TPHCM tập trung thực hiện 11 chiến lược để trở lại trạng thái bình thường mới
Sáng 22/9, Bí thư Nguyễn Văn Nên thông báo TP.HCM đang xây dựng 11 chiến lược cho thời kỳ bình thường mới. Trong đó tập trung chiến lược về y tế, an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, Nghị quyết 86 giao TPHCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9. Tuy nhiên, đến ngày 15-9, có 3 huyện Củ Chi, Cần Giờ và quận 7 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, một số địa phương khác tiệm cận các tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra. Quận Bình Tân chưa kiểm soát được dịch.
Đối với một địa bàn có đông dân cư như quận Bình Tân, Bí thư Thành ủy TPHCM ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng quận trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Những nỗ lực của quận đã mang lại nhiều kết quả, đặc biệt là giảm số ca trở nặng và giảm mạnh trường hợp tử vong. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây là kết quả cực kỳ quan trọng của quận Bình Tân.
Trong chăm lo an sinh xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ thấu hiểu với đặc điểm của một địa bàn có dân số đông, mật độ dân số cao, điều kiện sống còn nhiều khó khăn… “Đến thời điểm này, quận và từng pháo đài đã nỗ lực, làm được rất nhiều việc trong chăm lo cho người dân. Nhưng chắc chắn chưa thể lo tròn trịa được, cũng còn phát sinh”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá quận Bình Tân đã đạt được một số kết quả tích cực trong chống dịch COVID-19, số ca nặng và tử vong giảm suốt một thời gian dài.
Ông đề nghị Bình Tân cố gắng giữ thành quả và kéo giảm số ca tăng nặng, ca tử vong xuống thấp nhất. Trong đó làm tốt nhất trụ cột thu dung, phân loại, hướng dẫn, phát thuốc, điều trị, chăm sóc và tư vấn cho người nhiễm COVID-19 (F0).
Bí thư Nên cho biết TP.HCM đang xây dựng 11 chiến lược cho thời kỳ bình thường mới. Trong đó, chiến lược về y tế là trụ cột, cùng với đó là chiến lược về an sinh xã hội (gồm dân cư, lao động việc làm, nhà ở…).
Đối với quận Bình Tân, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu quận tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để kiểm soát được dịch Covid-19. Đồng thời, quận cần chuẩn bị tâm thế, kỹ năng cho người dân trong tình hình mới – sống trong điều kiện bình thường mới, môi trường có Covid-19. Bởi, ít nhất ở thời điểm này, giai đoạn này, chưa thể nào chuyển hóa thành một địa bàn hoàn toàn xanh – sạch – đẹp như thông thường. Vì thế, trong cuộc sống, người dân cần phải cảnh giác, đề phòng, biết các kỹ năng tự xét nghiệm, tự kiểm tra sức khỏe và được chuẩn bị đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để ứng phó với Covid-19.
Việc trọng tâm thứ hai là từng pháo đài cần tiếp tục duy trì trung tâm y tế lưu động. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong chiến lược về y tế cho giai đoạn bình thường mới, phải phát huy hệ thống y tế gồm cả y tế cộng đồng, y tế lưu động, bác sĩ gia đình, y tế tư nhân, các tiệm thuốc… Đây là chiến lược y tế chung của TPHCM và từng quận, huyện như quận Bình Tân, cần phải chủ động phát huy hệ thống y tế, kết hợp Đông y, Tây y để chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Đề cập đến vaccine, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, yếu tố cần nhất để mở cửa trở lại chính là vaccine. Vaccine giúp hạn chế lây lan Covid-19, hạn chế trở nặng, hạn chế tử vong và hạn chế phát sinh ca nhiễm mới… Vì thế, quận Bình Tân cần “nói cho dân hiểu, dân thông và dân làm”, tiếp tục bao phủ vaccine trên địa bàn.
Về an sinh xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ trước các khó khăn của người dân trong thời điểm giãn cách xã hội. Theo đồng chí, khi giãn cách triệt để, nghiêm ngặt thì an sinh xã hội trở thành bài toán lớn, không chỉ TPHCM lo mà cả Trung ương, các tỉnh, thành bạn tương trợ và có sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà thiện nguyện… Cùng với nỗ lực của thành phố thì người dân, xã hội cũng đùm bọc, gánh vác giúp nhau, người đùm bọc người khó, người có nhiều đùm bọc người có ít.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu quận Bình Tân và các pháo đài tiếp tục triển khai hỗ trợ một cách đầy đủ và công bằng. Quá trình thực hiện cần lập danh sách và có hội đồng xét duyệt kỹ lưỡng, kịp thời hỗ trợ cho người dân. Mục tiêu là không để người dân thiếu đói, không để ai rơi vào cảnh quá khó khăn, bần cùng.
Đồng thời, quận cần sử dụng công nghệ thông tin trong triển khai hỗ trợ; thống kê người tiêm vaccine, F0 đã khỏi bệnh… và vẽ lại bản đồ Covid-19 trên địa bàn quận.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo quận Bình Tân cần chú trọng chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn bình thường mới, đưa ra lộ trình từng bước ra sao và nêu rõ các điều kiện để doanh nghiệp, người lao động được hoạt động trở lại. Quận cũng cần tính toán, có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân được sinh sống ở nơi khang trang, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Xem xét mở lại các hoạt động trong tháng 10, 11
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, trong tháng 9, quận đang cân nhắc từng bước tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn cho mở một số cửa hàng tiện ích và điểm sản xuất lương thực, thực phẩm đủ điều kiện để phục vụ người dân.
Giai đoạn từ ngày 1-10 đến 15-10, Bình Tân phấn đấu có khoảng 3 – 6 phường kiểm soát được dịch bệnh và đến hết tháng 10 cơ bản kiểm soát dịch trên toàn địa bàn. Giai đoạn này, quận tiếp tục nghiên cứu mở các cửa hàng thương mại, dịch vụ như siêu thị, chợ.
Bên cạnh đó, quận xem xét một số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA) có kế hoạch làm việc với từng doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ mở cửa lại với yêu cầu an toàn.
Ngoài ra, nghiên cứu cho phép mở lại điểm tập thể dục ở các công viên, buôn bán thức ăn đường phố… Từ ngày 1-11 đến cuối năm, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, quận kích hoạt lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác.
Ông Thinh cho hay, trong tháng 10, Bình Tân nghiên cứu cho triển khai hoạt động trở lại tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án có vốn ngân sách nhà nước. Trong tháng 11 sẽ xem xét cho các hoạt động xây dựng tư nhân.
Việt Dũng