+
Aa
-
like
comment

Bị Trung Quốc trả đũa, Australia nên ưu tiên cho Việt Nam?

Hạnh Văn - 01/01/2021 16:19

Ngày 31/12, nhà nghiên cứu Gryant Wyeth tại Học viện Châu Á, Đại học Melbourne đã có bài phân tích về tiềm năng phát triển thương mại Australia-Việt Nam, Cánh Cò xin giới thiệu bài phân tích sâu sắc của ông về một tiềm năng rộng mở mà theo ông, sẽ là lời giải cho bài toán khó mà nền kinh tế Australia đang phải đối mặt thời gian qua.

Gryant Wyeth: Australia nên xem Việt Nam là một khu vực ưu tiên đoi

Ngoài đại dịch COVID-19, một trong những lo ngoại chính của Australia trong năm qua là việc tìm kiếm hướng đi đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc lâu nay vẫn là mối quan ngại lớn, nhưng năm 2020 đã chỉ rõ tại sao nó lại là vấn đề cấp thiết. Một phần lý do ấy nằm ở việc quá phụ thuộc vào một thị trường – giới hạn lựa chọn điều thị trường đó muốn và cần gì – nhưng ngoài ra, chính phủ Trung Quốc thường có những động thái cưỡng ép kinh tế, thậm chí là trả thù thương mại. Như gần đây, Bắc Kinh đã đáp trả lời kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 của Canbera bằng cách tăng thuế và cấm nhập khẩu đối với xuất khẩu rượu, lúa mạch, thịt bò, hải sản và than, những sản phẩm trọng yếu của Australia.

Một thị trường với quy mô như Trung Quốc gần như là không thể thay thế. Nhưng với hy vọng trút bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc, một trong những mục tiêu chính của Canberra là thúc đẩy Ấn Độ mở cửa thị trường với các nhà xuất khẩu nước này. Tuy nhiên, bộ máy hành chính quan liêu, cộng thêm chủ nghĩa dân tộc của Đảng Bharatiya Janata (BJP) sẽ tiếp tục là rào cản đối với các doanh nghiệp Australia với thị trường Ấn Độ. Hơn nữa, dù có những bước tiến đáng kể, khác biệt văn hóa vẫn luôn tồn tại giữa hai nước. Một thí dụ, thịt bò Australia hẳn nhiên sẽ không thể “đổi địa chỉ” của mình từ các kệ hàng trong siêu thị Trung Quốc để bước sang đất nước Ấn Độ.

Tuy nhiên, một báo cáo liên kết giữa Cộng đồng Châu Á Australia (Asia Society Australia) và Trung tâm Nghiên cứu APEC thuộc Australia (Australian APEC Study Center) vừa xác định một nền kinh tế Châu Á mới nổi khác có sự tương đồng mạnh mẽ với Australia. Dù không có dân số đông đảo như Ấn Độ và Trung Quốc, công cuộc cải cách từ kinh tế trồng trọt sang nền kinh tế tổng hợp gắn kết toàn cầu vài thập kỷ gần đây đã giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và nâng cao đáng kể mức sống của người dân.

Công cuộc cải cách này đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Australia. Thời điểm năm 1990, thương mại song phương giữa hai nước chỉ vỏn vẹn 32,3 triệu USD, nhưng đến năm 2019, con số này đã nhảy vọt lên 11,8 tỷ USD. Dù chưa thể ngang bằng với mậu dịch trị giá 252 tỉ USD với Trung Quốc, nhưng báo cáo trên đã cho thấy tiềm năng để phát triển hơn nữa thương mại của Australia với Việt Nam, và cũng là triển vọng để tháo gỡ những căng thẳng xung quanh quan hệ Australia-Trung Quốc.

Không như 3 đối tác thương mại chính của Australia – Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – Việt Nam vẫn là đất nước có dân số tăng trưởng mạnh, dự đoán từ 98 triệu lên đến 120 triệu vào năm 2050. Bên cạnh đó, cộng đồng hơn 300.000 người Việt tại Australia có thể giúp liên kết và gắn kết văn hóa giữa hai nước để thúc đẩy những cơ hội phát triển thị trường. Mặc dù Australia và Việt Nam không có Hiệp định thương mại tự do song phương, hiện nay vẫn có một số hiệp định có sự tham dự của cả hai nước như CPTPP; hiệp định RCEP được Việt Nam dẫn đầu; và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN Australia-New Zealand AANZFTA.

Báo cáo đánh giá cơ hội ngày càng lớn cho xuất khẩu Australia nằm ở sự mở rộng giao thương với Việt Nam, cùng với chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế Châu Á mới nổi trong lĩnh vực nguyên liệu thô, cũng như thị hiếu ngày càng lớn. Các mặt hàng xuất khẩu đến Việt Nam bao gồm than, quặng sắt, gang thép, nhôm, đồng, kẽm, sợi lanh, gia súc, lúa mạch, trái cây và hạt, và mỗi hạng mục đều có tiềm năng tăng trưởng bền vững về số lượng.

Đây đồng thời là tin tốt lẫn tin xấu với Australia. Những sản vật trên là thế mạnh mà Australia luôn có thể tự tin cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đầy đủ và đúng hạn. Một trong những lý do Bắc Kinh không tấn công ngành xuất khẩu quặng sắt của Australia vì đây là nguồn cung ứng kim loại cơ bản đáng tin cậy nhất của Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu Việt Nam có thể tự tin khi biết họ có thể được tiếp cận nguồn tài nguyên này, và ở đây niềm tin rất quan trọng cho việc phát triển giao thương hai nước. Nhưng sự phụ thuộc của Australia vào nguyên liệu nhập khẩu và sản phẩm nông nghiệp cũng đặt nước này vào thế cẩn trọng. Các quốc gia khác có thể dễ dàng cải tiến hoạt động và chất lượng sản phẩm và trở thành đối thủ cạnh tranh lâu dài đối với Australia trong các lĩnh vực này.

Điều Australia thiếu là các ngành công nghiệp độc nhất đòi hỏi trình độ cao mà không có đối thủ cạnh tranh. Đào tạo là một lĩnh vực mà Australia có thể trau dồi, nhưng đa phần sinh viên Việt Nam sẽ phải gánh chịu chi phí đào tạo lẫn sinh hoạt đắt đỏ khi du học. Có thể phải mất nhiều thập kỷ trước khi việc du học Australia trở nên dễ tiếp cận với tầng lớp trung lưu Việt Nam.

Nông nghiệp là một thế mạnh cho thương mại Việt-Úc.

Tạo điều kiện thuận lợi với các nền kinh tế Châu Á mới nổi từ trước đến nay vẫn luôn là chiến lược khéo léo và thành công của chính phủ Australia, và với chiến lược ấy, Việt Nam nên được xem là khu vực ưu tiên của Canberra. Tuy nhiên, đối với một quốc gia giàu có và trình độ cao như Australia, một tương lai gắn kết với Châu Á không thể cứ tiếp tục là sự lệ thuộc vào việc đào khoáng sản và chở lên phía bắc. Đến một lúc nào đó, Australia cần phải phát huy năng lực của mình vào những khía cạnh tinh tế và phức tạp hơn hôm nay.

HẠNH VĂN (lược dịch từ The Diplomat)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều