+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 19/5: Chuyên gia khẳng định sân bay Lý Sơn là phép thử trước sự bành trướng của Trung Quốc

Trần Anh - 19/05/2021 18:00

Ngày 18/5, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có bài viết cho rằng Việt Nam không nên xây dựng sân bay ở đảo Lý Sơn, lý do vì đảo Lý Sơn quá nhỏ, việc xây dựng sân bay sẽ tốn rất nhiều đất trên đảo; số người qua lại trên đảo Lý Sơn không nhiều, trong khi mật độ sân bay ở Việt Nam đã khá dày đặc.

Chuyên gia nhận định trái chiều về việc xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn.
Chuyên gia nhận định trái chiều về việc xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn.

Theo ông Doanh, hiện Việt Nam đã có nhiều sân bay như Côn Đảo, là sân bay có thể mở rộng và sân bay Phú Quốc có thể sử dụng cho mục đích quân sự khi cần thiết. Trái ngược quan điểm, chuyên gia Biển Đông Hoàng Việt không phản đối việc xây sân bay, nhấn mạnh việc xây dựng sân bay sẽ đáp ứng được mục tiêu du lịch, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam và là phép thử các phản ứng từ Trung Quốc, tuy nhiên dự án này cần có sự đánh giá lại từ các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như quân sự, quốc phòng, an ninh và kinh tế.

Liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã tuyên bố không công nhận việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến 16/8, khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vi phạm công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và “không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế”.

Lực lượng cảnh sát biển Philippines hoạt động trên Biển Đông.
Lực lượng cảnh sát biển Philippines hoạt động trên Biển Đông.

Cùng ngày, Aljazeera đưa tin, sau khi ra lệnh cấm các quan chức trong nội các phát ngôn công khai về Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng giải thích rằng lệnh cấm này không đồng nghĩa với việc Philippines thoái lui quan điểm trong việc bảo vệ chủ quyền, khẳng định chiến dịch tuần tra hàng hải sẽ tiếp tục được thực hiện và các lực lượng chức năng của Philippines cũng đã nhận được chỉ đạo về các bước tiếp theo cần thực hiện để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trong một bối cảnh khác liên quan đến tình hình căng thẳng tại eo biển Đài Loan, ngày 17/5, NTDTV đưa tin, các sĩ quan và binh sĩ Lữ đoàn Hỗ trợ An ninh Quân đội Mỹ (SFAB) đã đóng quân tại Trung tâm Kiểm tra và Thử nghiệm Liên hợp quận Bắc của Lực lượng Huấn luyện Lục quân ở Hồ Khẩu, Tân Trúc, Đài Loan vào tháng 4/2020 với tư cách là cố vấn, theo đó quan sát quá trình huấn luyện và đưa ra hướng dẫn cho tác chiến trên bộ, trên không và trên biển của Tiểu đoàn vũ trang Đài Loan tại căn cứ này. Các chuyên gia nhận định, quân đội Mỹ và Đài Loan đã bí mật tiến hành các cuộc trao đổi quân sự, tập trận chung và phối hợp huấn luyện trong chiến tranh đặc biệt trong nhiều năm, và việc tiết lộ các hoạt động này được cho là phản ứng trước việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các sức ép quân sự lên Đài Loan.

Sĩ quan và binh sĩ SFAB đã đóng quân tại Trung tâm Kiểm tra và Thử nghiệm Liên hợp quận Bắc của Lực lượng Huấn luyện Lục quân ở Hồ Khẩu, Tân Trúc, Đài Loan.

Theo sau hoạt động của SFAB, ngày 19/5, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur đã thực hiện một “chuyến đi thường lệ qua eo biển Đài Loan” vào ngày 18/5, nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực tự do và rộng mở; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Cùng ngày, Đài Loan xác nhận tàu USS Curtis Wilbur đã đi về hướng Nam thông qua eo biển và “tình hình vẫn như bình thường”.

Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur.
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur.

Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông Trung Quốc Zhang Chunhui cáo buộc động thái của Mỹ đã gửi đi tín hiệu sai cho Đài Loan, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực, và nhấn mạnh đã theo dõi và giám sát chặt chẽ khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển.

Trước đó, vào 17/5, Epoch Times cho biết kể từ đầu năm 2021, máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập không phận Đài Loan tổng cộng 114 ngày, với 325 hồ sơ bị trục xuất; kể từ tháng 5/2021, máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập không phận Đài Loan tổng cộng 14 ngày, với 25 hồ sơ bị trục xuất. Mặc dù Trung Quốc liên tục quấy rối Đài Loan, liên tục tung ra các video về các cuộc tập trận quân sự, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, hành động của Trung Quốc chỉ mang ý nghĩa đe dọa, tuyên truyền, và sức mạnh quân sự hiện tại của Trung Quốc là không đủ, theo đó khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan là không cao.

Một ngày sau, ngày 18/5, SCMP đưa tin, Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông Trung Quốc, cùng Chiến khu Miền Bắc và Miền Nam đã tiến hành cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa và tấn công phòng thủ nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm tập trận, với sự tham gia của tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Type 052D Zibo và Xiamen, khinh hạm Anyang Type 054A, cùng tàu hộ tống Type 056 Huangshi, Nanchong và Wenshan. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm kiểm tra và đánh giá toàn diện năng lực hoạt động của một đội hình hải quân trong tình huống thực chiến, tăng cường khả năng và chuẩn bị cho chiến tranh, trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng từ Mỹ.

