+
Aa
-
like
comment

Biển Đông 22/7: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu quan điểm cứng rắn ngay trước chuyến công du Việt Nam

Trần Anh - 22/07/2021 18:00

Ngày 21/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ trì tổ chức Tọa đàm bàn tròn cấp cao trực tuyến với chủ đề “Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng đến 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản”. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hợp tác cũng như hỗ trợ của Nhật Bản cho các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong ứng phó đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc vụ thứ nhất Bộ Ngoại giao Nhật Bản Washio Eiichiro khẳng định, Nhật Bản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác hiệu quả với ASEAN, cùng ứng phó với các thách thức từ môi trường khu vực và quốc tế đang biến chuyển sâu sắc, khó lường; đồng thời mong muốn hai bên tập trung triển khai Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN-Nhật Bản về Quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ -Thái Bình Dương (AOIP).

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ trì tổ chức Tọa đàm bàn tròn cấp cao trực tuyến với chủ đề “Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng đến 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản”.

Cùng ngày, phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Nhóm bạn bè của Công ước LHQ năm 1982 về luật biển (UNCLOS) vào ngày 21/7, có chủ đề là “Tầm quan trọng của UNCLOS trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 của LHQ về bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương (SDG 14)”. Theo đó, đại diện các nước thành viên đã thảo luận về thách thức hiện nay như ô nhiễm môi trường biển, các hành vi sử dụng biển và đại dương thiếu bền vững, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của các tranh chấp trên biển đối với phát triển bền vững; đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển dựa trên luật lệ, góp phần vào thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trong một diễn biến khác, ngày 21/7, Tổng giám đốc Tập đoàn Trực thăng Nga (Russian Helicopters) Andrei Boginsky khi được đề nghị đánh giá về thị trường trực thăng tại Việt Nam đã chia sẻ, Việt Nam là thị trường lớn đối với trực thăng Nga và mong muốn mở rộng hiện diện trong lĩnh vực dân sự. Ông cũng tiết lộ, năm 2018, Tập đoàn Trực thăng Nga đã thực hiện hành trình biểu diễn qua nhiều nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là điểm đến đầu tiên tại khu vực. Phía Tập đoàn Trực thăng Nga đã nhận được một số đề nghị từ tập đoàn Vietsopetro về trực thăng Ansat, nhưng chưa đến giai đoạn thương thảo.

Trong một bối cảnh khác, trước khi khởi hành chuyến công du 3 nước Đông Nam Á bao gồm Singapore, Việt Nam và Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ông Austin đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó nhấn mạnh Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước Đông Nam Á như một biện pháp để kiềm chế các hoạt động quân sự mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Lloyd Austin cho biết, “Chúng tôi không tin rằng bất kỳ quốc gia nào có thể ra lệnh cho các quy tắc, hoặc tệ hơn, ném chúng qua cửa sổ. Tôi cũng sẽ nói rõ quan điểm của chúng tôi đối với một số tuyên bố vô ích và vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông”. Được biết, ông Austin sẽ khởi hành vào ngày 23/7, dừng lại ở Alaska trước khi đến khu vực, và có bài phát biểu trong sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức tại khách sạn Fullerton ở Singapore vào ngày 27/7. Trong bài phát biểu, ông Austin sẽ tranh luận về “một trật tự khu vực công bằng, cởi mở và bao trùm hơn”, thảo luận về cách mà Mỹ và đồng minh đang thực hiện để cập nhật và hiện đại hóa các năng lực nhằm đáp ứng các thách thức quốc phòng của thế kỷ 21.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã khởi hành chuyến công du 3 nước Đông Nam Á bao gồm Singapore, Việt Nam và Philippines

Trước thềm chuyến công du 3 của ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, ông không thấy bất kỳ hành động thù địch nào bùng phát ở Biển Đông, bất chấp các cuộc tập trận gia tăng giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực. Theo Bộ trưởng Delfin Lorenzana thì cả hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc đều công khai thừa nhận rằng họ không muốn có bất kỳ xung đột nào ở Biển Đông. Ông Delfin Lorenzana cho biết, Philippines có thể tuân thủ Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, nhưng bất kỳ động thái nào viện dẫn Hiệp ước này sẽ được các nhà lập pháp xem xét kỹ lưỡng.

