Biển Đông 2021 còn nhiều thách thức
Theo các chuyên gia, năm 2021 sẽ là một năm đan xen nhiều yếu tố mà kết quả sau cùng thì có lẽ chỉ là bất ổn tăng thêm trên Biển Đông.
Đó là điều mà các chuyên gia quốc tế lo ngại khi trả lời PV liên quan dự báo về tình hình Biển Đông trong năm 2021 do các hành động khó lường của Trung Quốc, nhất là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập.
Thừa nước đục thả câu
Điểm lại năm 2020, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để liên tục có nhiều hành vi gây rối ở Biển Đông.
Tháng 4.2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh cũng tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận – huyện để kiểm soát các quần đảo trên Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh củng cố hạ tầng, điều động chiến đấu cơ và máy bay quân sự đến các đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp.
Trung Quốc còn điều động một tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải cảnh đến hoạt động ở các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan và tiến vào Biển Đông để tập trận.
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cũng cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để có những hành vi hung hăng ở Biển Đông, biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. “Tuy nhiên, có lẽ Bắc Kinh sẽ chưa có hành động gây căng thẳng mới mà chờ xem ông Joe Biden, khi trở thành tổng thống Mỹ, thì sẽ đưa ra chính sách như thế nào đối với Trung Quốc”, PGS Nagy dự báo.
Trong khi đó, trả lời PV, ông Gregory B.Poling (Giám đốc chương trình AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) nhận định: “Tình hình sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm 2021, khi hải quân và hải cảnh Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh các cuộc tuần tra, tập trận trong năm 2020. Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhiều chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc bởi nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng chính trị Mỹ về nhiều vấn đề an ninh liên quan hàng hải và Biển Đông”.
Tương tự, TS Nagao đánh giá: “Năm 2021, Mỹ dự kiến sẽ có chính quyền mới nhưng nhiều khả năng sẽ không thay đổi trong quan điểm đối với Trung Quốc. Trong tháng 12.2020, Mỹ đã ký thông qua các đạo luật về Đài Loan và Tây Tạng. Diễn biến này không chỉ đến từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump mà còn có cả sự đồng thuận từ lưỡng đảng của quốc hội Mỹ. Chính vì thế, ngay cả khi Mỹ thay đổi chính quyền mới, thì quan hệ giữa Washington – Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng”.
Từ hứa hẹn
Trả lời PV, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) dự báo: “Tình hình Biển Đông có cả hứa hẹn lẫn thách thức trong năm 2021”.
Cụ thể, về các dấu hiệu hứa hẹn, ông cho rằng năm 2020 do dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kinh tế, các nước ASEAN không có nhiều cơ hội để thúc đẩy tiến trình hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc. Giờ đây, các nước trong khu vực bắt đầu các kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sẽ phần nào cải thiện tình hình đại dịch, nên giúp tình hình kinh tế cũng khởi sắc hơn, ASEAN và Trung Quốc sẽ có cơ hội thúc đẩy quá trình đàm phán COC.
“Dù chưa thể biết tính hiệu quả của việc thực thi COC, nhưng việc thỏa thuận được COC phần nào tạo ra tín hiệu lạc quan cho việc kiểm soát rủi ro xung đột ở Biển Đông”, TS Koh kỳ vọng.
Bên cạnh đó, từ sự đồng thuận của lưỡng đảng chính trị Mỹ về các thách thức an ninh lâu dài liên quan Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống tân cử Joe Biden khó có khả năng đảo ngược những chính sách đối với Bắc Kinh mà Tổng thống Donald Trump đã đưa ra như trừng phạt một số công ty Trung Quốc đã tham gia quá trình xây dựng hạ tầng và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.
“Tuy nhiên, chính quyền của ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ những luận điệu như cách ông Trump truyền đi khi lên án Bắc Kinh”, TS Koh dự báo và cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ có cách tiếp cận có sự tham vấn, hợp tác nhiều hơn với các đồng minh, đối tác trong việc đưa ra chính sách liên quan vấn đề Biển Đông.
Đến thách thức
Thế nhưng, TS Koh cho rằng đừng nên quá kỳ vọng nhiều vào những hứa hẹn trên về một bức tranh tươi sáng cho Biển Đông. Bởi theo ông, tuy đã có kế hoạch tiêm chủng vắc xin nhưng thực tế tình hình đại dịch Covid-19 vẫn khó lường, dẫn đến những cản trở cho nỗ lực hoàn thành COC.
TS Koh lo ngại Trung Quốc có đồng thuận về COC khi nước này cho rằng thỏa thuận về một cơ chế như thế sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh về một chính sách đối ngoại cứng rắn mà ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, đang muốn xây dựng, nhất là khi năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Bên cạnh đó, từng có nhiều sự cố căng thẳng đã xảy ra ở Biển Đông trong quá khứ”, ông Koh lo ngại và dẫn lại vụ máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ và một chiến đấu cơ đánh chặn của Trung Quốc đã va chạm trên bầu trời ở khu vực Biển Đông vào năm 2001 khiến phi công Trung Quốc tử vong, còn máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Vụ việc sau đó đã trở nên căng thẳng.
Hay vụ tàu khảo sát hải dương hải quân Mỹ USNS Impeccable bị 5 tàu Trung Quốc áp sát vào tháng 3.2009 ở Biển Đông, khiến cho tàu Mỹ phải phun nước về tàu đối phương, rồi dẫn đến những căng thẳng sau đó giữa hai nước.
Từ những gì đã xảy ra trong quá khứ, TS Koh lo ngại Bắc Kinh sẽ có động thái gây ra sự cố ở Biển Đông để “thử lửa” chính quyền của ông Joe Biden về cách phản ứng. Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ra đời, ông Koh đặt ra rủi ro: “Một sự cố giữa Mỹ với Trung Quốc trên Biển Đông có thể là cách để Bắc Kinh kích động sự ủng hộ của người dân đối với nhà cầm quyền về một đất nước mạnh mẽ”.
Chính vì thế, TS Koh cho rằng năm 2021 sẽ là một năm đan xen nhiều yếu tố mà kết quả sau cùng thì có lẽ chỉ là bất ổn tăng thêm trên Biển Đông.
“Tất cả các bên sẽ tránh và tìm cách giảm thiểu các căng thẳng. Nhưng dù không đến mức bùng nổ thành xung đột vũ trang, thì các hành vi cưỡng ép, áp đặt quân sự của Trung Quốc và các vụ “ăn miếng trả miếng” giữa Washington với Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ diễn ra”, ông Koh kết luận khi dự báo tình hình Biển Đông năm 2021.
Liên minh duy trì tự do hàng hải sẽ được mở rộng
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang trong năm 2020. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thành công trong việc hợp tác cùng nhiều nước khác về hàng hải như Mỹ, Nhật… Trong khi đó, Philippines vẫn còn dao động giữa Mỹ với Trung Quốc, dù thực tế Manila cũng thể hiện sự mong muốn Washington hiện diện nhiều hơn ở khu vực.
Sắp tới, khả năng thay đổi lớn nhất về chính sách đối với khu vực là Mỹ sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống của nước này. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden có lẽ sẽ giữ nguyên các chính sách về Biển Đông mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra vào năm 2020. Qua đó, liên minh duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ được mở rộng với sự tham gia thường xuyên hơn của các nước châu Âu, chứ không chỉ dừng lại với Mỹ, Nhật Bản và Úc.
Sự hợp tác giữa Ấn Độ với 3 thành viên còn lại của “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) sẽ ổn định, và nếu tình hình biên giới Ấn Độ – Trung Quốc căng thẳng thì New Delhi có thể sẽ hợp tác với các đối tác mạnh mẽ hơn tại Biển Đông. Cuộc tập luyện chung vừa qua của hải quân Ấn Độ với hải quân Việt Nam cho thấy New Delhi đã sẵn sàng tham gia nhiều hơn tại Biển Đông.
GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản)
Trung Quốc kiểm tra năng lực của hạ tầng quân sự ở Trường Sa ?
Tờ South China Morning Post ngày 1.1 trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy máy bay vận tải quân sự cỡ lớn Y-20 của Trung Quốc vừa hạ cánh ở bãi đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Máy bay vận tải Y-20 có tầm bay khoảng 7.500 km và có khả năng chở theo khoảng 55 tấn hàng hóa.
Hình ảnh được cho là chụp từ vệ tinh vào ngày 25.12.2020. Tờ báo dẫn lời một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết đây là lần đầu tiên máy bay Y-20 hạ cánh ở Trường Sa và động thái này nhằm kiểm tra năng lực của hạ tầng sân bay mà Bắc Kinh xây dựng tại quần đảo này.
(Theo TNO)