Biden giới thiệu đội ngũ đối ngoại và an ninh tương lai
Biden giới thiệu các quan chức kỳ cựu dự kiến tạo thành nhóm phụ trách đối ngoại và an ninh quốc gia, với thông điệp “nước Mỹ đã trở lại”.
“Những người này sẽ giúp khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Đây là một nhóm phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn dắt thế giới thay vì rút lui”, Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu hôm 24/11 tại thành phố Wilmington, Delaware.
Đứng phía sau ông là 6 nhân sự cho bộ máy chính quyền tương lai, bao gồm Antony Blinken, Linda Thomas-Greenfield, John Kerry, Alejandro Mayorkas, Avril Haines và Janet Yellen, lần lượt là đề cử của Biden cho các vị trí ngoại trưởng, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đặc phái viên về biến đổi khí hậu, bộ trưởng an ninh nội địa, giám đốc tình báo quốc gia và bộ trưởng tài chính.
Biden tuyên bố sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2021 và Donald Trump rời Nhà Trắng, Washington sẽ “một lần nữa ngồi ở vị trí đầu bàn, sẵn sàng đối mặt với các đối thủ và không chối bỏ đồng minh”, dường như ám chỉ phản đối chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ.
Antony Blinken, lựa chọn của Biden cho vị trí ngoại trưởng, cho biết Mỹ không thể tự giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Chúng ta cần hợp tác với các nước khác. Chúng ta cần sự hợp tác của họ”, Blinken nói. Thomas-Greenfield, nhà ngoại giao kỳ cựu được Biden chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cũng tuyên bố “chủ nghĩa đa phương đã trở lại”.
Buổi giới thiệu nhân sự của Biden diễn ra ngay sau khi Trump chịu thêm thất bại từ nỗ lực đấu tranh pháp lý nhằm thay đổi cục diện tại Pennsylvania, khi Thống đốc Tom Wolf của bang này chứng nhận kết quả bầu cử và ký vào danh sách 20 đại cử tri cam kết bỏ phiếu cho Biden. Trước đó, chính quyền Michigan và Georgia, hai bang chiến trường mà Trump cũng đệ đơn kiện, đã chứng nhận kết quả bầu cử.
Trong email gửi các nhân viên tại Văn phòng Điều hành của Tổng thống, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nhắc nhở về việc giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) Emily Murphy đã thông báo chuyển giao các nguồn lực và dịch vụ sẵn có cho Biden, đồng thời cho biết ông đã chỉ định những đầu mối liên lạc tại mỗi bộ phận, dặn dò họ nên thảo luận với nhóm tiếp quản công việc.
Ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng lên tiếng đề nghị chấm dứt thế bế tắc. Tuy nhiên, Trump vẫn từ chối nhận thua và tuyên bố “không bao giờ nhượng bộ”, tiếp tục thúc đẩy các vụ kiện liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử. “GSA không xác định ai sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo. Tôi không nhận thua gì cả”, Trump viết trên Twitter hôm 24/11.
Ánh Ngọc/VNE