+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nguyễn Văn Nên: TP.HCM đã chuẩn bị 14 chiến lược cho trạng thái “bình thường mới”

17/09/2021 14:08

TP.HCM đã chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế sáng 17-9.

Sáng 17-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã lắng nghe ý kiến các chuyên gia y tế, kinh tế về phương án phục hồi kinh tế TP.

binh thuong moi tai TP.HCM anh 2
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp.

Sức chịu đựng của xã hội, của nền kinh tế có giới hạn

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, mổ xẻ những bất cập, mặt làm được và gợi mở nhiều giải pháp để thành phố mở cửa trong điều kiện an toàn, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia dịch tễ góp ý tại hội nghị. Đến giờ phút này, ngành y tế thành phố đã có nhiều bài học, kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Tỷ lệ tiêm chủng hiện đã cao; nhận thức của người dân đã tốt lên, ủng hộ, đoàn kết, chấp nhận “đồng cam cộng khổ”, thắt lưng buộc bụng cùng thành phố vượt qua khó khăn.

Bí thư Nên đánh giá sức chịu đựng của xã hội, của nền kinh tế cũng có giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương cần phục hồi, nếu để lâu nữa thì sẽ nguy hiểm. Các ý kiến tại hội nghị có chung quan điểm thống nhất mức độ giãn cách trong thời gian tới, từng bước mở dần an toàn, tuyệt đối không chủ quan.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin TP.HCM đã chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới”, trong đó trụ cột nhất là chiến lược y tế. Trong đó, hệ thống y tế phải được củng cố từ cơ sở đến thành phố, củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, nhà thuốc tây. Trong chiến lược đó cũng sẽ quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó khi phát hiện F0 trong điều kiện sản xuất, hoạt động.

TP.HCM cũng tiếp tục huy động các nguồn lực, có đủ điều kiện tham gia phòng chống dịch, điều trị, tư vấn để thành lập mạng lưới y tế đủ sức lo cho dân. Ngoài ra, còn có các chiến lược an sinh, xã hội, truyền thông, giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc sáng 17-9.

Theo Bí thư Nên, thời gian qua thành phố tập trung lo chống dịch dẫn đến tình trạng các bệnh khác, các đối tượng khác chưa được chăm lo tròn vẹn nên bây giờ thành phố sẽ quay lại để chăm lo.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết thành phố luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ của lãnh đạo Trung ương, các bộ ngành, các tỉnh thành bạn; đặc biệt là ngành y tế và Bộ Y tế luôn sát cánh, hỗ trợ bằng tinh thần trách nhiệm, tình cảm đặc biệt chứ không chỉ là chi viện, tăng cường.

Với những xác định này, cũng đã đến lúc chúng ta phải có sự chuẩn bị về tâm thế, thói quen, tinh thần và cả những điều kiện cần thiết để ứng phó với môi trường sống mới có virus Delta.

“Không thể không mở cửa nền kinh tế”

Ông Vũ Thành Tự Anh – giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – cho rằng hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa. Theo ông Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế, phân tích lợi ích, chi phí, phân bổ nguồn lực thì việc TP xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân là rất tốn kém.

Bên cạnh đó, hệ lụy đối với GDP của TP không chỉ năm nay mà còn những năm tới, cái giá phải trả về kinh tế lớn. Đối với doanh nghiệp, ông Tự Anh nhận định doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ, nếu không cứu thì sau này cứu cũng không kịp nữa. Tương tự, sau 3,5 tháng chống dịch, người dân nghèo cũng đang kiệt quệ.

Đặc biệt, ngân sách TP, ngân sách trung ương đang gặp khó khăn. Theo ông Tự Anh, đứng từ góc độ người dân TP, doanh nghiệp, ngân sách TP… thì chi phí chống dịch quá lớn và không thể không mở cửa.

Về chiến lược mở cửa, ông Tự Anh cho rằng đối với hoạt động kinh tế, kinh doanh, việc mở theo từng nấc phải có phương án dự phòng, phải có phương án rủi ro và thích nghi với điều kiện mới.

Dẫn ví dụ về việc đi siêu thị, việc người đi vào, đi ra vẫn là một lối đi, tăng nguy cơ rủi ro, do đó ông cho rằng cần phải có những phương án dự phòng rủi ro. Đồng thời, ông Tự Anh cũng đặt vấn đề cần phải thay đổi các quy định của Bộ Y tế để mở cửa.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bên phải) cùng Chủ tịch Phan Văn Mãi lắng nghe các ý kiến của chuyên gia về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng về tài chính, việc kinh tế TP hồi phục sẽ mang lại nguồn lực tài chính cho TP. Theo ông Ngân, nếu tài chính TP gặp khó khăn cũng đồng nghĩa việc đóng góp cho nguồn lực tài chính quốc gia cũng gặp khó.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM không thể tiếp tục trận chiến cũ bằng phương pháp cũ, đó là truy vết F0, cần phải thay đổi để làm sao sử dụng nguồn lực hữu hạn còn lại một cách hiệu quả nhất. Bộ Y tế đã giao chỉ tiêu chống dịch cho TP nhưng theo ông Lịch, trong các tiêu chí này có hai kim cô cho quá trình mở cửa trở lại.