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Type 052D.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Type 052D.
Khinh hạm Anyang Type 054A.
Khinh hạm Anyang Type 054A.

Trong một diễn biến khác liên quan đến cuộc tập trận chung “Jeanne D’Arc 21” giữa 4 nước Mỹ – Nhật – Pháp – Úc diễn ra ở vùng Tây Nam Nhật Bản được cho là nhằm vào Trung Quốc, ngày 17/5, Vision Times đưa ra đánh giá về sự “bất thường” của cuộc tập trận. Theo Vision Times, trước đó Mỹ, Nhật Bản và Úc cũng đã từng có cuộc tập trận chung, điểm bất thường là cuộc tập trận lần này được tổ chức tại Nhật Bản và Pháp cũng tham gia. Thông thường, Pháp sẽ không tham gia vào các cuộc tập trận bảo vệ các đảo nhỏ của mình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tuy nhiên có 2 lý do chính khiến Pháp “bước chân” vào khu vực này, bao gồm ý thức hệ và địa chính trị.

Cuộc tập trận chung "Jean D'Arc 21" có sự tham gia của 4 nước Mỹ - Nhật - Pháp - Úc.
Cuộc tập trận chung “Jean D’Arc 21” có sự tham gia của 4 nước Mỹ – Nhật – Pháp – Úc.

Về mặt ý thức hệ, đối với hệ thống dân chủ phương Tây, đây là cuộc đấu tranh sinh tử: Phương Tây lo sợ sự bành trướng và nguy cơ thống trị của Trung Quốc sẽ khiến hệ thống dân chủ rơi vào khủng hoảng. Do đó, Anh, Đức và Pháp ra sức can thiệp vào khu vực để trấn áp, không để Trung Quốc bành trướng. Một khi Trung Quốc bành trướng, không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ sẽ bị tổn thất, mà thậm chí Anh, Đức và Pháp cũng sẽ gặp khó khăn.

Cùng lúc, tại Hoa Kỳ, Thượng viện Mỹ ngày 17/5 đã bỏ phiếu với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống để tổ chức cuộc tranh luận về dự luật “Đạo luật Biên giới Vô tận” (Endless Frontier Act) cho phép đầu tư hơn 110 tỷ USD cho nghiên cứu công nghệ cơ bản và tiên tiến trong 5 năm tới, nhằm đối phó với sức ép cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc. Theo lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Thượng viện Mỹ sẽ thảo luận dự luật này trong vòng 1 đến 2 tuần bắt đầu từ ngày 18/5.

Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận “Jeanne D’Arc 21”, ngày 18/5, DW News đưa tin, các tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã lần lượt xuất hiện tại các vùng biển xung quanh Okinawa và Hokkaido của Nhật Bản để theo dõi và giám sát cuộc tập trận, khiến căng thẳng khu vực gia tăng. Cụ thể, 03 tàu chiến của Trung Quốc, gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Nam Kinh, tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường Type 054A Dương Châu và tàu tiếp liệu tổng hợp Type 903 Cao Bưu Hồ, đã từ biển Hoa Đông tiến vào Thái Bình Dương qua eo biển Miyako vào ngày 16/5. Trong khi đó, 6 tàu của Nga cũng đã lần lượt tiến vào Thái Bình Dương theo từng đợt qua eo biển Soya, gồm 2 tàu tuần tra lớp Trentur, 1 tàu y tế lớp Obriver, 1 tàu thăm dò đại dương vào ngày 15/5; tàu khu trục Đô đốc Panteleyev lớp Dreadnought và 1 tàu tiếp liệu vào ngày 16/5.

Tàu khu trục Đô đốc Panteleyev lớp Dreadnought.
Tàu khu trục Đô đốc Panteleyev lớp Dreadnought.

Liên quan đến vấn đề hợp tác “Bộ Tứ” mà Nhật Bản là một thành viên, ngày 18/5, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Moon Jae-in sẽ rời Hàn Quốc vào chiều ngày 19/5 để công du tới Mỹ trong 5 ngày, tham gia cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 21/5, trong đó thảo luận các vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tình hình đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Mỹ có thể đưa vấn đề hợp tác với “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, vào nội dung thảo luận.

Cùng ngày, World KBS cho biết, Hàn Quốc dự kiến sẽ điều máy bay chiến đấu F-15K, máy bay vận tải và hàng chục binh sĩ để tham gia cuộc tập trận không quân đa quốc gia thường niên “Red Flag-Alaska 21-2” do Mỹ dẫn đầu. Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 25/06 tại Alaska, Mỹ, với sự tham gia của Nhật Bản và một số quốc gia khác nhằm cải thiện khả năng tương tác của lực lượng không quân các nước.

Ngay sau công bố của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, ngày 18/5, trong cuộc phỏng vấn với Kyodo News, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Kong Xuanyou chỉ trích “Bộ tứ” mang tư tưởng Chiến tranh Lạnh và hoàn toàn lỗi thời, kêu gọi Nhật Bản từ bỏ chính sách ngoại giao nối gót Mỹ và củng cố các mối quan hệ “hòa bình và hữu nghị vĩnh viễn” với Trung Quốc như đã cam kết trong Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật – Trung 1978.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều