Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao mô hình thành lập khu cách ly, điều trị những người lao động nhiễm COVID-19 nhẹ ngay tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Chiều 10-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên mặc trang phục bảo hộ y tế đi vào khu cách ly tập trung tại Khu công nghệ cao TP.HCM, thăm 60 người lao động đang điều trị COVID-19 tại đây.
Sau khi thăm khu này, Bí thư Thành ủy đã đến làm việc với đại diện 2 doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP là Công ty FPT và Nhà máy Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC).
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói ông yên tâm sau khi nghe lãnh đạo Khu công nghệ cao TP.HCM báo cáo và trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp.
Ông Nên cho rằng việc phòng chống dịch ở Khu công nghệ cao TP.HCM có 4 “điểm sáng”.
Trong đó, Khu công nghệ cao TP.HCM đã quan tâm đến các nhà đầu tư chăm lo sức khỏe người lao động, đặt mục tiêu ưu tiên về sức khỏe công nhân. Ngoài ra, ban quản lý và các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu trong phòng chống dịch…
Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cao mô hình thành lập khu cách ly, điều trị những người lao động nhiễm COVID-19 nhẹ ngay tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Do đó, ông Nên nhấn mạnh khu cách ly này là “điểm sáng” cần phải nhân rộng.
Về những vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, ông Nên cho rằng quy trình xử lý F0 phải hạn chế tối đa tránh ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, ông Nên lưu ý phải tiêm ngay cho những lao động chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và cần tính toán các chiến lược về an sinh và xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…
Ông Nguyễn Anh Thi – trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM – cho hay hiện tại số lao động làm việc tại đây là 47.000 người. Theo ông Thi, gần như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu đã khôi phục hoàn toàn.
Ông Thi cho biết trong số các doanh nghiệp đang sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Intel và Samsung là 2 doanh nghiệp chủ lực.
Về số ca mắc COVID-19, ông Thi cho hay từ đầu dịch đến nay, khu ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm, trong đó có hơn 1.000 ca tại Công ty Nidec Sankyo phát sinh giai đoạn đầu vào tháng 7-2021.
Từ ngày 1-10 đến nay, có 774 ca nhiễm, trong đó số ca phát sinh ở nhà máy là 533.
Về tiêm vắc xin, ông Thi cho hay đến nay có 49.374 người lao động đã tiêm đủ mũi 2.
Đối với tình hình phục hồi sản xuất của Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Thi cho hay tính đến ngày 8-11, có 88 dự án hoạt động với tổng số lao động là 45.425 người.
Theo ông Thi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM trong 10 tháng đầu năm đạt 28,98 tỉ USD, giảm 7,46% so với cùng kỳ. Riêng về thu hút đầu tư, ông Thi cho hay ban quản lý đã cấp mới 1 giấy chứng nhận đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 162 tỉ đồng, cấp điều chỉnh tăng vốn 785 triệu USD cho 3 dự án FDI.
Về việc phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo ông Thi, khu sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm trong việc phòng chống dịch.
Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho hay bên cạnh kiểm soát dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã phục hồi và mở rộng quy mô khá nhanh. Dự kiến đến cuối tháng 11, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp trong khu sẽ khôi phục 100%.
Đại diện cho các doanh nghiệp trao đổi với Bí thư Thành ủy, ông Trần Tiến Phát – tổng giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam – cho rằng các chuyên gia nước ngoài khi vào Việt Nam gặp khó khăn khi phải cách ly 7 ngày, ở nước ngoài những người này đã chích mũi 2, thậm chí mũi 3, song qua Việt Nam vẫn phải cách ly một tuần ảnh hưởng đến thời gian của chuyên gia và doanh nghiệp.
Ngọc Anh