+
Aa
-
like
comment

Biến chủng Omicron hiện rõ sự bất công trong việc chống dịch của nước giàu

03/12/2021 08:07

Hôm 1/12, cùng ngày với biến chủng Omicron đầy bí ẩn lần đầu tiên được phát hiện tại Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng chỉ trích các nước giàu có vì áp đặt lệnh cấm đi lại, và đổ nguồn lực vào chiến dịch tiêm chủng tăng cường trong khi hàng tỷ người ở các nước nghèo vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Tổ chức Y tế Thế giới chỉ trích các nước lớn, cho rằng lệnh cấm đi lại cùng chiến dịch tiêm mũi thứ ba để đối phó biến chủng Omicron là kém hiệu quả và không công bằng.

Tuyên bố mới của các quan chức WHO một lần nữa làm nóng câu hỏi về sự công bằng trong cách thế giới đối phó với đại dịch, kể từ khi có sự phân chia sâu sắc về vaccine giữa các nước giàu và nghèo vào đầu năm nay.

Nguy cơ xuất hiện một làn sóng dịch Covid-19 mới dường như cũng không thể làm lung lay các nhà lãnh đạo ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Các nước vẫn đang tranh giành vaccine và cố gắng bảo vệ người dân trước biến chủng mới bằng cách thắt chặt các hạn chế đi lại, New York Times đưa tin.

​​Nhiều chuyên gia cảnh báo thế giới có nguy cơ bị kéo vào một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, trong đó các biến chủng mới đáng lo ngại trỗi dậy ở những nơi chưa được tiêm vaccine, thúc đẩy các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đặt hàng liều tăng cường, khiến “cơn khát vaccine” ở những nước nghèo thêm trầm trọng.

Lệnh cấm đi lại bị chỉ trích

Nhiều du khách đã tỏ rõ sự bối rối và mất tinh thần trước tin tức Mỹ có kế hoạch tăng cường các yêu cầu xét nghiệm và sàng lọc hành khách đến. Quyết định được đưa ra sau khi Nhật Bản, Israel và Morocco cấm du khách nước ngoài và Australia trì hoãn việc mở lại biên giới trong hai tuần.

ít nhất 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp các biện pháp hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau với khu vực phía nam châu Phi, sau khi WHO liệt biến chủng Omicron vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại” hôm 26/11.

WHO ngay sau đó đã lên tiếng phản đối, cho rằng việc hạn chế đi lại đối với các nước phía Nam châu Phi là không hiệu quả và không công bằng.

Nhiều nước lập tức nâng cao cảnh giác trước biến chủng mới. Ảnh: AFP.

“Các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan của Omicron và chúng gây ra gánh nặng cho cuộc sống, cùng sinh kế”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết tại cuộc họp báo ở Geneva.

Ông cũng ca ngợi Botswana và Nam Phi, các nước phát hiện ca nhiễm Omicron sớm nhất vào tháng 11, vì đã báo cáo kịp thời những phát hiện cho cơ quan y tế quốc tế.

“Tôi lo ngại rằng các quốc gia này đang bị trừng phạt bởi những nước khác chỉ vì họ đã làm điều đúng đắn”, ông nói.

Các quan chức khác của WHO cho biết lệnh cấm đi lại của Mỹ và nhiều nước châu Âu sẽ cản trở nỗ lực chống lại biến chủng mới vì không thể vận chuyển mẫu sinh học ra khỏi châu Phi, mặc dù các quốc gia tại đây sẵn sàng chia sẻ chúng.

Những hạn chế rời rạc được áp đặt sau sự xuất hiện của Omicron một lần nữa cũng cho thấy các quốc gia quyết hành động nhanh chóng và đơn lẻ để bảo vệ người dân của họ, mà không quan tâm đến việc nó ảnh hưởng như thế nào đến các nước láng giềng, hoặc thậm chí liệu biện pháp có đạt được mục tiêu chống dịch hay không.

