Biển Đông dậy sóng khi Philippines sở hữu tên lửa siêu thanh BrahMos?
Philippines có thể đang đàm phán với Ấn Độ về điều khoản mua hàng nhằm ký hợp đồng mua tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos nhanh nhất thế giới vào năm sau.
“Quân đội Philippines đã đạt sự đồng thuận về hệ thống tên lửa BrahMos. Vấn đề hiện tại là đàm phán giá cả và chúng tôi hy vọng thỏa thuận sẽ được hoàn tất trong năm 2020”, quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên tiết lộ hôm qua.
New Delhi ưu tiên phương án cấp tín dụng để Manila mua tên lửa BrahMos, khoản vay sẽ phụ thuộc vào số lượng hệ thống Philippines muốn sở hữu. Tuy nhiên, Manila cũng xem xét khả năng sử dụng ngân sách quốc phòng năm sau để đặt mua vũ khí này.
“Nhằm tăng cường năng lực phòng thủ bờ biển, quân đội Philippines muốn mua tên lửa BrahMos do Ấn Độ sản xuất, đây được coi là tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới”, Thiếu tướng Reynaldo Aquino, Phó Tư lệnh Lục quân Philippines.
Người phát ngôn của quân đội Philippines, Trung tá Ramon Zagala đã xác nhận rằng, Thiếu tướng Reynaldo Aquino và sĩ quan chỉ huy tàu Sahyadri, Đại úy Ashwin Arvind đã thảo luận về khả năng giao dịch tên lửa BrahMos, loại tên lửa có thể được phóng từ tàu chiến, máy bay, tàu ngầm hoặc trên đất liền.
Nếu có trong tay loại tên lửa sát thủ này, năng lực tác chiến của hải quân Phillpine sẽ tăng lên đáng kể.
BrahMos là sản phẩm của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga – Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli), được Moscow chế tạo riêng cho New Dehli trên cơ sở loại tên lửa đối hạm siêu âm nổi tiếng P-800 Yakhont thuộc tổ hợp tên lửa bờ đối hải K-300P Bastion.
Cái tên “BrahMos” được ghép và viết tắt từ tên hai con sông: Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga. Chính vì vậy, người Ấn luôn viết hoa từ “Mos” trong chữ BrahMos.
Siêu tên lửa này có tầm bắn 300km, đầu đạn nặng 250km, bay trên độ cao tối đa 14km, thông thường 10km với vận tốc chạm ngưỡng siêu vượt âm, gấp hơn 3 lần vận tốc của tên lửa hành trình cận âm Tomahawk của Mỹ.
Các quy định về vận tốc tên lửa như sau: dưới Mach1 là tốc độ hạ âm, từ Mach1 – Mach3 là siêu âm, từ Mach3 – Mach5 là siêu vượt âm và từ Mach5 trở lên được quy định là tốc độ siêu thanh.
Điểm ưu việt nhất của BrahMos được phóng theo cơ chế bắn – quên, tức là sau khi phóng đi không cần thêm bất kỳ một điều khiển nào khác, nó tự động nhận tính hiệu định vị từ vệ tinh rồi tự thân vận động đến mục tiêu.
Trên đường bay nó còn có khả năng biến tốc và đổi hướng 2 lần để tránh sự phát hiện của radar phòng thủ tên lửa đối phương.
Trên hành trình bay, BrahMos có thể tiếp nhận 2 kênh điều khiển của 2 loại vệ tinh khác nhau, vừa bay theo điều khiển của tín hiệu GPS của vệ tinh Mỹ, vừa có thể hành trình theo sự dẫn đường của hệ thống thông tin vệ tinh GLONASS của Nga.
Vào cuối đường bay, nó tự động ngắt các liên hệ với vệ tinh và tự động hạ thấp độ cao xuống 5-15m so với mặt biển, kích hoạt đầu dẫn tự động, định vị mục tiêu chính xác tới cự ly hàng mét, đảm bảo không một mục tiêu nào có thể chạy thoát.
Hải quân Ấn Độ bắt đầu thử nghiệm tên lửa BrahMos từ năm 2005. Họ dự định ưu tiên trang bị nó trên lớp tàu khu trục tên lửa “Rajput”, sau đó mới trang bị cho các loại tàu chiến khác.
Hiện BrahMos đã có đủ 3 biến thể phóng từ trên bộ, trên không và trên hạm.
Cùng với tốc độ bay cực nhanh, khả năng biến tốc, đổi hướng và độ cao bay đoạn cuối sát mặt biển, nó không để các hệ thống phòng thủ tên lửa có cơ hội phát hiện chứ đừng nói là đánh chặn.
Có thể nói, đây là một trong những dự án thành công nhất trong lịch sử hợp tác công nghiệp quốc phòng Nga – Ấn.
Quan chức Ấn Độ trước đó cho biết nhiều quốc gia cũng tỏ ý quan tâm tới hệ thống BrahMos, nhưng chưa có thỏa thuận nào được thống nhất. “Một số quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng mua tên lửa diệt hạm BrahMos, đó sẽ là địa điểm xuất khẩu đầu tiên của dòng vũ khí này”, thiếu tướng hải quân S K Iyer, quan chức tập đoàn BrahMos Aerospace, phát biểu hồi tháng 5.
Việt Hùng