Bí thư TP.HCM: Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả hàng tỷ USD
Hai mô hình kinh tế tiên phong, đi đầu cả nước của TP.HCM là Khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung mang lại hiệu quả hàng tỷ USD cho TP.HCM.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đứng trước nhiều thách thức về vai trò đầu tàu của mình.
Sáng 8/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 42, nhiệm kỳ 2016-2020.
Mô hình kinh tế tỷ USD
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM nhiệm kỳ qua đã tiếp tục thể hiện được vai trò đầu tàu cũng như vượt trội về kinh tế so với cả nước. Không chỉ là TP đóng góp ngân sách lớn nhất mà còn có nhiều mô hình kinh tế đi đầu, hiệu quả nhất cả nước.
Có thể kể đến khu Công nghệ cao, nhiệm kỳ 2011-2015 đóng góp 123 triệu USD cho TP, đến nhiệm kỳ 2016-2020 đã tăng tỷ lệ góp ngân sách lên khoảng 1 tỷ USD.
Kế đến là mô hình Công viên phần mềm Quang Trung, nhiệm kỳ trước xuất khẩu chỉ đạt 400 triệu USD, đến nhiệm kỳ này đã tăng lên 1,6 tỷ USD, gấp 4 lần, trong khi khu vực này chỉ có khoảng 10 nghìn lao động làm việc.
Ngoài ra, Bí thư Nhân cũng cho biết, TP đang triển khai khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Mô hình này với mật đô dân số khoảng 10%, nhưng khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cao, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bằng 1/3 của TP.
TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên xây dựng đô thị thông minh, công bố chương trình số hóa.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng cho biết, hiệu quả từ các mô hình kinh tế đã giúp TP luôn đứng đầu về đóng góp ngân sách. Trong đó, nhiệm kỳ trước đóng góp 26.5%, nhiệm kỳ này góp 27.5% cho cả nước.
Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng tâm tư dù là đầu tàu của cả nước, nhưng TP.HCM cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Đó là, bố trí cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý và phù hợp với đặc điểm kinh tế của TP. Đất dành cho công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 5% trong cơ cấu, trong khi lĩnh vực này đóng góp tới 90% GDP cho TP. “TP cũng đã nhìn thấy vấn đề này, đã đề ra giải pháp phù hợp, nhưng trong nhiệm kỳ này thì chưa thể mang lại hiệu quả và tác dụng như mong muốn”, lời Bí thư Nhân.
Ngoài ra, tính hấp dẫn môi trường kinh doanh, doanh nghiệp còn hạn chế. Chỉ số điểm cạnh tranh địa phương tăng liên tục 5 năm, nhưng so với các địa phương khác thì tụt hạng. Năm 2015, TP đứng thứ 6 thì đến năm 2019 tụt xuống thứ 14.
Tính liên kết vùng giữa TP với các khu vực khác rất yếu, đã có nhiều cuộc hội thảo, ký kết nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Bí thư Nhân cho biết, trong nhiệm kỳ tới cần thúc đẩy mạnh hơn tính liên kết vùng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận giao thông, hạ tầng đang là điểm nghẽn lớn của TP khi chưa phát triển đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ông lấy ví dụ, vành đai II làm chưa xong, vành đai III thì đang còn nằm trên giấy. Quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm thì tuyến số 1 chưa xong, các tuyến còn lại triển khai còn nhiều vướng mắc.
Vấn đề liên kết ba nhà, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả.
Trong nhiều hạn chế làm tốc độ tăng trưởng của TP chậm lại, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa nhấn mạnh “tỷ lệ ngân sách để lại cho TP quá thấp cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của TP”. Ông cho biết, TP đang xây dựng đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP, theo hướng cam kết để lại càng nhiều thì đóng góp trở lại cho ngân sách càng lớn hơn. Làm theo hướng này thì có thể thuyết phục Trung ương chấp thuận.
Cuối cùng, ông Nhân cho biết còn hạn chế yếu kém là tổng thể môi tường xã hội cho người lao động ở TP, như thời gian làm việc dài, điều kiện đi lại, vấn đề nhà ở khó khăn khiến tỷ lệ sinh chỉ đạt 1,3, thấp nhất cả nước.
“Tỷ lệ sinh thấp, nếu không có người lao động nhập cư thì TP càng teo lại, ngày càng bé đi. Chất lượng cuộc sống đang ngày càng tốt hơn, chúng ta cần phải có giải pháp khắc phục vấn đề này”, Bí thư Nhân yêu cầu.
Hồ Văn/ VNN