Trên thực tế, các chuyên gia y tế công cộng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của lệnh cấm.

Biến chủng Omicron đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ vào hôm 2/11 – chỉ 7 ngày sau khi sự tồn tại của nó lần đầu tiên được cảnh báo với thế giới – và tiến sĩ Tedros nhận định con số sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

“Việc hạn chế đi lại có thể làm trì hoãn các ca nhập cảnh và lây lan rộng rãi, nhưng không thể ngăn chặn biến chủng”, Devi Sridhar, người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho biết. “Tôi chắc chắn rằng biến chủng này sẽ được tìm thấy ở khắp mọi nơi trong những ngày tới”.

Bất bình đẳng vaccine lại là vấn đề

Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhiều quốc gia đã bắt đầu tính đến việc triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường.

Nhân viên y tế đang chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Klerksdorp, Nam Phi. Ảnh: AP.

Anh trong tuần này đã công bố một chiến dịch lớn để cung cấp mũi tiêm nhắc lại cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 1/2020. Các quốc gia châu Âu khác và chính quyền Biden cũng đang thúc đẩy việc tiêm mũi thứ ba như “tuyến phòng thủ” đầu tiên chống lại biến chủng mới, trong lúc “câu giờ” để các nhà khoa học giải mã bộ gene virus.

Tuy nhiên, WHO cho biết cái giá phải trả cho chiến dịch tiêm mũi thứ ba ở các nước giàu sẽ là những mũi tiêm đầu tiên ở các nước nghèo.

Các quan chức cơ quan y tế quốc tế nhấn mạnh hiện vẫn chưa có nhiều bằng chứng cho thấy mũi tiêm tăng cường giúp ngăn bệnh trở nặng và nhập viện ở những người bị nhiễm biến chủng mới.

Họ gợi ý rằng lượng vaccine dự trữ của Anh và các nước khác có thể được sử dụng tốt hơn ở những nơi mà phần lớn dân số chưa được tiêm chủng.

Để đối phó trước thách thức về phản ứng rời rạc và bất bình đẳng giữa các quốc gia, WHO đang thúc đẩy xây dựng “hiệp ước đại dịch” – một thỏa thuận quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý nhằm đảm bảo cách tiếp cận chặt chẽ và công bằng hơn đối với các đợt bùng phát dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, việc Mỹ và một số nước khác như Brazil từ chối cam kết bất cứ điều gì ràng buộc về mặt pháp lý để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận này.

Những người ủng hộ đề xuất, bao gồm Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và nhiều nhà lãnh đạo thế giới từ châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, muốn có cam kết chia sẻ dữ liệu, mẫu virus và công nghệ, cũng như đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng.

Nhưng điều đó đặt ra những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia trong việc tiếp cận các điểm bùng phát dịch bệnh và điều tra nguồn gốc.

Tranh tường ở khu vực Soweto tại Johannesburg, Nam Phi, cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của virus corona. Ảnh: Shutterstock.

Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, cũng đã lên tiếng chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine, và phản ứng thái quá đối với nỗi sợ hãi Omicron.

“Không thể đổ lỗi cho người dân châu Phi về mức độ tiêm chủng thấp”, ông nói. “Họ cũng không nên bị trừng phạt tập thể vì đã chia sẻ thông tin khoa học và sức khỏe quan trọng với thế giới”.

Ông Guterres cho biết bản chất không biên giới của virus có nghĩa là “các hạn chế đi lại, cô lập bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào không chỉ kém hiệu quả mà còn không công bằng”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh thêm việc áp dụng lệnh cấm các chuyến bay đến từ các nước miền Nam châu Phi giống như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid trong đi lại.

“Chúng ta có những công cụ để bảo đảm di chuyển an toàn. Hãy sử dụng công cụ đó để tránh thứ mà tôi gọi là ‘phân biệt đi lại’, điều tôi nghĩ là không thể chấp nhận”, ông nói.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều