+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 15/6: Căng thẳng leo thang, Mỹ – Trung đồng loạt tiến hành tập trận trên Biển Đông

Trần Anh - 15/06/2021 18:00

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Việt Nam Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 14/6, 2 bên đã trao đổi, khẳng định về tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông; nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương.

Thủ tướng Việt Nam Chính phủ Phạm Minh tại cuộc điện đàm.
Thủ tướng Việt Nam Chính phủ Phạm Minh tại cuộc điện đàm.

Liên quan thông tin Việt Nam thành lập 2 Hải đội dân quân thường trực tại Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang, ngày 14/6, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương nhận định Việt Nam đầu tư cho dân quân biển là một bước đi hợp lý, để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt khi Trung Quốc đang tiến hành hàng loạt các biện pháp mà các nhà phân tích hay gọi là “vùng xám”. Trả lời câu hỏi về việc liệu dân quân biển Việt Nam có thể “đe doạ” lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc hay không, ông Nguyễn Thế Phương khẳng định, Trung Quốc mới chính là bên đe dọa lợi ích về chủ quyền của Việt Nam và các nước khác ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc sẽ có những chỉ trích mạnh mẽ về động thái này của Việt Nam, tuy nhiên Mỹ và phương Tây chỉ xem đây là biện pháp phòng thủ của Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc.

Trong khi đó, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 15/6 đã thảo luận về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và các động thái gần đây của Trung Quốc. Ngày 16/6, ASEAN sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), với sự tham gia của 8 quốc gia đối tác quan trọng, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng, sự kiện lần này đánh dấu cơ hội quan trọng để 2 cường quốc và các đối tác khác thảo luận về các vấn đề địa chính trị.

Được biết, vào ngày 14/6, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập thực chiến kéo dài 5 ngày tại các vùng biển thuộc Biển Đông, với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Nam Ninh (Hull 162), tàu tiếp nhiên liệu toàn diện Type 901 Tra Can Hồ (Hull 967), tàu đổ bộ Type 071 Kỳ Liên Sơn (Hull 985). Đây là lần đầu tiên tàu Nam Ninh tham gia một cuộc tập trận trong một báo cáo chính thức, cho thấy tàu Nam Ninh đang đạt được khả năng chiến đấu với tốc độ nhanh chóng và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Nam Ninh (Hull 162).
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D Nam Ninh (Hull 162).
Tàu đổ bộ Type 071 Kỳ Liên Sơn (Hull 985).
Tàu đổ bộ Type 071 Kỳ Liên Sơn (Hull 985).

Cùng ngày, Swarajyamag đưa tin, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thử nghiệm máy bay ném bom tàng hình chiến lược mới Xian H-20, bắt đầu từ ngày 8 đến 22/6 tại căn cứ không quân Khotan, phía nam khu tự trị Tân Cương, cách các khu vực tranh chấp ở biên giới với Ấn Độ chỉ khoảng 250-400km, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Được biết, máy bay Xian H-20 có thể mang tải trọng lớn, được thiết kế để đối phó với các máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ tại khu vực tranh chấp Ladakh cũng như bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại khu vực.

Máy bay ném bom tàng hình chiến lược mới Xian H-20.
Máy bay ném bom tàng hình chiến lược mới Xian H-20.

Cùng thời điểm Trung Quốc diễn tập thực chiến, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đã tiến hành tập trận ở Biển Đông, với sự tham gia của các tiêm kích F/A-18F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và trực thăng MH-60R Sea Hawk cất và hạ cánh trên boong tàu. Được biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, cung cấp lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ Mỹ và các lợi ích hàng hải chung của những đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Cũng trong ngày 14/6, Lục quân Mỹ đã công bố video về cuộc diễn tập trung tâm chỉ huy (CPX) trên máy tính, mô phỏng các cuộc không kích phá hủy 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Cuộc diễn tập cho thấy lo ngại của Mỹ trong bối cảnh hệ thống phòng không tầm xa do Nga sản xuất đang ngày càng phổ biến, gây cản trở cho kế hoạch tác chiến và buộc Mỹ phải điều chỉnh những nhiệm vụ trong tương lai. Được biết, đây là một phần trong cuộc diễn tập thường niên quy mô lớn “African Lion 2021” diễn ra tại Morocco từ ngày 7 đến 18/6, với sự tham gia của quân đội Mỹ và Morocco.

Liên quan đến Thỏa thuận Lự lượng thăm viếng (VFA) giữa Philippines và Mỹ, ngày 14/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết nước này sẽ tiếp tục hoãn quyết định hủy VFA thêm 6 tháng nữa (tới tháng 2/2022) để Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “nghiên cứu” và mở ra cơ hội cho Philippines và Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan mà ông Duterte còn lo ngại. Đáp lại, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hoan nghênh quyết định của Philippines, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Philippines trong việc duy trì an ninh, củng cố trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần thời gian “nghiên cứu” và mở ra cơ hội cho Philippines và Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan mà ông Duterte còn lo ngại.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần thời gian “nghiên cứu” và mở ra cơ hội cho Philippines và Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan mà ông Duterte còn lo ngại.

Ngày 14/6, Khmer Times dẫn lời Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết, Campuchia ủng hộ mạnh mẽ đối với “Luật chống trừng phạt của nước ngoài” của Trung Quốc, được thông qua với mục đích chống lại “chủ nghĩa bá quyền” và “chính trị cường quyền” của một số nước phương Tây; khẳng định Campuchia ủng hộ chủ nghĩa đa phương, các luật hỗ trợ, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Thời gian gần đây, mối quan hệ ngoại giao giữa Campuchia và Hoa Kỳ đã có những biến động, đặc biệt là các vấn đề xung quanh căn cứ Ream.

Ngày 14/6,Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Nhật Bản đã đơn phương hủy cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Anh) sau khi Hàn Quốc quyết định tiến hành tập trận gần nhóm đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản vào ngày 15/6. Trong khi đó, Kyodo cho biết, cuộc gặp giữa các lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không được tổ chức chừng nào tranh chấp còn chưa được giải quyết.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều