Biển Đông 10/6: Tàu hải cảnh Trung Quốc lộng hành trên vùng biển Việt Nam
Ngày 9/6, liên quan việc Malaysia cáo buộc Trung Quốc điều 16 máy bay bay vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế Malaysia, ngày 9/6, Dân Việt đăng bài viết “Liên tiếp quấy đảo vùng biển, Trung Quốc lại quấy đảo vùng trời Biển Đông” của Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục.
Theo TS. Trần Công Thục nhận định, qua việc tăng cường điều máy bay xuống quấy rối Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai một cuộc diễn tập ở quy mô chiến dịch có sự hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, trên không, cùng với những hoạt động dân sự, kinh tế, chính trị, pháp lý, ngoại giao… nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công xâm lược mới, độc chiếm Biển Đông, biến hầu hết vùng biển, vùng trời, hải đảo trên Biển Đông trở thành “ao nhà” để họ dễ bề thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”.4
Được biết, cùng thời điểm ngày, tàu hải cảnh 5302 của Trung Quốc đã thực hiện 4 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực Lô 05.3 và Lô 06.1 vào các ngày 25/5, 28/5, 31/5 và 3/6 với mục tiêu vẫn là giàn khai thác mỏ Lan Tây (Lô 06.1) và giàn khai thác mỏ Hải Thạch (Lô 05.2). Trong khi đó, tàu nghiên cứu khoa học biển Gia Canh của Trung Quốc sau khi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Philippines đã hoạt động gần khu vực bãi Macclesfield vào ngày một và 02/6 và đảo Đông Sa từ ngày 04/6.
Trước đó, ngày 8/6, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu, tức vịnh Bắc Bộ, nằm ở vùng biển thuộc Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, từ ngày 9 đến 18/6. Theo đó, mọi tàu thuyền bị cấm ra vào khu vực trong thời gian diễn ra cuộc tập trận.
Cùng ngày, The Drive dẫn một bức ảnh lan truyền trên mạng chụp mô hình tàu sân bay mới Type 003 do Trung Quốc tự phát triển và tiêm kích hạm FC-31, J-15 và trực thăng Z-18 đậu trên sàn đáp giả của Type 003, xuất hiện tại một cơ sở hàng không của Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán. Đây có thể sẽ là những chiến cơ được sử dụng trên tàu sân bay mới Type 003 đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó FC-31 sẽ đóng vai trò chính. Được biết, mô hình FC-31 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011, và nguyên mẫu đầu tiên cất cánh vào tháng 10/2012, nguyên mẫu thứ 2 mang một số cải tiến về khí động học, sử dụng động cơ nội địa WS-13E thay cho động cơ RD-93 của Nga và cất cánh lần đầu vào tháng 12/2016.
Một ngày sau, ngày 9/6, Global Times đưa tin, Lực lượng tên lửa của Trung Quốc vừa tiến hành các cuộc tập trận với tên lửa đạn đạo DF-26 vào ban đêm, tập trung tiến hành nhiều đợt tấn công và khai hỏa liên tục và nhanh chóng vào các mục tiêu đang di chuyển như tàu chiến, giúp cải thiện khả năng chiến đấu của binh sĩ trong điều kiện ánh sáng kém và tầm nhìn thấp vào ban đêm cũng như tăng khả năng sống sót trên chiến trường.
Cũng trong ngày ngày 9/6, SMH đưa tin dự luật mới của Trung Quốc mang tên “Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt nước ngoài” đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc vào ngày 7/6 và sẽ được cơ quan lập pháp này thông qua vào ngày 10/6, nhằm phản ứng trước việc các quốc gia khác áp lệnh trừng phạt lên các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức và các quan chức Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia, ngày 10/6, Khmer Times đưa tin, trong cuộc hội kiến giữa Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở thành phố Trùng Khánh vào ngày 8/6, 2 bên đánh giá cao quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc – Campuchia, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ củng cố và làm sâu sắc hơn “quan hệ hữu nghị bền vững”, tăng cường hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân 2 nước, với quan điểm xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – Campuchia”.
Tại Philippines, ngày 9/6, Manila Times cho biết, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Cirilito Sobejana đã đến thăm đảo Thị Tứ vào ngày 7/6 để giám sát kế hoạch chuyển đổi hòn đảo thành một trung tâm hậu cần, nhằm duy trì sự hiện diện của quân đội Philippines trên đảo Thị Tứ. Tư lệnh Cirilito Sobejana đã cố hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm lần này để tránh gây ra căng thẳng, nhưng cũng khẳng định đảo Thị Tứ là lãnh thổ của Philippines và Philippines có thể thực hiện mọi kế hoạch để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành chỉ thị nội bộ yêu cầu Lầu Năm Góc tập trung toàn lực để thực hiện các sáng kiến do Lực lượng đặc nhiệm về Trung Quốc của Mỹ đề xuất, nhằm đối phó các thách thức từ Trung Quốc. Theo đó, các sáng kiến này nhằm giúp cải thiện năng lực của Bộ Quốc phòng trong việc khôi phục mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ, nhất là ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tăng cường khả năng răn đe và đẩy nhanh việc phát triển của các khái niệm hoạt động mới.
Cùng ngày, Asia Times cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với chính phủ Nhật Bản và Úc đang hồi sinh sáng kiến cơ sở hạ tầng “Mạng lưới Điểm xanh” (Blue Dot Network) nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng bền vững để thay thế sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Được biết, “Mạng lưới Điểm xanh” là sáng kiến được công bố lần đầu tiên dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau một thời gian dài ngừng hoạt động, sáng kiến này đã bắt đầu được tiếp tục đàm phán tại Paris vào ngày 7/6.
Cùng liên quan đến vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng Úc – Nhật Bản, ngày 9/6, đối thoại trực tuyến 2+2 lần thứ 9 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Úc và Nhật Bản đã ra tuyên bố chung, bày tỏ “những quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản và Úc đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng”; phản đối các yêu sách và hoạt động trên biển của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”; khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một ngày sau, ngày 10/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 8 ngày, nhằm củng cố mối quan hệ với các đồng minh và chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G7 từ ngày 11 đến 13/6 tại Cornwall, Anh, thảo luận về vấn đề vacxin Covid-19, thương mại và sáng kiến tái thiết cơ sở hạ tầng ở những nước đang phát triển nhằm đối phó tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc; hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên NATO và EU tại Brussels, Bỉ từ ngày 14 đến 15/6; và dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6.
Tại châu Âu, ngày 9/6, Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khẳng định EU có kế hoạch tăng cường sự hiện diện hàng hải ở Biển Đông vì họ đang tìm cách thiết lập chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng mình. Ông Josep Borrell cho biết, Hải quân châu Âu không hiện diện nhiều ở Biển Đông mà tập trung ở biển Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư và bờ biển châu Phi, tuy nhiên EU đang thảo luận về khả năng tham gia các cuộc tập trận chung ở Biển Đông, đồng thời đề nghị các nước ASEAN, đặc biệt là Indonesia, tham gia phát triển La bàn chiến lược (Strategic Compass) của EU.
Ngày 9/6, Sputnik dẫn các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, các lực lượng vũ trang Ấn Độ ở vùng biên giới Ladakh đang trong tình báo động cao khi quân đội Trung Quốc và Pakistan tiến hành tập trận chung ở khu tự trị Tây Tạng, với sự tham gia của máy bay chiến đấu J-11 và J-16 của Không quân Trung Quốc. Được biết, đây là cuộc tập trận thường niên giữa quân đội Trung Quốc và Pakistan nhằm tăng cường khả năng tập kích các chiến hạm, chiến cơ và máy bay không người lái sử dụng tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và tên lửa không đối không. Hiện vẫn chưa rõ Pakistan cử bao nhiêu binh sĩ tham gia cuộc tập trận lần này.
Tại Hàn Quốc, vừa qua, cuộc Triển lãm Quốc tế công nghiệp vũ khí bảo vệ biển đảo (MADEX) 2021 diễn ra từ ngày 9 đến 12/6 ở Hàn Quốc đã thu hút khoảng 110 công ty chế tạo vũ khí bảo vệ biển đảo từ 7 quốc gia với khoảng 400 gian hàng, trưng bày các hệ thống vũ khí tối tân trang bị cho các tàu thuyền và hệ thống phòng thủ trên biển khác. Đáng chú ý, công ty đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo (DSME) cùng Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai (HHI) của Hàn Quốc đã trưng bày các thiết kế cho tàu sân bay hạng nhẹ của Hải quân Hàn Quốc (RoKN). Theo thiết kế của HHI, tàu sân bay mà Hàn Quốc đang phát triển sẽ dài 270m, rộng 60m, lượng giãn nước đầy tải 45.000 tấn, có khả năng chở tối đa 16 chiếc F-35B trên sàn đáp và 08 chiếc nữa trong nhà chứa máy bay.
cuộc Triển lãm MADEX 2021 thu hút khoảng 110 công ty chế tạo vũ khí bảo vệ biển đảo từ 7 quốc gia với khoảng 400 gian hàng, trưng bày các hệ thống vũ khí tối tân trang bị cho các tàu thuyền và hệ thống phòng thủ trên biển khác.
Trần Anh