+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nhân: Người dân muốn có nhà ở, cán bộ phải trăn trở suy nghĩ

13/12/2019 07:34

Trước thực tế dân số TP.HCM tăng tới 1 triệu người trong 5 năm, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khi người dân có nhu cầu nhà ở, cán bộ phải trăn trở suy nghĩ tìm cách đáp ứng.

Bên lề Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý trật tự xây dựng, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian trao đổi với PV về một số vấn đề quan trọng mà thành phố đang phải đối mặt. Trong đó có tình trạng lượng người nhập cư vào thành phố tăng nhanh trong những năm gần đây.

Người dân có nhu cầu nhà ở, cán bộ cần suy nghĩ

Theo Bí thư Nhân, TP.HCM là địa phương có số lượng người nhập cư hàng năm lớn, bình quân tăng 1 triệu người trong 5 năm. Vì vậy, nhiệm vụ của TP là phải tính toán về quy hoạch, có đủ chỗ ở để đáp ứng cho khoảng 11 triệu người trong khoảng 10 năm tới.

Nhấn mạnh nhu cầu có nhà ở là chính đáng, Bí thư TP.HCM cho rằng cán bộ quản lý phải coi nhu cầu của người dân như chính nhu cầu của mình.

Việc quy hoạch để đảm bảo chỗ ở cho người dân với quy mô lớn, thời gian qua chúng ta chưa làm được.

“Đảng viên đang là quản lý Nhà nước thì phải chia sẻ bức xúc với người dân, người dân có nhu cầu nhà ở thì phải trăn trở suy nghĩ phải làm sao để có thể đáp ứng”, ông Nhân nêu quan điểm.

Nói về biện pháp lâu dài, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho hay phải có đề án để phát triển nhà ở cho người dân TP.HCM trong 10 năm tới. Dự kiến đến tháng 8/2020, đề án này thành hình.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói về việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Ảnh: Quang Huy.

Thành phố cũng đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây nhà cho thuê để chủ đầu tư có thể thực hiện một cách hợp pháp, giải quyết nhu cầu người dân, tránh dẫn đến các hệ lụy khác.

Người dân có nhu cầu nhà ở thì cán bộ quản lý phải trăn trở suy nghĩ phải làm sao để có thể đáp ứng.

Theo Bí thư Nhân, các thủ tục hành chính, quy trình quản lý cần rút ngắn theo hướng tạo điều kiện cho người dân có nhà.

“Nhà tại quận 4 và quận 1 thường nhỏ, người dân muốn xây cao thêm để đáp ứng nhu cầu nhưng lại diện tích đất nhỏ hơn yêu cầu tối thiểu được phép nâng cấp. Chúng ta sẽ bàn và có giải pháp”, ông Nhân lấy ví dụ.

Bí thư TP.HCM cảnh báo nguy cơ về các sai phạm khi nhu cầu của người dân tăng cao nhưng chưa được đáp ứng. Ông lo ngại việc này có thể dẫn tới các vi phạm đất đai của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi.

“Họ đầu tư xây nhà trên đất chưa được chuyển đổi, xây trái pháp luật rồi lại bán cho người dân. Cuối cùng, người dân phải chịu hậu quả”, Bí thư Nhân chia sẻ.

Sai phạm xây dựng, người dân chịu thiệt 

Một vấn đề “nóng” khác của thành phố được Bí thư Nhân nhắc đến là tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng như xây không phép, sai phép… đang gia tăng trên địa bàn thành phố. Bình quân mỗi năm 3.000-4.000 trường hợp vi phạm được phát hiện.

Dự án Laimian City với gần 13.000 căn hộ xây trái phép tại quận 2. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài việc người dân phải chịu thiệt hại, ông Nhân cho biết vi phạm xây dựng gia tăng còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

“Chúng tôi không thể để xây dựng không phép, sai phép tiếp tục diễn ra mà không có giải pháp mang tính đột phá. Đó là lý do chỉ thị số 23 ra đời”, ông Nhân thông tin.

Qua 4 tháng thực hiện chỉ thị này, Bí thư Nhân cho biết các trường hợp bị phát hiện vi phạm trật tự xây dựng đã giảm khoảng 50%.

Đảng viên làm quản lý Nhà nước phải xác định là mình không được làm sai pháp luật

Ông lấy ví dụ về sai phạm đất đai tại quận Thủ Đức, khi tiếp nhận thông tin, Bí thư Quận ủy đã xuống hiện trường để rà soát và kiểm điểm cơ sở vi phạm. Hiện, 3 đoàn kiểm tra của Thành ủy đang thực hiện rà soát các sai phạm tại quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, các địa bàn nóng về xây dựng trái phép và không phép.

“Bài học đầu tiên là Đảng viên làm quản lý Nhà nước phải xác định là mình không được làm sai pháp luật, nếu làm sai pháp luật thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý”, ông Nhân nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát vụ Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây trái phép. Ảnh: Sỹ Đông

Ngoài ra, TP.HCM cần nghiên cứu thêm những chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Ông Nhân cho rằng có thể áp dụng việc cắt điện đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ngành điện có thể nghiên cứu thêm việc bổ sung vào hợp đồng mua bán điện điều khoản không cấp điện đối với các trường hợp không có giấy phép xây dựng theo đúng quy định.

“Với cấp ủy lãnh đạo, chính quyền chỉ đạo, người dân giám sát, lực lượng thanh tra địa bàn hùng hậu, tôi tin rằng trật tự xây dựng sẽ đạt nhiều kết quả tích cực hơn”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng.

Quang Huy/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều