Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi người dân ‘sống khác’ trong 2 tuần tới
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi trong 2 tuần tới đây, cũng là thời gian vàng để chống dịch, người dân TP hãy “sống khác”: tiết kiệm, ít đi lại, dốc sức giúp cả nước không vượt ngưỡng 1.000 ca bệnh.
Tối 24-3, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh chúng ta đang sống ở thời điểm mà tốc độ lây lan dịch COVID-19 rất khủng khiếp. Thực tế ở các nước Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha… đang cho thấy điều đó.
Theo ông Nhân, trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần tới, chúng ta phải cố giữ đừng vượt 1.000 ca nhiễm trên toàn quốc. Đây là một thách thức cực kỳ lớn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.
“Nếu để đến giai đoạn mỗi ngày tăng thêm 2.000 ca nhiễm trở lên thì chúng ta có xây dựng bệnh viện ngàn giường cũng không có tác dụng gì cả, không có trại cách ly nào làm cho kịp với tốc độ lây nhiễm” – ông Nhân cảnh báo.
Đề cập về bài học hạn chế đi lại rút ra từ các nước đã chống dịch khá thành công, ông Nhân tha thiết mong muốn trong 2 tuần tới người dân TP nghiêm túc thực hiện để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Việc yêu cầu đóng cửa tất cả mọi dịch vụ, các cửa hàng mua bán thì không hợp lý. Do đó, ý thức hạn chế đi lại của người dân là yếu tố quyết định. Mục đích cuối cùng là làm sao giảm tối đa hoạt động của người dân.
“Tóc chưa dài lắm đừng đi cắt tóc, giày chưa hư cũng đừng đi mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo… nếu chưa thật cần thiết thì hãy hoãn lại” – ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cả nước đang bước vào một cuộc chiến tranh: đó là chiến tranh virus. Do vậy, mọi người dân phải ứng xử như trong chiến tranh, dù không có tiếng súng.
Ông Nhân còn nói thêm rằng bài học ở đây là phải chịu khổ trước rồi mới sướng sau. Trong khi dịch bệnh đang xảy ra mà đòi tự do, vui sướng trước thì về sau sẽ rất khổ. Nếu tất cả không chung tay, không cố gắng mà để lỡ thời cơ thì không thể làm lại được nữa.
Bàn đến vấn đề hỗ trợ người dân, Bí thư Nhân nói đến câu chuyện ở Nhật Bản. Ở Nhật, khi có dịch bệnh, người lao động phải ở nhà trông con thì chính phủ trả tiền cho người đó để họ yên tâm ở nhà. Vì việc họ ở nhà là một hành động vì xã hội.
“Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ và TP.HCM phải bàn. Phải làm sao khi người lao động không thể đi làm cũng phải có đủ tiền mua thức ăn cho bản thân và con cái họ” – ông Nhân gợi mở và đề nghị nếu chưa thể chi từ ngân sách thì có hướng tính toán huy động các nguồn lực ngoài ngân sách.