ngày 12/5, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm cùng người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Hai bên đã chia sẻ tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường đoàn kết, duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông; phối hợp đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính điện đàm cùng người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-chan.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính điện đàm cùng người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-chan.

Tại Philippines, ngày 12/5, Lực lượng đặc trách quốc gia về biển Tây Philippines (NTF-WPS) cho biết đã phát hiện ít nhất 287 tàu Trung Quốc xuất hiện rải rác gần quần đảo Trường Sa trong cuộc tuần tra ngày 9/5. Được biết, ngoài các tàu dân quân biển, 2 tàu tên lửa lớp Hồ Bắc của Trung Quốc cũng được nhìn thấy tại Đá Vành Khăn, cùng với 2 tàu hậu cần và 1 tàu tuần duyên của Việt Nam tại cụm Sinh Tồn Đông. Tại Đá Ba Đầu và Đá Gạc Ma thuộc cụm Sinh Tồn Đông, có sự xuất hiện lần lượt của 34 và 77 tàu dân quân biển khác của Trung Quốc. NTF-WPS cũng báo cáo việc các tàu hải cảnh Trung Quốc “bám theo và thách thức” tàu của lực lượng tuần duyên và Cục Thủy sản Philippines gần bãi cạn Scarborough, theo đó NTF-WPS tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ quyền chủ quyền, quyền lợi và quyền tài phán quốc gia trong khu vực.

Trả lời câu hỏi liên quan đến vụ việc tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Là quốc gia ven biển và là thành viên của Công ước UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác lập phù hợp với công ước”, bà nói.

Hình ảnh các tàu Trung Quốc do NTF-WPS cung cấp.
Hình ảnh các tàu Trung Quốc do NTF-WPS cung cấp.
Tàu tên lửa Type 022 lớp Hồ Bắc.
Tàu tên lửa Type 022 lớp Hồ Bắc.

Sự kiện trên diễn ra khi 1 lữ đoàn không quân trực thuộc Tập đoàn quân số 71 của Quân đội Trung Quốc (PLA) cũng tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật ở biển Hoàng Hải, theo Global Times đưa tin ngày 12/5. Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều máy bay trực thăng tấn công Z-19, trong đó máy bay không người lái trinh sát dẫn đường cho trực thăng tấn công tên lửa vào các mục tiêu trên biển ngoài tầm nhìn, một kỹ thuật có thể nâng cao hiệu quả chiến đấu, phát huy tiềm năng tối đa của tên lửa và tăng khả năng sống sót của máy bay trực thăng.

Trực thăng tấn công Z-19 trong cuộc tập trận của Tập đoàn quân 71 của PLA.
Trực thăng tấn công Z-19 trong cuộc tập trận của Tập đoàn quân 71 của PLA.

Trong một diễn biến khác trong khu vực, ngày 12/5, tờ Post Guam (Mỹ) đưa tin, tàu căn cứ di động viễn chinh USS Miguel Keith (ESB 5) sẽ được triển khai đến Tây Thái Bình Dương vào mùa hè này và sẽ đi đầu trong các cuộc xung đột toàn cầu, chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Được biết, tàu Miguel Keith trị giá 525 triệu USD, dài 239 m, rộng 50 m và mớn nước khoảng 12 m, với boong tàu đủ rộng để trực thăng MH-53 và chiến cơ F-35B của Mỹ cất cánh. Tàu Miguel Keith sẽ được triển khai vĩnh viễn bên ngoài nước Mỹ, với căn cứ hoạt động đầu tiên sẽ ở Saipan, quần đảo Bắc Mariana. Trang Archyde dẫn lời Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Nam của Mỹ Craig Faller cho biết, Mỹ có thể triển khai tàu Miguel Keith đến Biển Đông để đối phó Trung Quốc.

Tàu căn cứ di động viễn chinh USS Miguel Keith.
Tàu căn cứ di động viễn chinh USS Miguel Keith.

Cùng ngày, Nikkei đưa tin Mỹ đang lên kế hoạch đánh giá lại lực lượng quân sự ở Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm chuẩn bị cho sự cạnh tranh với Trung Quốc. Cụ thể, Lục quân Mỹ đang đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á để bổ sung thêm các căn cứ quân sự mới, xây dựng 1 lực lượng phối hợp nhằm tăng khả năng răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc mở rộng thêm căn cứ sẽ khó khăn do các nước vẫn lo ngại bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, ảnh hưởng lợi ích quốc gia và chưa sẵn sàng chấp nhận đưa ra các “quyết định chính trị”.

Trước đó, ngày 11/5, Người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ (USSF), Tướng John W. Raymond cảnh báo các tia laser trên mặt đất và các vũ khí không gian (có khả năng gây nhiễu, giả mạo tín hiệu) của Trung Quốc đang đe dọa các vệ tinh GPS, làm gián đoạn các hoạt động quân sự của quân đội Mỹ; kêu gọi Mỹ phải hành động nhanh chóng và khẩn cấp để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tướng John W. Raymond, Người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ (USSF).
Tướng John W. Raymond, Người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ (USSF).

Các hoạt động gây bất ổn trong khu vực cũng đã khiến các quốc gia phương Tây thay đối chiến lược. Ngày 12/5, RFI cho biết, từ 2 năm nay, Pháp từng bước thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Pháp nhận thấy chủ quyền, lợi ích của Pháp trong vùng biển rộng lớn này bị tham vọng bá quyền của Trung Quốc đe dọa. Cụ thể, chiến lược của Pháp được điều chỉnh trên 2 mặt, ngoại giao và quân sự. Về mặt ngoại giao, lần đầu tiên Pháp họp cấp Bộ trưởng với Ấn Độ và Úc ngày 13/4 đề cập đến những lợi ích chung. Về mặt quân sự, lần đầu tiên tàu sân bay duy nhất của Pháp Charles-de-Gaulle đến Thái Bình Dương năm 2019 và cũng lần đầu tiên Pháp triển khai tàu ngầm hạt nhân Emeraude ở Biển Đông vào tháng 2/2021.

Cùng ngày, công ty Hanwha Defense của Hàn Quốc cho biết đã đề nghị cung cấp cho quân đội Ấn Độ xe tăng hạng nhẹ K21-105 theo hình thức hợp tác “sản xuất tại Ấn Độ”, trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Được biết, xe tăng K21-105 nặng khoảng 25 tấn, có khả năng cơ động vượt trội, được trang bị pháo 105mm, có thể bắn tên lửa Falarick 105 GLATGM dẫn đường bằng laser với tầm bắn 05 km và đầu đạn song song có khả năng xuyên 550 mm thép.

Tăng hạng nhẹ K21-105 do Hanwha Defense sản xuất.
Tăng hạng nhẹ K21-105 do Hanwha Defense sản xuất.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều