+
Aa
-
like
comment

Biến áp lực người dân bỏ về quê thành lợi thế

12/10/2021 17:31

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long việc hàng vạn người dân bỏ về quê là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi, không dựa vào nguồn nhân công giá rẻ nữa, qua đó có thể tăng được năng suất lao động.

Ngày bình thường mới mở lại nhà máy, các ông chủ DN gặp ngay thách thức lớn, đó là thiếu lao động. Hơn 500 nghìn người ở phía Nam dừng và mất việc, hàng chục vạn trong số đó bỏ về quê và dòng người rời phố vẫn chưa dừng lại. Họ đã để lại sau lưng một khoảng trống quá lớn, khiến các DN đau đầu, không biết sẽ giải quyết ra sao trong lúc này.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi TP.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam, có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ; các DN sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn tới.

Các DN dệt may, da giày sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiếu lao động trầm trọng khi người lao động di cư về quê không quay lại làm việc. “Một lần nữa chuỗi cung ứng hai ngành này đứng trước nguy cơ đứt gãy, nhưng không phải do tác động bên ngoài, mà ở vấn đề nội tại bên trong”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận xét.

Ông Nhạc Phan Linh, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khi tiếp xúc trực tiếp với những “lao động di cư” từ Nam ra Bắc vừa qua cho biết, phần lớn trong số họ đều gặp áp lực tâm lý, bởi lo lắng cho sức khỏe. Đặc biệt, nhóm lao động có gia đình di cư về quê, khẳng định không trở lại miền Nam làm việc. Họ trở về quê tìm việc để ổn định cuộc sống, tiện chăm sóc gia đình, con cái.

DN đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động

Khảo sát “Thị trường lao động trong làn sóng Covid thứ 4: Thực trạng và Hướng đi”, thực hiện bởi Công ty Navigos Group Việt Nam trong tháng 8/2021, cho thấy, có gần 52% người lao động tham gia khảo sát cho biết, sẽ chuyển công việc khi dịch Covid kết thúc. Chỉ có hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty cũ với lương, chế độ phúc lợi được giữ nguyên và 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương, giữ nguyên phúc lợi. Với số lao động có ý định chuyển dịch chiếm tỷ lệ cao, báo động sự biến động lớn trên thị trường lao động sau đại dịch Covid.

Biến áp lực thành lợi thế

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đại dịch Covid đã khiến cho cấu trúc lao động bị phá vỡ, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các DN và đất nước thay đổi, không nên dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ nữa. “Để giải bài toán đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trong hoàn cảnh hiện nay, theo tôi, các DN, Chính phủ và chính quyền địa phương cần phải có chiến lược với tầm nhìn mới. Trước hết cần đưa ra các chế độ đãi ngộ tốt hơn với người lao động như: tăng lương, hỗ trợ tiền ăn ở, bảo hiểm, y tế,… Tiếp đến là dịch chuyển sản xuất và thu hút đầu tư về các địa phương. Quan trọng hơn nữa là nhanh chóng thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa, số hóa, để tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào nguồn nhân công giá rẻ”, ông nói.

Theo ông Long, chỉ những DN nào coi người lao động là phần quan trọng, là sự sống còn của mình, thúc đẩy hiệu quả lao động bằng các chính sách tiền lương thực chất, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, thậm chí ưu tiên, tạo điều kiện để công nhân có cổ phần, mới tạo ra mối quan hệ bền vững. DN lúc này cần phải điều chỉnh chế độ phúc lợi, thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người lao động để họ yên tâm làm việc.

Tuy nhiên, bản thân các DN cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi mở cửa trở lại, vì vậy chính quyền địa phương và Nhà nước cần đồng hành cùng DN, có chính sách, gói hỗ trợ thiết thực, đảm bảo tính kịp thời, để thu hút người lao động trở lại làm việc.

Như thế có thể biến áp lực dân số đến tuổi lao động thành lợi thế thu hút đầu tư nhất là các ngành nghề thâm dụng lao động lớn mà Việt Nam còn lợi thế trong hàng chục năm tới như dệt may, gia dày, lắp ráp,… Tất nhiên đi kèm đó là phải công tác đãi ngộ và an sinh.