Cùng thời điểm chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đã có cuộc hội đàm giữa cùng những người đồng cấp Nhật Nhật Bản Takeo Mori và Hàn Quốc Choi Jong-kun vào ngày 21/7. Trong đó, các bên khẳng định liên minh của họ vẫn là “nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng”, tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Mỹ và Nhật Bản đã nêu quan ngại về việc Trung Quốc thúc đẩy chủ quyền ở Biển Đông và quần đảo Senkaku. Các bên đã tái khẳng định cam kết hợp tác phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng không đạt được tiến bộ nào trong việc cải thiện quan hệ Nhật – Hàn.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại cuộc hội đàm giữa cùng những người đồng cấp Nhật Nhật Bản Takeo Mori và Hàn Quốc Choi Jong-kun vào ngày 21/7.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman cũng sẽ có chuyến thăm và gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và nhiều quan chức khác vào ngày 25 và 26/7 tại thành phố Thiên Tân, phía đông nam thủ đô Bắc Kinh, nhằm thúc đẩy các giá trị và lợi ích của Mỹ và điều chỉnh quan hệ hai nước một cách có trách nhiệm. Ngoài ra, bà Wendy Sherman cũng sẽ thảo luận những vấn đề mà Mỹ rất quan ngại về các hành động của Trung Quốc cũng như những lĩnh vực phù hợp lợi ích chung hai nước. Truyền thông Mỹ nhận định, chuyến thăm của bà Sherman sẽ giúp tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại mang tính sâu sắc hơn và có thể cả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm 2021.

Liên quan đến các tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc vào ngày 21/7, Đại sứ Nhật Bản tại Úc Shingo Yamagami đã kêu gọi chính quyền Thủ tướng Scott Morrison xem xét các cuộc tập trận quân sự chung với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản đã báo cáo về sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc. Đại sứ Nhật Bản cho rằng, các nước cùng chí hướng phải “hợp lực” để giải quyết những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia đã áp đặt vị thế ngày càng quyết đoán ở cả Biển Đông và Hoa Đông. Ông Shingo Yamagami bác bỏ lập luận của một số nhà phân tích cho rằng chính phủ Nhật Bản có một chiến lược hiệu quả hơn Úc khi đối phó với Trung Quốc, nhấn mạnh Nhật Bản và Úc đang ở trên “cùng một con thuyền” và cần phải hợp tác.

Tại eo biển Đài Loan, ngày 21/7, Đài Loan cho biết đang tăng tốc đóng tàu ngầm nội địa và mua ngư lôi từ Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép. Cụ thể, chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan sẽ có chuyến hải hành vào tháng 9/2023 thay vì 2024, trước khi được đưa vào hoạt động vào năm 2024, đồng thời tiến độ mua 46 quả ngư lôi hạng nặng MK 48 Mod 6 từ Mỹ sẽ được đẩy nhanh vào năm 2026, thay vì tới năm 2028.

Cùng ngày, Ấn Độ cho biết lô máy bay thứ 7 gồm 3 máy bay chiến đấu Rafale đã đến Ấn Độ sau khi bay liên tục trong khoảng cách gần 8.000 km từ Pháp, nhằm tăng cường khả năng tấn công của Không quân Ấn Độ (IAF). Ấn Độ đã ký một thỏa thuận liên chính phủ với Pháp vào tháng 9/2016 để mua 36 máy bay chiến đấu Rafale với chi phí khoảng 8,7 tỉ USD. Như vậy, số lượng máy bay Rafale của IAF đã tăng lên 24 chiếc và phi đội máy bay mới sẽ đóng tại căn cứ không quân Hasimara ở Tây Bengal. Được biết, máy bay Rafale có khả năng mang nhiều loại vũ khí mạnh như tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, tên lửa hành trình Scalp và hệ thống vũ khí MICA.

Lô máy bay thứ 7 gồm 3 máy bay chiến đấu Rafale đã đến Ấn Độ sau khi bay liên tục trong khoảng cách gần 8.000 km từ Pháp, nhằm tăng cường khả năng tấn công của Không quân Ấn Độ (IAF).

Cùng thời điểm, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công hai loại tên lửa nội địa, nhưng không tiết lộ chi tiết. Cụ thể, tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai (MPATGM) đã đạt được mục tiêu đề ra là bắn trúng mục tiêu giả định với độ chính xác cao và xác nhận được tầm bắn tối thiểu và tối đa của tên lửa; trong khi đó, tên lửa đất đối không Akash thế hệ mới thử nghiệm tại bãi thử gần bang Odisha, miền đông Ấn Độ, đạt được khả năng cơ động cần thiết để đánh chặn mục tiêu đang di chuyển nhanh như tên lửa và máy bay. Giới chức Ấn Độ cho biết, các cuộc thử nghiệm vũ khí, khí tài nội địa thành công đã mang lại “động lực lớn” dành cho quân đội Ấn Độ.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều