Ngăn đại dịch Covid-19 lây lan, biến động lớn về nhân sự cấp cao, hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc cần giải quyết… là những “bài toán khó” Hà Nội phải đối mặt trong năm 2020.
Chia sẻ với PV, ông nói nhiều về cơ hội phát triển của Hà Nội và kế hoạch giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, từng kéo dài rất lâu tại thủ đô.
Nhắc đến chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội phải cao hơn các địa phương khác”, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng đây vừa là áp lực đồng thời là động lực rất lớn với thành phố.
– Hà Nội là thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não về chính trị – hành chính quốc gia, là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Trước đây, Hà Nội có địa giới hành chính khiêm tốn nhưng đến nay, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, đã mở ra một không gian rất lớn cho Hà Nội phát triển. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số của cả nước. Tức là thủ đô vừa có không gian, vừa có dư địa phát triển rất thuận lợi.
Sau tổng điều tra dân số tháng 4/2019, dân số Hà Nội là 8,3 triệu người và trung bình mỗi năm tăng khoảng 160.000 người, bằng dân số bình quân của một huyện. Nếu tính cả số người tạm trú, người lao động sinh sống trên địa bàn và các tổ chức quốc tế thì Hà Nội có hơn 11 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, nhiều nhu cầu để phát triển.
Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm các giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội. Riêng Đảng bộ các trường đại học và cao đẳng trực thuộc Thành ủy có đến 1.300 giáo sư, phó giáo sư, 3.200 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, chưa kể Đại học Quốc gia Hà Nội có gần 500 giáo sư, phó giáo sư và 1.372 tiến sĩ.
Có một điểm cần lưu ý, tuy Hà Nội là thủ đô, là đô thị đặc biệt, tỷ lệ đô thị hoá còn khá khiêm tốn, mới chỉ gần 50%. Đây vừa là thực trạng của thành phố, nhưng mặt khác cho thấy dư địa phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới còn rất lớn. Biết tận dụng thời cơ và có cách làm khoa học, bài bản, Hà Nội sẽ có bứt phá mạnh mẽ về kinh tế.
Hà Nội còn là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 465.000 đảng viên, chiếm 10% tổng số đảng viên của cả nước. Với một lực lượng chính trị lớn như vậy thể hiện vai trò rất quan trọng của Đảng bộ thủ đô.
Mới đây thôi, Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới và với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều tiềm năng, khả năng để nâng cao vị thế hơn nữa, sánh ngang với nhiều thủ đô, trung tâm sáng tạo khác của thế giới và khu vực.
Tôi cho rằng nhận định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng là dựa trên cơ sở thực tế này của Hà Nội.
Về sự quan tâm của Trung ương, Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương trong cả nước được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng về định hướng phát triển thủ đô (Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khoá XI về nhiệm vụ, phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010).
Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Thường trực Thành ủy sẽ đăng ký, trình Bộ Chính trị 3 việc.
Một là, trình Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, để tạo khuôn khổ phát triển cho thành phố, phù hợp Luật Quy hoạch mới.
Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật này.
Ba là, tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của Trung ương và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi về làm việc với Hà Nội đều kỳ vọng vào điều này.
– Thành phố đã thống kê được 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có các vấn đề về ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị…
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 bộ, ngành làm việc, không chỉ để góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới mà còn để tranh thủ sự hỗ trợ và chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc.
Riêng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội đã cho thành lập tổ công tác chung làm nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án. Thành phố cũng giao Sở GTVT tập dượt, kết nối xe buýt công cộng với các tuyến đường sắt này. Hiện nay, dự án đang tiến hành chạy thử trước khi vận hành thương mại vào quý I/2021.
Nhiều người rất vui khi biết việc xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực treo lại trong 5 năm qua nhưng tới nay đã kết thúc.
Trước rất nhiều áp lực, nhưng với chỉ đạo kiên quyết, các sở, ngành và quận Ba Đình đã hoàn thành việc xử lý sai phạm, trao trả mặt bằng cho chủ đầu tư. Hai bên đã thống nhất các phương án xử lý, tạo điều kiện nhanh nhất cho người mua nhà đến ở trước Tết Tân Sửu, cải thiện bộ mặt đô thị, đáp ứng được các yêu cầu của Thủ tướng.
Với Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (trên địa bàn huyện Sóc Sơn), thành phố xác định mục tiêu phải giải quyết bền vững và lâu dài.
