Biển Đông 2/6: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ từ ‘lãnh thổ di động’ của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngày 1/6, Hội thảo lần thứ 3 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, phối hợp với Bộ Ngoại giao các nước Ấn Độ, Úc, Canada và Liên minh Châu Âu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu khẳng định vai trò quan trọng của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 như “Hiến pháp” của đại dương, là khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức mới nổi lên sau khi Công ước được thông qua.
Ngày 2/6, liên quan việc Trung Quốc hoàn tất việc lắp đặt giàn khoan “Biển sâu số 1” tại khu vực Lăng Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của ĐH KHXH&NV TP.HCM Nguyễn Thành Trung nhận định giàn khoan Trung Quốc hoạt động như một “lãnh thổ di động”, do đó Việt Nam cần theo dõi sát di chuyển của giàn khoan trên.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Trung cũng cảnh báo, Trung Quốc muốn cho khu vực “quen thuộc” với hình ảnh giàn khoan thông qua việc phô trương sự vượt trội về mặt kỹ thuật và kích thước, từ đó sẽ hạn chế các phản ứng gây xung đột mạnh mẽ nếu giàn khoan được kéo vào khu vực tranh chấp.
Trước đó, ngày 1/6, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo, Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại vùng biển có bán kính 06 km từ tọa độ 21o 14,87 vĩ bắc/109o 32,75 kinh đông vào ngày 2/6 và tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực tập trận. Kết quả đối chiếu tọa độ này lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở phần biển thuộc Trung Quốc ở vịnh Bắc bộ.
Cùng thời điểm này, Không quân hoàng gia Malaysia (RMAF) cho biết đã phát hiện 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc, gồm Ilyushin il-76 và Xian Y-20, đã tới gần không phận Malaysia vào ngày 31/5, trong phạm vi dưới 60 hải lý ngoài khơi bang Sarawak, trên phần đảo Borneo thuộc Malaysia, sau khi chúng có “hoạt động đáng ngờ ở Biển Đông”. Theo đó, RMAF đã điều chiến đấu cơ Hawk 208 từ căn cứ không quân Labuan để theo dõi và ngăn chặn các máy bay trên, đồng thời chỉ trích hành động này là mối đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền quốc gia, an toàn hàng không Malaysia. Cùng ngày, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết sẽ gửi công hàm phản đối và yêu cầu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia phải giải trình về hành động xâm phạm chủ quyền này. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia tuyên bố các vận tải cơ trên đang thực hiện các bài huấn luyện bay, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và không hề xâm phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào.
Trong một diễn biến khác trong khu vực, ngày 1/6, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc cũng như việc xây dựng các cơ sở tại căn cứ Hải quân Ream của Campuchia ở Vịnh Thái Lan. Bà Sherman yêu cầu phía Campuchia làm rõ việc phá dỡ tòa nhà do Mỹ tài trợ tại đây; đồng thời cảnh báo căn cứ Trung Quốc tại Campuchia sẽ làm tổn hại chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ – Campuchia; kêu gọi Campuchia duy trì chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng, vì lợi ích tốt nhất của người dân Campuchia. Các chuyên gia tại Campuchia cảnh báo việc cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ tại đây sẽ khiến Campuchia bị cuốn vào chiến trường cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung.
Cùng ngày, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John Aquilino đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, theo đó 2 bên nhất trí phối hợp, tăng cường quan hệ đồng minh để đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở; đồng thời phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở khu vực bao gồm Biển Đông và Hoa Đông.
Một ngày sau, ngày 2/6, tại cuộc họp trực tuyến Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ngày 1/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ hợp tác liên minh, đồng thời gợi ý rằng NATO nên tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Úc, New Zealand và Hàn Quốc, trong bối cảnh NATO đang tìm cách tăng cường khả năng đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Được biết, Mỹ, Úc và các đối tác cũng đang dự kiến tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong 2 tuần từ 14 đến 31/7, theo thông tin từ Quân đội Úc (ADF). Cuộc tập trận diễn ra tại một số căn cứ và khu vực huấn luyện quân sự, trong đó các nội dung tập trận chủ yếu diễn ra ở bang Queensland và ngoài khơi bờ biển phía Đông Úc. Cuộc tập trận nhằm tăng cường và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu giữa các lực lượng, với sự tham gia của 17.000 binh sĩ, trong đó 1.800 binh sĩ đến từ các nước đồng minh và đối tác bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Anh.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng cho biết muốn gặp riêng người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte và hy vọng ông Duterte sẽ gia hạn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa 2 nước, nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Mỹ – Philippines vào tháng 7/2021.
Liên quan đến sự hiện diện của Hoa Kỳ tại eo biển Đài Loan, ngày 31/5, Taiwan News cho biết, nhiều đơn vị đặc nhiệm Mỹ sẽ được triển khai đến Đài Loan để huấn luyện cùng với các đối tác Đài Loan, sau khi cuộc tập trận “Han Kuang 37” của Đài Loan kết thúc. Được biết, cuộc tập trận Han Kuang 37 dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 16/7, với khoảng 8.000 binh sĩ tham gia, nhưng theo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, thời gian và quy mô tổ chức tập trận sẽ được điều chỉnh dựa theo diễn biến dịch Covid-19 ở Đài Loan. Theo chuyên gia Su Tzu-yun thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, việc Mỹ điều động lính đặc nhiệm tới Đài Loan cho thấy Mỹ lo sợ khả năng Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan.
Trần Anh