Đó là bởi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động bỏ thành phố về quê

Việc chuyển dịch cơ sở sản xuất về các địa phương cũng cần được các DN xem xét cân nhắc để thu hút nguồn lao động tại chỗ. Đưa nhà máy về nông thôn có nhiều lợi thế cho người lao động, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có gia đình. Họ không phải chi trả các khoản chi phí như thuê nhà, trông con, các khoản dịch vụ khác của thành phố… Những khoản chi đó khiến cho các lao động khi lên thành phố không có nhiều tích lũy, thậm chí không có tích lũy. Do vậy, nếu đưa nhà máy về nông thôn với mức thu nhập tương tự thì chắc chắn sẽ thu hút được lao động tại chỗ.

Đây chính là cơ hội lớn cho các địa phương sau đại dịch. Thực tế cho thấy, địa phương nào thu hút được DN đầu tư thì nơi đó kinh tế phát triển nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao. Chẳng hạn tại tỉnh Nam Định, theo thống kê, thời gian qua đã thu hút được hơn 50 DN dệt may đầu tư xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn. Trong số đó, những DN nhỏ cũng thu hút từ 300-500 lao động, còn DN lớn đang tạo việc làm cho gần 2.000 lao động. Ðối với các địa phương có cơ sở công nghiệp đứng chân, chắc chắn sẽ giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời thay đổi diện mạo vùng quê. Vì vậy, các địa phương, cần xem xét, ban hành, điều chỉnh chính sách cho thật sự hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Chuyển đối số để tăng năng suất

Với DN quan trọng nhất vào thời điểm này là áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa, số hóa sản xuất, để tăng năng suất lao động. Một ví dụ cho thấy, Công ty May 10, từ khi thực hiện chuyển đổi số hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công nghệ mới, số hóa tất cả các phần mềm ứng dụng trên những dây chuyền sản xuất, năng suất đã tăng theo cấp số nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại thời gian để sản xuất một sản phẩm của May 10 đã giảm từ 1.980 giây xuống còn 690 giây. Mỗi công nhân giờ điều khiển một lúc 2 máy và năng suất lao động đã tăng lên 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm xuống còn 8%. Thu nhập bình quân người lao động tăng 10%, phúc lợi được nâng cao.

Về phía Nhà nước, cần có chiến lược thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa vào nhân công giá rẻ năng suất thấp. Hiện năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tăng nhanh, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước.

Hiện năng suất lao động của Việt Nam rất thấp.

Trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,64% Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines và 88,05% của Lào, chỉ cao hơn Campuchia 1,6 lần. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng.

Tăng năng suất còn nhằm hướng tới những khát vọng lớn lao và dài hạn. Hai định chế tài chính đang hỗ trợ công cuộc phát triển của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 4/10 cũng đưa ra khuyến cáo Việt Nam nên đổi mới để nâng cao năng suất nhằm đối phó mức tăng trưởng giảm xuống, do tình trạng dân số ngày càng già đi. Cụ thể, World Bank dự báo dân số già, khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm 0,9%/năm giai đoạn 2020-2050 so với trước đó. Còn kết quả khảo sát mới nhất của JICA cho thấy Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội có nhiều người cao tuổi hơn, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với các quốc gia khác. Nói cách khác, Việt Nam đang đối mặt viễn cảnh “già trước khi giàu”. Nếu không có giải pháp hay chính sách khéo léo, nghiêm túc thì khó có thể đối phó hàng loạt thách thức đáng kể trong một hai thập niên tới.

Như vậy, tăng năng suất lao động phải là mục tiêu quan trọng cần đạt được nếu muốn quốc gia trở nên thịnh vượng vào 2045. Muốn vậy, phải tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và thể chế theo hướng thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, và kinh tế số để tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá. Cùng với đó, phải có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi chính lực lượng này mới là nhân tố chính, dẫn dắt về năng suất lao động.

Điều tra về tình hình tiền lương và điều kiện làm việc của người lao động, ở một số DN may, cung ứng cho các nhãn hàng quốc tế vào năm 2019, do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tiến hành cho thấy, có 69% công nhân không đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương; 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ để bù lấp thiếu hụt chi tiêu; 68% hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để đi thăm người thân và bạn bè; 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn nhà hàng…

Còn khảo sát mới đây của một số DN tại TP.HCM cho thấy, có thể phân chia người lao động thành 4 nhóm chính: làm cho các DN FDI, làm cho các DN trong khu công nghiệp, làm ngoài các khu công nghiệp và lao động tự do. Tuy nhiên, cả 4 nhóm này đều ở những khu nhà trọ sâu trong các ngõ hẻm và thường thuê phòng có diện tích khoảng 10m2, cho 10 người thay nhau ở, trong đó 5 người làm ban ngày và 5 người làm ban đêm.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều