Biển Đông 27/4: Cảnh sát biển Việt Nam – Trung Quốc tuần tra chung trên Biển Đông
Ngày 26/4, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự phát triển toàn diện quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước; kêu gọi quân đội 2 nước tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin chiến lược, duy trì hòa bình và ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết khác biệt, nhất là vấn đề biển Đông.
Cùng ngày, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát Biển Trung Quốc bắt đầu tiến hành tuần tra chung từ điểm số 21 đến điểm số 29 trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ từ ngày 26 đến 28/4, với sự tham gia của biên đội tàu 8004 và 8003 của Việt Nam. Theo đó, 2 bên tiến hành tuần tra theo đội hình 2 hàng dọc song song nhau ở 2 bên đường phân định và trong phạm vi của mỗi nước, với khoảng cách giữa 2 biên đội là 0,5 hải lý.
Cũng tại khu vực Biển Đông, Japan Times ngày 27/4 đưa tin, Bộ ngoại giao Nhật Bản vừa công bố Sách Xanh ngoại giao 2021, theo đó đề cập chi tiết và cụ thể hơn về những hành vi của Trung Quốc tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quân đội thiếu minh bạch, đơn phương mở rộng, tăng cường hoạt động quân sự, thực hiện thay đổi hiện trạng tại khu vực gây lo ngại mạnh mẽ đối với an ninh thế giới và khu vực, bao gồm cả Nhật Bản.
Trước đó 1 ngày, hôm 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, nhất trí tăng cường hợp tác về công nghệ, chống đại dịch COVID-19…, khẳng định tầm quan trọng của quan hệ 2 nước và hợp tác đa phương, bao gồm hợp tác giữa các nước trong nhóm “Bộ tứ” trong việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành động đơn phương ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó có Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.
Phát biểu của Thủ tướng Suga diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài nguyên Trung Quốc hôm 26/4 công bố bản đồ địa hình quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Nhật đã lên tiếng phản đối thông qua các kênh ngoại giao.
Truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng 1 bến tàu lớn đủ để phục vụ cho tàu sân bay và tàu đổ bộ cỡ lớn tại căn cứ hải quân ở Djibouti, đồng thời cũng đang tìm kiếm các cơ hội lập căn cứ khác tại khu vực châu Phi, nhằm giúp Hải quân Trung Quốc có thể bành trướng thế lực bên ngoài phạm vi biển Đông và biển Hoa Đông.
Liên quan đến các xung đột tại khu vực đảo Đài Loan, ngày 26/4, các quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan đã lên tiếng trước việc Trung Quốc đưa vào biên chế 3 tàu chiến mới, trong đó có tàu đổ bộ tấn công Type 075 có khả năng đe dọa tấn công đến Đài Loan. Tuyên bố khẳng định hệ thống phòng thủ hiện nay trên quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình, Việt Nam hiện do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông có khả năng ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng từ quân đội Trung Quốc.
Được biết, Đài Loan đã triển khai pháo phòng không 40 mm, pháo cối 120 mm, 292 quả rocket Kestrel đến 02 đảo này và lính thủy đánh bộ đến quần đảo Đông Sa để tăng cường khả năng phòng thủ.
Tại Anh Quốc, Sky News ngày 26/4 đưa tin, nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, bao gồm 08 chiến đấu cơ tàng hình F35B, 6 tàu hải quân Hoàng gia, 1 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, 14 máy bay trực thăng hải quân và 1 đại đội thủy quân lục chiến, dự kiến sẽ lên đường đến khu vực châu Á vào tháng 5, bao gồm hoạt động tại biển Đông, và sẽ ghé thăm nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết tàu khu trục Mỹ USS The Sullivans sẽ gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong chuyến thăm trên. Theo đó, tàu chiến Mỹ sẽ hỗ trợ cho hạm đội của Anh khả năng phòng không và chống hạm trong suốt hành trình.
T.H.