+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nhân: Không chuyển đổi số thì khó về nhà lúc 6h tối với vợ con

22/07/2020 22:52

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng khi dân số tăng nhanh, chính quyền, doanh nghiệp chỉ có con đường ứng dụng CNTT mới đủ thời gian phục vụ người dân, tăng năng suất lao động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị. Ảnh: Duy Hiệu.

Sáng 22/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị công bố chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ của TP.HCM. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng.

“Chúng ta cần xác định mục tiêu của chuyển đổi số, số hóa dữ liệu mang đến hiệu quả cuối cùng là tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp, nhà quản trị phải thấy được khi số hóa, năng suất tăng, chi phí giảm thì họ mới có động lực làm”, Bí thư Nhân nói.

Phải thấy hiệu quả mới có động lực

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đã chủ động, nỗ lực xây dựng và công bố chương trình chuyển đổi số chỉ sau 1 tháng Thủ tướng ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia. TP.HCM làm được điều này bởi có nền tảng là các cấu phần sẵn có của chương trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

“Dân số thành phố ngày càng tăng, để phục vụ tốt hơn, nhanh hơn thì chỉ có con đường tăng năng suất lao động, ứng dụng CNTT. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì công chức, viên chức không đủ thời gian giải quyết công việc để về nhà lúc 6h tối với vợ con đâu”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận.

Ông Nhân nhận định khi ứng dụng công nghệ vào công việc, các thông tin có thể xử lý trong 1 khoảng thời gian sẽ nhiều hơn, năng suất làm việc cao hơn. Qua những giải pháp công nghệ cụ thể, doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn.

Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì công chức, viên chức không đủ thời gian giải quyết công việc để về nhà lúc 6h tối với vợ con đâu

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhận ra hiệu quả của việc chuyển đổi số, Bí thư Nhân cho rằng họ cần được nhìn thấy trước giải pháp và thành quả có thể đạt được. Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề xuất cần có một trung tâm tư vấn dịch vụ số hóa, tư vấn sản phẩm thông minh của thành phố.

“Khi họ nhìn thấy và nhận thấy hiệu quả đạt được, họ mới có động lực để thực hiện theo. Trung tâm này có thể tư vấn, giới thiệu sản phẩm thông minh của từng ngành theo từng ngày trong tuần”, Bí thư Nhân bày tỏ mong muốn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị chính quyền cần sơ kết về hiệu quả chi tiêu 0,4% ngân sách thành phố vào ngành CNTT. Thành phố cùng các sở, ngành cần làm rõ những vướng mắc khiến thành phố chưa chi nhiều hơn cho lĩnh vực này.

“Thực tế cho thấy Hàn Quốc dẫn đầu về chính quyền số sau 20 năm chi ngân sách 2%. Chúng ta nên có định hướng về chi ngân sách cho chuyển đổi số”, Bí thư Nhân yêu cầu.

Dữ liệu chính là dầu mỏ, trí tuệ nhân tạo là công cụ khai thác

“Sáng tạo về ứng dụng công nghệ thông tin là câu chuyện mang tính toàn cầu, dám ứng dụng hay không là vấn đề của lãnh đạo địa phương. Cuộc cách mạng công nghệ, phá hủy những cái đã cũ, ứng dụng, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới”, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại hội nghị.

Nói về sự khác biệt giữa chính phủ số và chính phủ điện tử, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích chính phủ điện tử là cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công có sẵn bằng phương thức trực tuyến. Chính phủ số là dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để cung cấp những dịch vụ mới theo nhu cầu người dân.

“Dựa vào những dữ liệu đã có, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, chương trình chuyển đổi số sẽ giúp người dân tiếp cận những dịch vụ mới tùy theo nhu cầu. Cán bộ, lãnh đạo có thể đưa ra quyết định mới dựa vào phân tích dữ liệu”, Bộ trưởng TTTT cho hay.

Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Duy Hiệu.

Để đạt được kết quả trên, Bộ TTTT xác định dữ liệu chính là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia và của TP.HCM. Ông Nguyễn Mạnh Hùng ví “dữ liệu chính là dầu mỏ, trí tuệ nhân tạo là công cụ khai thác” trong chương trình chuyển đổi số.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về hệ thống dữ liệu phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hệ thống hạ tầng viễn thông hiện hữu cần được chuyển đổi từng bước sang hạ tầng số, băng thông rộng 5G, điện toán đám mây. Ông cũng đề ra mục tiêu mỗi người dân đều có 1 điện thoại thông minh và mỗi hộ dân có 1 đường truyền cáp quang.

“Hạ tầng số cần nâng cấp để tài nguyên dữ liệu của Việt Nam đều được lưu trữ tại Việt Nam. Việc lưu trữ dữ liệu trên môi trường mạng cần đảm bảo an toàn để người dân, Chính phủ có thể tự tin hoạt động trên môi trường số”, tư lệnh ngành TTTT yêu cầu.

Chúng ta đều mong muốn TP.HCM tiếp tục đi đầu và thành công khi dám dấn thân vào công cuộc chuyển đổi số. Đây sẽ là đột phá mang tính chiến lược giúp TP.HCM phát triển nhanh, bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng TTTT cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ của công cuộc chuyển đổi số, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư dài hạn cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống dữ liệu lớn (big data). Để giải quyết các vấn đề ngắn hạn cho thị trường, phát triển sản phẩm, TP.HCM cùng cả nước cần kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ TTTT sẽ là đầu mối một cửa cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Bộ cũng cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng TP.HCM về nguồn lực, thí điểm về chính sách trong mục tiêu chuyển đổi.

“Chuyển đổi số liên quan nhiều đến công tác quản trị, điều hành. Có thể nói để chuyển đổi số thành công cần những thay đổi về mặt thể chế, thay đổi để chấp nhận cái mới, chuyển đổi mô hình mới”, Bộ trưởng TTTT nhận định.

Tại hầu hết quốc gia, mức độ chi ngân sách cho ngành CNTT trung bình là 1%, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về chính quyền số khi chi ngân sách 2% cho ngành này. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý TP.HCM cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này khi ngân sách chi hàng năm chỉ 0,4%.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định TP.HCM là địa phương luôn đi đầu về sự đổi mới, sáng tạo nhiều lĩnh vực, công cuộc chuyển đổi số cũng không ngoại lệ. TP.HCM thành công sẽ kéo theo cả nước thành công trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

“Chúng ta đều mong muốn TP.HCM tiếp tục đi đầu và thành công khi dám dấn thân vào công cuộc chuyển đổi số. Đây sẽ là đột phá mang tính chiến lược giúp TP.HCM phát triển nhanh, bền vững”, Bộ trưởng TTTT chia sẻ.

Tại hội nghị sáng 22/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã công bố quyết định thực hiện chương trình chuyển đổi số của thành phố. Ông cũng khẳng định công cuộc chuyển đổi số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng gắn với đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Theo đó, ban lãnh đạo UBND TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải trên 50% và tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp cảm thấy hài lòng. Đến năm 2030, thành phố cần giải quyết được toàn bộ dịch vụ công cấp độ cao nhất theo hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ chiếm 40% GRDP và năng suất lao động hàng năm tăng tối thiếu 9% nhờ ứng dụng khoa học công nghệ. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử cần chiếm trên 85%.

Quang Huy – Duy Hiệu/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều