+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu 4 trụ cột giúp TP.HCM phục hồi sau dịch

08/11/2021 08:03

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong cuộc sống bình thường mới với sự tồn tại của virus SARS-CoV-2: “Muốn an toàn thì phải kiểm soát. Muốn kiểm soát thì phải dùng đến công nghệ chứ không thể kiểm soát theo kiểu thủ công”.

Đại dịch COVID-19 khiến TP.HCM thiệt hại nặng nề nhưng qua những ngày chống chọi khủng hoảng, TP đang dần hồi sinh bằng bốn trụ cột quan trọng, trong đó có công nghệ.

Sau khi lắng nghe báo cáo hoạt động của Trung tâm điều hành kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7 (sau đây gọi là trung tâm chỉ huy), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong cuộc sống bình thường mới với sự tồn tại của virus SARS-CoV-2: “Muốn an toàn thì phải kiểm soát. Muốn kiểm soát thì phải dùng đến công nghệ chứ không thể kiểm soát theo kiểu thủ công”.

Nhìn nhận kết quả vận hành trung tâm chỉ huy (quận 7 hợp tác với Tập đoàn FPT), Bí thư Nên ví đó là những “hạt giống quý” cần nhanh chóng được nhân rộng cho toàn TP trong thời gian tới. Ông Nên gọi là “hạt giống quý” có lẽ vì đây là những thành quả đầu tiên của việc áp dụng trụ cột công nghệ vào kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế, bên cạnh việc hoàn thiện ba trụ cột còn lại là 5K, vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Giải quyết 3 vấn đề về quản lý giúp TP.HCM phục hồi sau dịch - ảnh 2
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

“Hạt giống quý” từ đâu?

Đại dịch đặt ra hàng loạt bài toán thực tiễn mà giới quan sát từng phàn nàn là Việt Nam quá chậm chân về công nghệ, dù khẩu hiệu về cách mạng công nghiệp 4.0 đã có từ lâu. Ví dụ, chúng ta thiếu cơ sở dữ liệu để dự báo, đánh giá đúng tình hình dịch bệnh. Giao dịch “bằng giấy” thịnh hành trong bối cảnh phải giảm tiếp xúc trực tiếp. Thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp đến chính quyền quá tải, chậm xử lý. Các tình huống khẩn cấp như cấp cứu, chữa trị F0 cộng đồng, tiêm vaccine, cứu trợ người lao động… gia tăng đột biến, trong khi năng lực thống kê, phân loại, sàng lọc, xử lý sự việc còn hạn chế.

Đặc biệt, lãnh đạo các quận, huyện – được xem là chỉ huy, giám sát các “pháo đài” phường, xã khi muốn ra quyết sách thì gặp phải khó khăn vì thiếu bảng điều khiển dữ liệu (dashboard) về tình hình dịch bệnh, an sinh xã hội, vaccine, y tế, kinh tế… Thậm chí dù có quyết sách đúng nhưng khi triển khai ra thực tế vẫn không hiệu quả do trách nhiệm, năng lực, ý thức, sự linh hoạt của người thực thi chính sách vẫn chưa được kiểm soát tốt.

Trong bối cảnh đó, TP cấp thiết phải giải quyết ba vấn đề về quản lý. Thứ nhất là quản lý rủi ro dịch bệnh. Thứ hai là quản lý mối quan hệ giữa lãnh đạo hay người ra quyết sách với người được phân công, được giao nhiệm vụ thực thi chính sách. Thứ ba là quản lý mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Cả ba vấn đề này, hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây, đòi hỏi công nghệ phải đi vào thực tiễn để có thể được giải quyết hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này không đơn thuần là lao vào “cuộc đua” gia tăng máy móc, phần mềm và các ứng dụng thông minh. Nguồn nhân lực, tài chính của TP.HCM hay Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 lại là thứ khủng hoảng chưa từng xảy ra. Thế nên, chính quyền TP không thể mạo hiểm thử ồ ạt diện rộng vì có thể sai nghiêm trọng hàng loạt hoặc lãng phí. Nói như Bí thư Nguyễn Văn Nên, kiểm soát đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế là “điều còn mới mẻ, chưa có tiền lệ, chưa có bài học. Và vì còn mới nên có những cái khó và lúng túng, buộc phải thí điểm và rút kinh nghiệm”.

Vì vậy, cần có những tính toán chiến lược về mặt thời điểm, lộ trình, đối tượng, phạm vi áp dụng, mức độ ưu tiên của các chính sách. TP đã nghiên cứu và chọn quận 7 làm đơn vị thí điểm sau khi quan sát quá trình và thành quả chống dịch của địa phương này thời gian qua. Từ đó, trung tâm chỉ huy ở quận 7 được ra mắt vào cuối tháng 9-2021. Kết quả của nỗ lực hơn 40 ngày đêm là “những hạt giống quý” đáng được nghiên cứu nhân rộng để TP thêm hồi sinh, phát triển. Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã thận trọng nhắc nhở: “Đây chỉ là những thành quả ban đầu, phía trước còn rất nhiều điều cần phải nỗ lực”.

Giải quyết 3 vấn đề về quản lý giúp TP.HCM phục hồi sau dịch - ảnh 1
Quận 7 và Tập đoàn FPT ký kết kế hoạch dưới sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Giúp lãnh đạo giám sát công chức

Làm sao để lãnh đạo giám sát, đánh giá hiệu quả công việc của những người được phân nhiệm trong hệ thống chính quyền? Đó là trăn trở của Bí thư Nguyễn Văn Nên khi đặt ra liên quan việc quận 7 áp dụng công nghệ để đổi mới quản lý công. Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận xét lâu nay điều quan trọng nhất là đánh giá cán bộ nhưng việc đánh giá chủ yếu là định tính, còn việc quy ra sản phẩm và định lượng thì vẫn khó khăn. Có những người làm việc “đầu tắt mặt tối” nhưng không biết ăn nói, trong khi có người làm việc không hiệu quả nhưng nói lại hay. Việc đánh giá một con người sao cho sát thực vẫn cực kỳ khó.

Nhìn lại đợt dịch vừa qua sẽ hiểu trăn trở của ông Nên. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền TP đã có nhiều chính sách khác nhau để phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dường như từ trung ương đến địa phương vẫn chưa áp dụng các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPIs) đối với người thực thi chính sách. Ví dụ, chiến dịch tiêm chủng, hoạt động cứu trợ, tổ chức điều trị F0 cộng đồng… đều là những nhiệm vụ cần được lượng hóa để làm động lực cho các nhà chức trách (như tiêm bao nhiêu % vaccine cho người trên 50 tuổi, hỗ trợ được bao nhiêu doanh nghiệp mở cửa…).

Liên quan đến vấn đề này, TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM) dẫn lời nhà quản trị Peter Drucker nhấn mạnh: “Cái gì không đo lường được thì không quản lý được”. Theo ông Vũ, với việc TP cho phép thí điểm trung tâm chỉ huy ở quận 7, bước đầu quận đã đưa ra được các chỉ số, đồng thời ứng dụng công nghệ để đo lường được các chỉ số là điều rất quan trọng. Bởi điều đó giúp chúng ta nhận diện những việc làm được và việc vẫn còn tồn tại. Việc lãnh đạo, người dân thông qua ứng dụng công nghệ có thể đo lường hiệu quả công việc của cán bộ, thì bản thân người thực thi công vụ sẽ càng vất vả hơn so với việc đánh giá lao động theo cảm tính. Tuy nhiên, theo ông Vũ, đó sẽ là động lực và cơ sở để lãnh đạo có thể đánh giá và sàng lọc cán bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Với trung tâm chỉ huy, có thể hình dung lãnh đạo có thể thông qua hệ thống ứng dụng để: (i) Theo dõi thông tin, giám sát kết quả thông qua tổng đài tự động; (ii) Giao việc và nhận phản hồi nhanh chóng; (iii) Họp hành, phê duyệt hồ sơ, văn bản và ký số trên môi trường Internet; (iv) Điều hành, chỉ đạo thông qua các số liệu về các lĩnh vực, chuyên đề, cảnh báo từ hệ thống. Với hệ thống giám sát công việc bằng công nghệ, một lãnh đạo quận có thể dễ dàng giao việc và giám sát hiệu quả một cách tiện lợi, chính xác. Cùng với cơ chế khuyến khích, những cá nhân đạt KPIs tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng hoặc (và) được tạo điều kiện để có thể phát huy khả năng của mình ở vị trí cao hơn. Trái lại, sự chủ quan, chậm trễ, cứng nhắc, thiếu trách nhiệm, làm sai quy định – hướng dẫn… sẽ chịu chế tài.

Giải quyết 3 vấn đề về quản lý giúp TP.HCM phục hồi sau dịch - ảnh 3
Giúp chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bài toán quản lý thứ hai mà chính quyền TP muốn áp dụng công nghệ để giải quyết chính là nâng cao hiệu quả sự phục vụ của chính quyền với người dân. Như một lãnh đạo của quận 7 chia sẻ về hoạt động của trung tâm chỉ huy, dịch bệnh xuất hiện khiến người dân rơi vào khủng hoảng và họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền, các cơ quan, đoàn thể ở địa phương bất kỳ lúc nào. “Bất kể ngày đêm, người dân có thể gọi điện thoại để yêu cầu hỗ trợ thì chúng ta cần có giải pháp để giúp đỡ họ” – vị này chia sẻ.

Ví dụ, khi có người gọi điện thoại đến để thông báo dấu hiệu của bệnh COVID-19, ứng dụng chatbot sẽ tự động kết nối và tương tác với người dân. Hệ thống sau khi thu thập dữ liệu qua phần hỏi – đáp sẽ tư vấn cho người dân. Người có chức trách từ cấp phường, xã đến cấp quận, huyện lần lượt sẽ được kết nối để đảm bảo người dân được giúp đỡ kịp thời.

Giải quyết 3 vấn đề về quản lý giúp TP.HCM phục hồi sau dịch - ảnh 4
Giải quyết 3 vấn đề về quản lý giúp TP.HCM phục hồi sau dịch - ảnh 5

Thử hình dung, nếu thông tin và sự kết nối giữa chính quyền và người dân về công tác cứu trợ an sinh, kết nối hỗ trợ việc làm cho người lao động sau dịch, đăng ký tiêm vaccine, phản ánh bất cập trong phòng chống dịch… đều được thông suốt 24/7 thì việc kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế sẽ mạch lạc hơn rất nhiều. Để làm điều này, trước hết trung tâm chỉ huy ở quận 7 đang được phát triển theo hướng cải cách thủ tục hành chính giữa công chức với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Song song đó, chính quyền sẽ cung cấp thông tin đến nhân dân, tổ chức để giám sát qua các ứng dụng thông minh.

Quản lý rủi ro dịch bệnh hiệu quả hơn

Hiệu quả trước hết của công nghệ chính là giúp giải quyết bài toán về quản lý rủi ro dịch bệnh. Báo cáo của lãnh đạo quận 7 cho thấy trung tâm chỉ huy bước đầu đã tạo ra “dashboard” để lãnh đạo quận có thể nắm bắt tình hình dịch bệnh đến cấp phường, từ đó có thể phản ứng và có quyết định kịp thời, khoa học và thực tiễn.

Theo đó, “dashboard” xử lý và hiển thị các chỉ số đánh giá, tiêu chí về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế dựa theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Các chỉ số ca nhiễm, ca phục hồi, ca đang được điều trị (tại nhà hoặc tại bệnh viện), ca tử vong; số lượng vaccine, tình hình thẻ xanh COVID; cấp độ dịch bệnh; tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tình hình thực hiện chính sách an sinh xã hội… cung cấp cho lãnh đạo bức tranh toàn cảnh để có quyết định phù hợp nhất, giảm thiểu rủi ro tối ưu nhất.

Ngọc Anh 

Bài mới
Đọc nhiều