Biến chủng Delta trỗi dậy ở nhiều khu vực của Mỹ
Các ca mắc Covid-19 gia tăng ở thượng Trung Tây, Tây Nam và các khu vực ở đông bắc nước Mỹ đang cản trở tiến trình và nỗ lực của quốc gia này nhằm chấm dứt đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta dễ lây lan gây ra.
Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy sự sụt giảm số ca mới trung bình hàng ngày đang chững lại từ cuối tháng 10, từ 70.000 lên mức gần 80.000 vào ngày 13/11. Số ca nhập viện cũng chứng kiến tình trạng tương tự khi có dấu hiệu tăng trở lại. Mỹ ghi nhận trung bình 1.000 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.
Trong khi khu vực đông nam dần thoát khỏi đợt bùng phát dịch mùa hè vừa qua, các nơi khác đang chứng kiến áp lực lớn, khi thời tiết lạnh đã khiến mọi người tụ tập trong nhà – nơi virus dễ dàng lây lan hơn, theo Wall Street Journal.
Lễ Tạ ơn đang tới gần. Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều người đi du lịch và tụ tập trong nhà để ăn mừng.
“Chúng tôi đang ở trong tình trạng đáng báo động về số ca mắc”, Jan Malcolm – ủy viên Sở Y tế Minnesota – cho biết trong cuộc họp báo vào tuần trước.
Đại dịch vẫn chưa “buông tha”
Gần đây, Minnesota ghi nhận trung bình hơn 3.500 trường hợp mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Sau thời gian tạm lắng ngắn ngủi vào mùa hè – khi bang chỉ báo cáo khoảng hai ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày – mức trung bình trong 7 ngày hiện tại là khoảng 24 ca/ngày. Báo cáo của Johns Hopkins cho thấy bang đã ghi nhận 9.000 người chết kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Đợt bùng dịch mới đã bắt đầu khiến một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã thiết lập 2 địa điểm tạm thời có nhân viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia và y tá liên bang để hỗ trợ các bệnh viện chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Các bang thông báo phần lớn trường hợp nhập viện vì Covid-19 vẫn nằm trong số những bệnh nhân chưa tiêm phòng hoặc mới tiêm một liều.
Tuy nhiên, một số bang cũng báo cáo sự gia tăng số người đã chủng ngừa đầy đủ phải nhập bệnh viện.
Virus cũng lây lan ở những nơi có thời tiết lạnh như Michigan và New England, bao gồm cả Vermont. Trường hợp mắc bệnh cũng tăng lên ở một số bang tây nam như Arizona, nơi gần đây có trung bình hơn 3.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày.
“Sau gần hai năm, tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai khi họ cảm thấy đại dịch đã kết thúc”, Don Herrington – Giám đốc tạm quyền Dịch vụ Y tế Arizona – đã viết trong bài đăng vào tuần trước. “Tuy nhiên, thật không may, đại dịch vẫn chưa ‘buông tha’ cho chúng ta”.
Nơi có độ phủ vaccine cao cũng không thoát Eric Topol
– Giám đốc Viện Scripps ở La Jolla, California – cho biết vấn đề nằm ở việc một số lượng lớn người Mỹ vẫn chưa đi tiêm phòng, cùng với khả năng miễn dịch suy giảm ở những người đã tiêm vaccine sớm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 59% dân số đã nhận đủ liều vaccine theo khuyến cáo, trong đó có 1/3 người từ 65 tuổi trở lên tiêm mũi tăng cường.
Làn sóng dịch do biến chủng Delta thúc đẩy bắt đầu vào mùa hè và đạt đỉnh vào đầu tháng 9, khi cả nước Mỹ trung bình có hơn 160.000 ca mắc mới mỗi ngày. Các chuyên gia y tế phân tích điều này đã giúp giảm bớt áp lực, một phần có thể là do sự gia tăng số ca nhiễm đã đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch trong cộng đồng.
Tuy nhiên, “cái giá phải trả” không hề nhỏ, trong 4 tháng qua nước Mỹ có 150.000 người qua đời vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch lên hơn 760.000.
Các cơ quan y tế cho biết biến chủng Delta dễ dàng len lỏi vào cộng đồng chưa tiêm phòng ngay cả ở những bang có độ phủ vaccine cao, ví dụ như Vermont – nơi có khoảng 72% dân số chủng ngừa đầy đủ.
Tuần trước, Thống đốc bang Vermont Phil Scott cho biết số ca mắc tăng cao gây áp lực lên bệnh viện – nơi vốn căng thẳng vì phải chăm sóc cho những bệnh nhân gặp vấn đề khác, bao gồm cả những ai phải chịu cảnh chữa chạy chậm trễ do đại dịch.
Một số bang, như Michigan, báo cáo ngày càng có nhiều người tiêm chủng đầy đủ mắc bệnh. Điều này phản ánh hiệu quả của vaccine suy giảm ở những ai đi tiêm sớm. Các con số này đã chứng minh được sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường.
“Khi độ bao phủ vaccine tăng lên, tỷ lệ ca lây nhiễm ‘đột phá’ cũng tăng theo, nhưng gánh nặng được giảm bớt”, một báo cáo gần đây của bang Michigan cho biết.
Tiến sĩ Natasha Bagdasarian, Giám đốc điều hành y tế của bang, cho biết số ca mắc lứa tuổi 5-18 tăng lên là do trường học mở cửa trở lại vào mùa thu mà không áp dụng đeo khẩu trang. Việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này có thể khiến tình hình khả quan hơn.
“Điều tôi lo sợ là thời tiết lạnh sắp tới”, tiến sĩ Bagdasarian nói. “Mọi người tụ tập trong nhà nhiều hơn. Những ngày lễ sắp đến. Và trên hết là chúng ta có mùa về bệnh hô hấp đang cận kề”.
(Theo Wall Street Journal)