Đồng thời, thành phố và chủ đầu tư đang phấn đấu trong quý I/2021 lắp đặt 2 tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện rác Nam Sơn và khoảng tháng 5/2021 vận hành toàn bộ nhà máy, dự kiến xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, phát ra được 75-100 MW điện.
Trong buổi làm việc giữa Thành ủy với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ đã ưu tiên đưa các nhà máy điện rác mà Hà Nội đăng ký, trong đó có Nhà máy điện rác Nam Sơn, bổ sung vào quy hoạch điện 8. Hiện nay còn một số nhà máy nữa ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, Sơn Tây…
Như vậy, mỗi ngày Hà Nội có thể xử lý khoảng hơn 6.000-7.000 tấn rác. Việc này vừa giải quyết căn bản được tình trạng đốt rác gây ô nhiễm, vừa hạn chế được chôn lấp rác, lại tạo ra năng lượng điện.
Ngoài những “bài toán khó” đó, khai thác cát sỏi trái phép trước đây cũng là vấn đề rất nhức nhối của Hà Nội. Nhưng trong kỳ họp HĐND cuối năm, Thành phố đã chất vấn quyết liệt nội dung này, sau đó xử lý nghiêm một loạt tàu khai thác cát trái phép nên đã tạo ra tính răn đe rất cao.
Lâu nay nhiều người vẫn nói “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, “Hà Nội không vội không xong”. Nhiều vấn đề không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
– Thành phố đã cùng cả nước bước qua khó khăn, thử thách với nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng của khu vực thời Covid-19, thuộc nhóm quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, hưởng ứng rất cao của nhân dân trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Với Hà Nội, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn. Là cửa ngõ quốc tế, nơi trung chuyển của vùng và cả nước, nơi có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, do đó sự an toàn của Hà Nội trước bệnh dịch sẽ có vai trò quan trọng đối với các địa phương khác trên cả nước.
Lũy tích có 198 ca mắc Covid-19, song Hà Nội chưa có ca tử vong. Đã trải qua 140 ngày liên tiếp, thành phố không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng.
Trong phát triển kinh tế – xã hội, Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch vụ, thương mại, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng bằng tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành”, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát Covid-19, tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98% – cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước.
Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 2,67% – thấp hơn mức tăng chung cả nước và thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Thành phố có mức thu ngân sách vượt dự toán hơn 2%, đạt gần 285.000 tỷ đồng (tăng gần 6% so với năm 2019).
Thành phố cũng đã giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên 26.000 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng số tiền hỗ trợ của cả nước.
Nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng, dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch và đầu tư phát triển. Nhờ đó, tỷ trọng chi thường xuyên của thành phố chỉ chiếm 51%, còn 49% dành chi cho đầu tư phát triển – cao hơn nhiều so với tỷ trọng 27% chi cho đầu tư phát triển của cả nước.
Cùng với đó, nhiều dự án, công trình lớn ở thành phố hoàn thành, giải quyết được nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay, cải thiện bộ mặt đô thị như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt, cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
– Biến cố Covid-19 có lẽ là điều khó quên đối với Hà Nội trong năm qua. Còn nhớ thời điểm khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã chủ trì cuộc họp ngay trong đêm. Vì sao khi đó Hà Nội đưa ra quyết định này?
– Quả thật 2020 là một năm có nhiều thách thức vô cùng lớn với Hà Nội. Với đại dịch Covid-19, chỉ cần sơ suất nhỏ là toàn thành phố sẽ bị tê liệt. Vì vậy, chúng tôi luôn quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”. Đến nay, Thành ủy vẫn xác định ưu tiên chống dịch lên trên hết, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Nhớ lại tối 6/3/2020 khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội (bệnh nhân 17), trước nhiều ý kiến có cần phải họp ngay không, chúng tôi quyết định phải họp ngay trong đêm.
Rõ ràng là tình hình rất nguy cấp, vì ca bệnh ở ngay quận Ba Đình – trung tâm của thành phố. Nhờ sớm đưa ra quyết định phong tỏa khu phố Trúc Bạch, sớm trích xuất được danh sách hành khách đi cùng chuyến bay với ca bệnh thứ 17, Hà Nội sớm nắm tình hình và kiểm soát được dịch bệnh. Lúc đó, chỉ cần hành động chậm 1-2 giờ, không biết hậu quả sẽ thế nào.
Dịp Noel vừa qua, bạn bè quốc tế nói “chỉ có Giáng sinh ở Việt Nam mới đông như thế, vì đã kiểm soát được Covid-19”, hay như dịp Tết Dương lịch 2021, Đại sứ EU ở Việt Nam đã nhận định “ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ”, là nhờ nỗ lực liên tục của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước để kiểm soát dịch bệnh.
Với Hà Nội, chúng tôi luôn quán triệt không được phép lơ là việc kiểm soát dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của thành phố.
– Năm 2020 có nhiều biến động về nhân sự cấp cao của Hà Nội ở cả vị trí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố.
Vừa qua, HĐND đã bầu mới 5 phó chủ tịch. Bốn phó bí thư Thành ủy hiện nay cũng đều là người mới vì các đồng chí cũ dày dặn kinh nghiệm công tác, am hiểu địa bàn đều đến tuổi nghỉ hưu. Mọi người hình dung, người đứng đầu mà thay đổi thì sẽ khó khăn như thế nào. Bởi vậy, giữ được bình yên cho thủ đô và để các công việc vận hành bình thường là thách thức rất lớn.
Nhưng Đảng bộ Hà Nội là một tập thể lớn, đã qua 90 năm thành lập và trưởng thành, trí tuệ và bản lĩnh, khó khăn nào cũng vượt qua, khi gặp khó khăn càng thể hiện ý thức đoàn kết.
Ngoài ra, Đảng bộ và nhân dân thủ đô rất sáng tạo, một mặt chấp hành nghiêm nghị quyết Trung ương, mặt khác biết cách cụ thể hóa chính sách để phù hợp tình hình, thực tiễn thủ đô, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.
– Theo ông, những khó khăn, thuận lợi của thành phố khi có đội ngũ nhân sự đa phần mới là gì?
– Đội ngũ cán bộ trẻ có lợi thế hơn vì có sức trẻ, khát vọng và hoài bão lớn hơn. Nhưng trong số nhân sự của Hà Nội vừa qua, nếu theo tiêu chuẩn của Trung ương thì chưa có nhiều cán bộ trẻ.
Ban Chấp hành Đảng bộ có 71 người nhưng chỉ có 6 cán bộ trẻ, chưa đạt tỷ lệ 10%. Trong khi đó cơ cấu cán bộ nữ lại vượt chỉ tiêu, chiếm 25% trong Ban Thường vụ. Quan điểm của Hà Nội là phải mạnh dạn giao việc, đào tạo cán bộ trẻ để họ có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, đặc biệt đội ngũ cấp chiến lược của thành phố, nhằm khắc phục tình trạng hẫng hụt về đội ngũ cán bộ như khi các lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ trước cùng lúc nghỉ hưu. Đồng thời, thành phố khắc phục tình trạng cán bộ chiến lược không đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, không đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Cùng với đó, thành phố có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Quan điểm thu hút người tài của Hà Nội không phải chỉ là vấn đề trả lương, mà phải cho họ công việc và môi trường làm việc để họ được cống hiến, được lãnh đạo lắng nghe và tôn trọng.
Với chính sách lương mới, chúng ta làm theo năng lực và hưởng theo đóng góp. Điều quan trọng là phải tin tưởng đội ngũ ấy và có cách sử dụng cán bộ hợp lý. Với đội ngũ nhân tài này, đừng nghĩ phải đào tạo họ lên quản lý, mà cần tập trung đào tạo chuyên gia.
Trong nghị quyết của Trung ương về cải cách tiền lương, từ Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh được toàn quyền sử dụng nguồn tiền lương này để chi trả, thu hút nhân tài. Địa phương nào cân đối được nguồn lực có thể trả lương cao hơn so với mặt bằng chung 1,8 lần. Đây cũng là công cụ quan trọng để Hà Nội bảo đảm thu hút tốt hơn nhân tài.
Chúng tôi cũng rất vui mừng khi 88 thủ khoa lần này đã có 30 người đăng ký công tác tại Hà Nội trên các lĩnh vực. Chúng tôi cho rằng, người tài phải biết phản biện, biết nói “ngược” so với những suy nghĩ thông thường, nhưng mang lại hiệu quả cao, vì sự nghiệp chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô.
– Xin cảm ơn ông!
Hoài Thu/ ZF