“Chúng ta phải xác định mở cửa một cách nhất quán, dứt khoát, không nên mở cửa giật cục. Cả TP lẫn doanh nghiệp không còn nguồn lực, sau nhiều tháng giãn cách, doanh nghiệp đã kiệt quệ. Ngoài ra, TP cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy… Cần đánh giá kỹ các tiêu chí an toàn, điều kiện hoạt động để mở cửa chứ không “đóng mở bất thường”, doanh nghiệp sẽ bị đấm bồi và tiếp tục chết nhiều hơn” – ông Trần Du Lịch nói.

Xét nghiệm có trọng tâm, không nên xét nghiệm đại trà

Ông Lê Trường Giang – chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM – cho rằng thời gian qua, các biện pháp thực hiện giãn cách đã có hiệu quả nhất định khi kìm được phần nào số ca F0. Tuy nhiên vẫn chưa đủ sức đẩy lùi F0 như mục tiêu đề ra, do đó đến lúc TP cần có biện pháp mạnh hơn hoặc thay đổi cách nhìn về dịch để chuẩn bị cho việc mở cửa.

Vậy chúng ta có vũ khí gì? Đó là vắc xin và thuốc điều trị. Theo ông Lê Trường Giang, đây là hai vũ khí cần được sử dụng chủ lực để nhanh chóng giảm ca bệnh.

“Quan điểm của tôi là xét nghiệm không phải là vũ khí chống dịch mà là công cụ, vì vậy cần được sử dụng đúng mục đích thì mới hiệu quả. Cần xem xét nghiệm là để tìm được F0 để chăm sóc, chữa trị, tránh nguy cơ bệnh nặng hoặc xét nghiệm để đưa các đối tượng được xét nghiệm về lại cuộc sống bình thường, phục hồi sinh hoạt xã hội” – ông Lê Trường Giang nói.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM – phát biểu tại chương trình

Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay của TP, ông Giang cũng cho rằng ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế đã chạm đáy, không thể kéo dài giãn cách hơn nữa. “Hiện nay TP chưa thể kiểm soát dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế nhưng với điều kiện hiện nay thì chúng ta có thể tính đến dần mở cửa” – ông Trường Giang nói.

Theo giáo sư Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM, xu thế ca bệnh ở TP thời gian gần đây bắt đầu giảm nhưng chưa đến mức an toàn theo tiêu chí của Bộ Y tế. Vì vậy, TP cần thảo luận lại về bộ tiêu chí này để có biện pháp thích ứng.

Nguyên viện trưởng Viện Y tế cộng đồng TP.HCM Lê Hoàng Ninh nhận định chiến lược của TP là phải có vắc xin, không thể tiếp tục phong tỏa, đóng cửa.

Theo ông Ninh, cần phải xét nghiệm có trọng tâm, nhóm nguy cơ cao, không nên xét nghiệm đại trà gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, ông Ninh cho rằng phải xác định sống cùng virus, không thể diệt hết virus.

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng – nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng cần xác định những mục tiêu cơ bản là giảm số người chết, giảm số người bệnh nặng, giảm di chứng và giảm thiệt hại kinh tế – xã hội.

Về chiến lược dập dịch COVID-19, ông Dũng cho rằng phương châm không làm thừa, nếu không sẽ lãng phí tiền của, thời gian, tạo áp lực, căng thẳng… dẫn đến kiệt quệ.

Không mở cửa, ngân sách sẽ thiệt hại nhiều

Cũng tại cuộc họp, các chuyên gia chỉ ra nhiều vấn đề trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Nhiều ý kiến chia sẻ các góc nhìn chiến lược, đưa ra nhận định cần xem xét lại ý nghĩa và hiệu quả của công tác xét nghiệm diện rộng.

Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM) dự báo khi mở cửa trở lại, chắc chắn số ca mắc Covid-19 sẽ tăng. Hệ thống y tế cần chuẩn bị để đáp ứng được tỷ lệ tử vong và nhập viện trong ngưỡng cho phép.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP.HCM) chia sẻ cuộc chiến Covid-19 phải chuyển từ tư duy đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng sang đánh chắc, thắng chắc. Thành phố cho phép hoạt động một số ngành sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch chặt chẽ.

binh thuong moi tai TP.HCM anh 3
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định đây là cuộc chiến lâu dài, không thể “tốc chiến tốc thắng” vì sẽ quá tốn sức lực. Nếu chiến đấu như thể trận chiến cuối cùng thì sẽ kiệt quệ; do đó, thành phố cần xem xét các vấn đề ưu tiên.

“Mình sẽ tiêu diệt nó (dịch bệnh – PV), nhưng không phải hôm nay mà trong vòng một vài năm tới, và làm cùng các quốc gia khác”, ông nói.

Với nhận định đó, chuyên gia cho rằng không nên xét nghiệm diện rộng để bóc tách toàn bộ F0 mà nên tập trung vào người có triệu chứng, nguy cơ cao để điều trị. Ông cho rằng Bộ Y tế đặt chỉ tiêu phải xét nghiệm nhiều là không hiệu quả về kinh tế.

Từ góc nhìn của mình, chuyên gia cho rằng TP.HCM cần xác định tư tưởng sống chung và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi.

“Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Do đó phải mở cửa”, ông kiến nghị.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều